Muốn hiểu sự bất bình đẳng khí hậu, hãy nhìn shipper ở Bắc Kinh

Nhóm lao động thu nhập thấp ở Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đối mặt với sóng nhiệt khắc nghiệt để kiếm từng đồng ngoài trời nóng như thiêu đốt.

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, Dang Jianbin - 48 tuổi - đang phân loại hàng chục kiện hàng bên ngoài một tòa nhà văn phòng gần đường vành đai 2 của Bắc Kinh. Đã gần đến giờ ăn trưa nhưng ông vẫn chưa ăn sáng. Điều duy nhất ông Dang hy vọng vào một ngày nắng nóng 33 độ C như thế này là sớm hoàn thành gửi tất cả gói hàng và nghỉ ngơi trong bóng râm.

“Tôi không có lựa chọn nào tốt hơn là làm việc dưới trời nắng nóng”, Dang - shipper (nhân viên giao hàng) của một trong những công ty dịch vụ chuyển phát nhanh hàng đầu Trung Quốc - cho biết. “Tôi phải kiếm sống bằng nghề này để nuôi con và bố mẹ tôi”.

Trung Quốc là một trong những nơi đang trải qua thời tiết nắng nóng chưa từng có. Trong tháng qua, thời tiết như thiêu đốt đã ảnh hưởng đến 900 triệu người trên khắp cả nước, thậm chí khiến một số người thiệt mạng.

Chính phủ đã ban hành báo động đỏ về nắng nóng khắc nghiệt và đề nghị người dân ở trong nhà.

Tuy nhiên, những người lao động như ông Dang, nhóm làm việc nhiều giờ ngoài trời, phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa sức khỏe và cuộc sống mưu sinh. Điều này đã làm nổi bật tình trạng bất bình đẳng khí hậu ngày càng trầm trọng, khiến những nhóm dễ bị tổn thương nhất gặp rủi ro, theo Bloomberg.

Có quy định nhưng chưa chặt chẽ

Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, từ tháng 6 đến giữa tháng 7, nước này ghi nhận 5,3 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C, cao nhất kể từ năm 1961 trong cùng kỳ.

Kể từ tháng 6, 71 trạm thời tiết quốc gia ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay. Vào tháng 6, thành phố Tây An trải qua 20 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C, và Thượng Hải đạt mức nhiệt kỷ lục 40,9 độ C vào tuần trước.

Trong tháng này, một công nhân xây dựng ở Tây An qua đời vì say nắng, sau khi làm việc trong môi trường nóng ẩm suốt 9 giờ. Công ty xây dựng ban đầu từ chối bồi thường tài chính vì người đàn ông không ký hợp đồng.

 Thượng Hải vừa trải qua một tuần có ngày đạt mức nhiệt kỷ lục 40,9 độ C. Ảnh: Reuters.

Thượng Hải vừa trải qua một tuần có ngày đạt mức nhiệt kỷ lục 40,9 độ C. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sau làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, gia đình cho biết công ty đã chấp nhận chi trả cho tang lễ và cung cấp một số khoản bồi thường.

Vụ việc đã khiến các hãng thông tấn và mạng xã hội Trung Quốc thảo luận về cách bảo vệ người lao động giữa trời nắng nóng khi trong tương lai, các đợt nóng gay gắt sẽ còn phổ biến hơn.

Cách đây một thập niên, Trung Quốc đã ban hành quy định quản lý điều kiện làm việc khi trời nắng nóng, chẳng hạn như hạn chế giờ làm việc ngoài trời và tăng lương. Tuy vậy, trên thực tế, quy định này vẫn thiếu sự giám sát.

Trong bài bình luận xuất bản vào tuần trước, tờ Nhân dân Nhật báo đã kêu gọi một số cơ quan chính phủ làm nhiều hơn nữa nhằm “cải thiện công tác giám sát, để các quy định không chỉ tồn tại trên giấy”.

