Mười năm loay hoay đổi mới giáo dục và nỗi lo 'quốc sách hàng đầu'

Cách đây 10 năm, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) ngày 4-11-2013 'Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế'.

Nghị quyết số 29 sau khi ra đời được kỳ vọng như một “cú hích” tạo ra hướng đi mới, sức sống mới cho nền giáo dục Việt Nam. Tuy vậy, qua 10 năm thực hiện nghị quyết này, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nhận thức thấu đáo, giải quyết căn cơ mới có thể thúc đẩy sự nghiệp giáo dục Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

Vệt bài phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý góp phần phân tích, lý giải sâu sắc vấn đề này.

Bài 1: Tiến trình, mục tiêu đổi mới giáo dục chưa đáp ứng kỳ vọng của xã hội

Cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, chứng kiến bao thăng trầm của ngành giáo dục, vì vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ, Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) bên cạnh khẳng định những thành tựu đạt được sau 10 năm đổi mới giáo dục, cũng bày tỏ không ít băn khoăn, trăn trở bởi sự nghiệp “trồng người” của nước nhà sau một thập niên thực hiện Nghị quyết 29 vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Giáo dục và đào tạo vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người và dạy nghề”

Phóng viên (PV): Sau 10 năm nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta gặt hái được những thành quả gì đáng ghi nhận, thưa ông?

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, việc triển khai thực hiện mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được tiến hành khá đồng bộ; lộ trình đổi mới cơ bản đúng hướng; ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã quyết tâm, kiên trì đổi mới. Đến nay, cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ; giáo dục mũi nhọn từng bước hội nhập theo chuẩn quốc tế, có nhiều thành tựu được thế giới ghi nhận.

Việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học giáo dục phổ thông (GDPT) mới đã hoàn thành vào năm 2018 theo hướng bảo đảm nội dung tinh gọn, giảm số môn bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn, xây dựng một số môn tích hợp, từng bước đổi mới phương pháp dạy học theo hướng khắc phục lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc nhằm phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Việc đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá đối với giáo dục tiểu học, THCS, THPT được thực hiện theo hướng bảo đảm cả định tính và định lượng. Một số cơ sở giáo dục đại học đã được giao quyền tự chủ tuyển sinh.

Giờ học của cô trò Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Chiềng Khương (Sông Mã, Sơn La).

PV: Một điểm nhấn được nêu ra trong Nghị quyết 29 là “Chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Việc hiện thực hóa phương châm, phương pháp này có ý nghĩa như thế nào?

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Trong giáo dục cũng như trong đời sống, phẩm chất (đức) được đánh giá bằng hành vi, còn năng lực (tài) được đánh giá bằng hiệu quả của hành động. Chương trình GDPT năm 2018 đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển cho học sinh “Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm” là phù hợp với yêu cầu xây dựng con người Việt Nam.

Đồng thời, xác định hình thành và phát triển cho học sinh 10 năng lực, trong đó có 3 năng lực cốt lõi (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực chuyên môn (năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất). Bên cạnh đó, chương trình GDPT năm 2018 còn góp phần phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

Việc hiện thực hóa phương châm, phương pháp giáo dục này rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới trong thời đại 4.0.

PV: Trong quá trình triển khai phương châm, phương pháp giáo dục nêu trên có gì còn bất cập, thưa ông?

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Dù tư duy đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 đã có nhiều chuyển biến trong đội ngũ nhà giáo, nhưng nhìn chung hoạt động GD-ĐT vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người và dạy nghề”, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn.

Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng thiết yếu cho người học chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sử dụng người lao động. Công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều nơi còn làm hình thức.

Đáng nói hơn là việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức, đó là căn nguyên sâu xa làm cho môi trường văn hóa học đường xuống cấp, tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng. Báo cáo, giải trình trước Quốc hội vào ngày 7-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong hai năm qua (từ ngày 1-9-2021 đến 5-11-2023), cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó có hơn 850 học sinh nữ. Bình quân cứ 50 trường thì có 1 vụ bạo lực học đường. Đó là một con số rất đáng suy ngẫm.

Học sinh Trường THCS Trọng Điểm (Hạ Long, Quảng Ninh) chăm chú nghe cô giáo giảng bài.

PV: Không phủ nhận những kết quả trong đổi mới GD-ĐT, nhưng thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa thể hài lòng vì một thập niên trôi qua, việc đổi mới giáo dục còn chậm, có phần lúng túng và chưa đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Giáo dục là lĩnh vực vừa rộng lớn, vừa chuyên sâu, lại liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, tiền đồ dân tộc và tương lai, số phận của mỗi con người và mỗi gia đình, vì thế, các cấp lãnh đạo, người dân và xã hội luôn đặt niềm tin, kỳ vọng lớn lao vào sự chuyển biến căn bản của ngành giáo dục. Đấy là áp lực lớn, nhưng cũng là động lực nếu chúng ta thực sự có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp.

