Muôn cách 'độc lạ' để tham gia BHXH tự nguyện

Dù còn không ít khó khăn về thu nhập, song nhiều người lao động khu vực phi chính thức ở Quảng Nam đã vận dụng nhiều cách để theo đuổi chính sách an sinh, từ tiết kiệm theo mùa vụ đến đi xuất khẩu lao động rồi gửi tiền về nhờ người thân đóng BHXH tự nguyện…

Trước khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, bà Hồ Thị Khuyến trú tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My chưa từng nghĩ một nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn” lại có cơ hội được hưởng lương hưu khi về già. Vì vậy, khi được cán bộ BHXH tuyên truyền, bà đã cân nhắc và tham gia ngay.

Tiết kiệm theo mùa vụ

Bà Hồ Thị Khuyến cho hay cả hai vợ chồng bà đều là nông dân, quanh năm đi làm rẫy. Thu nhập không mấy dư dả, nhưng bà vẫn quyết tham gia BHXH tự nguyện. Để theo đuổi chính sách an sinh, bà cùng chồng chủ động tiết kiệm theo mùa vụ rồi đóng cả năm chứ không đóng theo tháng.

Cụ thể, theo bà Khuyến, cây đót (một loại cây dùng để làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm đồ thủ công mỹ nghệ) là một trong những loại cây kinh tế chính của gia đình. Sau mỗi vụ, vợ chồng bà trích một khoản để đóng BHXH một lần cho cả năm.

Nhiều lao động tự do ở Quảng Nam đang chủ động gia nhập lưới an sinh để ổn định khi về già.

Nhiều lao động tự do ở Quảng Nam đang chủ động gia nhập lưới an sinh để ổn định khi về già.

“Nông dân thì chỉ đến vụ mùa mới có tiền, vì vậy tôi tính toán đóng một lần. Vì đóng theo tháng thì có những khoảng thời gian nông nhàn thì kiếm ra vài trăm nghìn đồng là rất khó, dễ bị đứt mạch đóng. Việc đóng một lần cũng tiện cho cả người đóng và đại lý thu”, bà Khuyến hồ hởi chia sẻ.

Cũng theo bà Khuyến, việc tham gia BHXH tự nguyện được cả hai vợ chồng đồng lòng. “Chồng tôi bảo tham gia để sau này về già có lương hưu, con cháu không lo được thì mình cũng không sợ đói khổ. Bệnh tật cũng không lo vì có BHYT rồi. Thay vì bỏ mấy trăm nghìn cho bữa nhậu thì giờ dành để đóng BHXH”, bà Khuyến nói thêm.

Bỏ uống rượu để dành tiền đóng BHXH tự nguyện cũng là cách mà ông Hồ Văn Lăng, xã Trà Cang đang thực hiện. Ông Lăng tham gia BHXH từ năm 2021, trong một lần được cán bộ BHXH gõ cửa để tuyên truyền, tư vấn về chính sách an sinh.

Ông Lăng tiết lộ trước đây ông hầu như ngày nào cũng uống rượu, sức khỏe theo đó cũng đi xuống rất nhanh. Vì vậy, khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, ông đã quyết tâm từ bỏ rượu bia để tiết kiệm tiền tham gia chính sách an sinh của Nhà nước.

Gửi tiền về để tham gia BHXH

“Kể từ khi tham gia BHXH, tôi hạn chế uống rượu nên sức khỏe tốt lên. Có BHYT rồi nên cũng không còn lo lắng khi không may phải đi bệnh viện. Và quan trọng nhất là tôi thấy vui vì tương lai tuổi già được đảm bảo với khoản lương hưu có thể được nhận. Tôi sẽ quyết tâm tham gia chính sách đến cùng”, ông Lăng bày tỏ.

Trường hợp của các chị Hồ Thị Vo và Nguyễn Thị Hồng Thiết, cùng ở xã Trà Cang, cũng rất đặc biệt khi có cách tham gia BHXH tự nguyện khá “độc lạ”, đó là đi xuất khẩu lao động rồi gửi tiền về nhờ người thân đóng hộ theo năm.

Đáng chú ý, việc các chị Vo và Thiết nhiệt tình tham gia BHXH tự nguyện cũng truyền cảm hứng cho người thân có thêm động lực để tiết kiệm tham gia chính sách an sinh của Nhà nước. Sự đổi thay trong nhận thức về một chính sách an sinh xã hội thiết thân đã làm nên sự thay đổi trong đời sống đồng bào vùng cao ở Trà Cang.

BHXH tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh tuyên truyền để giúp người dân hiểu về lợi ích của BHXH tự nguyện.

BHXH tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh tuyên truyền để giúp người dân hiểu về lợi ích của BHXH tự nguyện.

Nói về những cách thức đa dạng khi tham gia BHXH tự nguyện của người dân tại địa phương, chị Trương Thị Luôn, đại lý thu BHXH xã Trà Cang, đánh giá trong bối cảnh điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, để dành ra tối thiểu 200 – 300 nghìn đồng/tháng để tham gia BHXH là điều không dễ. Tuy nhiên, nếu cố gắng người dân có rất nhiều cách.

Bên cạnh sự chủ động của người dân thì sự tâm huyết của cán bộ BHXH là đặc biệt quan trọng để mở rộng lưới an sinh tại địa phương. “Với người đồng bào dân tộc thiểu số ở bản làng vùng cao, tuyên truyền nội dung gì cũng phải “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa hiểu thì phải nói, giải thích nhiều lần. Tôi nói với bà con bằng tiếng Xê Đăng để giải thích từng thắc mắc, từng chế độ chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước như thế nào”, chị Luôn chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo chị Luôn, chỉ cần nói thực, nói đúng, có sự so sánh được mất, so sánh số tiền họ tham gia tính theo ngày thì không bao nhiêu, nhưng về già thì hưởng lợi nhiều. Cứ vậy, người dân tin sẽ tham gia vào chính sách an sinh của Nhà nước

Những người truyền lửa

Có một thực tế dễ thấy ở Quảng Nam thời gian qua là ngày càng có nhiều người lao động khu vực phi chính thức tham gia vào lưới an sinh. Đây là thành quả của quá trình tuyên truyền, thực hiện chính sách, đặc biệt là sự tâm huyết của các đại lý thu, tuyên truyền viên và cán bộ BHXH tại các địa phương.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Quảng Nam, trong 3 năm qua, hàng trăm người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã nhận được lương hưu. Trong đó, hầu hết là những trường hợp tham gia BHXH tự nguyện cách nay hơn 10 năm. Khi kinh tế khá giả, họ thường chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu.

Kết quả thống kê cho thấy trong thời gian tới, số lượng lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tăng mạnh. Bởi, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện thời gian hơn 10 năm trên địa bàn tỉnh đang khá lớn.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Quảng Nam có 1.473.435 người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 13.833 người so với cuối năm 2022, đạt 100,07% kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96,55%.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh Quảng Nam tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó trọng tâm là BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình nhằm duy trì và phát triển người tham gia trên địa bàn tỉnh.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/muon-cach-apos-doc-la-apos-de-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-1096409.html