"Không hài lòng nhưng tôi có thể làm gì?"

Li Zhao, nhà nghiên cứu tại Greenpeace East Asia, cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như nắng nóng, là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy bất bình đẳng là vấn đề nổi cộm trong biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo năm 2020 của Oxfam, 1% dân số giàu nhất thế giới phát thải nhiều gấp đôi so với 3,1 tỷ người nghèo nhất, nhưng các nhóm thiệt thòi về kinh tế và xã hội phải hứng chịu hệ quả của biến đổi khí hậu và các rủi ro môi trường khác.

“Nhân viên văn phòng làm việc trong khu vực có điều hòa nhiệt độ và chỉ tiếp xúc với hơi nóng trong khoảng thời gian ngắn trên đường đi làm, nhưng không phải ai cũng có điều kiện hưởng hệ thống làm mát trong môi trường sống và làm việc”, Li nói.

Công ty trả thêm lương cho mỗi gói hàng mà ông Dang giao trong những ngày nắng nóng. Thông thường, ông được trả 1,3 NDT/gói hàng, và kể từ tuần trước, ông được nhận 1,5 NDT.

 Nắng nóng khắc nghiệt làm nổi bật bất bình đẳng do khí hậu. Ảnh: Bloomberg.

Nắng nóng khắc nghiệt làm nổi bật bất bình đẳng do khí hậu. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được nhận những khoản tiền trợ cấp này. Chen Limei - 35 tuổi, nhân viên giao hàng tại một trong những nền tảng đặt thực phẩm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc - cho biết công ty không trả thêm tiền trong những ngày nắng nóng.

Cô Chen phải làm việc ít nhất 10 giờ/ngày, chủ yếu là ngoài trời. Cô phải che chắn kĩ càng để tránh bị cháy nắng.

“Tôi không hài lòng nhưng tôi có thể làm gì? Có rất nhiều người sẵn sàng nhận việc nếu tôi nghỉ”, cô Chen nói trong khi bận rộn bấm số gọi người nhận hàng để có thể giao gói thực phẩm trong thời hạn mà hệ thống đặt ra.

Theo chuyên gia Li, ngoài việc thực hiện tốt hơn chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động trong những ngày nắng nóng, chính phủ cũng có thể cải thiện hệ thống cảnh báo nhiệt độ bằng cách cung cấp chỉ số độ ẩm.

 Mái của một quán cà phê trong viện bảo tàng ở Trùng Khánh bị hư hại do nắng nóng vào ngày 11/7. Ảnh: Guardian.

Mái của một quán cà phê trong viện bảo tàng ở Trùng Khánh bị hư hại do nắng nóng vào ngày 11/7. Ảnh: Guardian.

Hiện tại, hệ thống cảnh báo của Trung Quốc chỉ dựa trên nhiệt độ, nhưng độ ẩm cũng là yếu tố then chốt định hình các tác động đến sức khỏe con người. Chính phủ cũng nên hỗ trợ các thành phố thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, đặc biệt xem xét các nhóm dễ bị tổn thương, bằng cách tạo ra không gian xanh công cộng mà mọi nhón đều có thể tiếp cận, bà Li nói.

“Nhóm thu nhập thấp sống ở những khu vực có ít không gian xanh trong khi mật độ dân số cao hơn nhiều. Vì vậy, giới quy hoạch thành phố nên xây dựng đủ không gian xanh công cộng để mọi đối tượng có thể giải nhiệt”, bà kết luận.

Đường băng bị chảy nhựa vì nắng nóng kỷ lục ở Anh Sân bay Luton, Anh, hôm 18/7 đã phải dừng hoạt động trong vài giờ để sửa chữa một đoạn đường băng bị chảy nhựa do nắng nóng kỷ lục, lên tới trên 37 độ C.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/muon-hieu-su-bat-binh-dang-khi-hau-hay-nhin-shipper-o-bac-kinh-post1337788.html