Qua nghiên cứu, lắng nghe dư luận xã hội và theo dõi tình hình thực tế, tôi cho rằng, sở dĩ việc đổi mới GD-ĐT còn chậm, có phần lúng túng và chưa đáp ứng kỳ vọng của xã hội bởi trước hết do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ÐT, chưa thực sự coi đây là công việc cấp thiết, quan trọng; chưa kiên quyết, kiên trì, sát sao lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Trên phương diện vĩ mô, việc thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới GD-ĐT tuy được triển khai nhưng còn chậm, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư cho phù hợp với Nghị quyết 29. Dù Đảng ta nhiều lần khẳng định “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”, nhưng chúng ta chưa khai thác, phát huy tốt mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong khi cơ chế, chính sách của Nhà nước đầu tư cho đổi mới giáo dục chưa thật sự căn cơ. Ví như việc tuyển dụng giáo viên và ngân sách thì Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền, mà lại do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chủ trì. Vấn đề này đã được dư luận nói nhiều trên các diễn đàn, nhưng xem ra tình hình đến nay vẫn loay hoay.

Trong khi đó, một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý có tâm lý ngại đổi mới, vẫn nặng về tư duy và cách làm cũ, thiếu ý chí bứt phá. Mặt khác, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường-xã hội trong giáo dục; bệnh thành tích trong GD-ÐT còn rất nặng nề.

Đổi mới giáo dục khó hanh thông nếu không có sự liên kết chặt chẽ với các ngành, các cấp

PV: Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mà Nghị quyết 29 chỉ ra là “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực GD-ĐT”. Việc thực hiện giải pháp này phải chăng chưa thật sự rốt ráo, quyết liệt nên hiện nay vẫn còn không ít hiện tượng tiêu cực trong giáo dục khiến xã hội lo lắng?

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Điều xã hội lo lắng là có cơ sở, vì những hạn chế, yếu kém trong giáo dục như tôi đề cập ở phần trên, đã ảnh hưởng đến niềm tin của một bộ phận người dân vào sự nghiệp đổi mới GD-ĐT.

Để giảm thiểu những tác động từ sự lo lắng của người dân, theo tôi, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Phải tránh hiện tượng ai cũng có thể nói hay về sứ mệnh “trồng người”, nhưng lại không có việc làm cụ thể, hành động tương xứng để tham gia góp phần làm chuyển biến sứ mệnh cao cả đó.

Khi đã xác định “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu” thì các cấp lãnh đạo, quản lý từ trong nhận thức và hành động phải “nói đi đôi với làm”, chung tay gánh vác để cùng tháo gỡ bất cập về cơ chế, chính sách cho giáo dục phát triển. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương phải luôn coi giáo dục là một phần “máu thịt” của quốc gia, là một phần thành-bại của bộ, ngành, địa phương mình, chứ không coi đó là nhiệm vụ của ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Tất nhiên, ngành giáo dục vẫn phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc khắc phục, đẩy lùi những hạn chế, yếu kém trong GD-ĐT khiến dư luận lo lắng. Vì thế, không chỉ riêng tôi mà nhân dân cũng rất mong lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, quản lý để làm chuyển biến căn bản hơn trong lĩnh vực hệ trọng này.

Ngày đầu năm học mới tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

PV:Là một chuyên gia giáo dục uy tín, theo ông, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới trong thời gian tới?

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ: Có rất nhiều việc chúng ta phải tiếp tục giải quyết trong GD-ĐT, trước mắt cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29 của Đảng.

Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi cần chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; chăm lo giáo dục tình yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tích cực, lành mạnh, trách nhiệm và làm việc hiệu quả trong học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là chúng ta hiện thực hóa di huấn của Bác Hồ là đào tạo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có đủ đức-tài, vừa hồng, vừa chuyên.

Nói đến giáo dục là nói đến vai trò của hàng đầu giáo viên. Vì vậy, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng vì đại kế giáo dục lấy người thầy là gốc. Bảo đảm đủ nhà giáo cho từng cấp học, môn học. Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với nhà giáo, nhất là chính sách tiền lương nhằm tạo động lực cho nhà giáo yên tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.

Cùng với đó, cần ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, bảo đảm đủ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Giao cho Bộ GD-ĐT được quyền tuyển dụng giáo viên và tự chủ về tài chính.

Đối với ngành giáo dục, cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình; ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, nhất là bệnh thành tích trong các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, tin tưởng của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Việc truyền thông về giáo dục cần tiến hành thường xuyên, chuyên nghiệp, thực chất, vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, khi có hiện tượng tiêu cực xảy ra dễ đụng chạm đến quyền lợi của học sinh, phụ huynh khiến dư luận bức xúc. Truyền thông hiệu quả về ngành giáo dục không chỉ là những lời nói hay, nói tốt về ngành mình mà quan trọng hơn là làm sao để xã hội, công luận, người dân thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành với các thầy cô, nhà trường trong sự nghiệp “trồng người”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

“Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết 29. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần quyết liệt, kiên trì thực hiện”.

(Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng, khóa XI)

(còn nữa)

Theo QĐND

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/210495/muoi-nam-loay-hoay-doi-moi-giao-duc-va-noi-lo-quoc-sach-hang-dau