Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ 6]

Một số nhà văn và tác phẩm nổi bật của văn học Nhật Bản từ năm 1945.

Văn học từ 1945

Nhà văn Yasushi Inoue.

Inoue Yasushi (1907-1991) nổi tiếng viết truyện và tiểu thuyết. Tuy sáng tác từ thời học đại học, ông chỉ thành danh sau Thế chiến II với những tác phẩm đượm chất thơ, miêu tả sự cô đơn của con người, sự hành động để hành động (không mục đích), nói lên chủ nghĩa hư vô của con người hiện đại.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm: Trận đấu bò (Tōgyū, 1949) được giải thưởng Akutagawa và Súng săn (Ryoujū, 1949).

Trong những năm tiếp theo, ông xuất bản một số tiểu thuyết và truyện ngắn thuộc nhiều thể loại truyện tình yêu đương đại, truyện đề cập các khía cạnh xã hội và chính trị của Nhật Bản thời hậu chiến như: Triều đen (Kuroi Ushio, 1950), tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh được mô tả chính xác, Mái ngói Tempyō (Tenpyō no Iraka, 1957), Tun-huang (Tonkō, 1959), Biên niên sử về mẹ tôi (Waga Haha no Ki, 1975 ) với bối cảnh tự truyện, ghi lại tình trạng suy sụp của mẹ anh đến tuổi già... và nhiều truyện, tiểu thuyết, thơ. Năm 1964, Inoue được bầu làm thành viên của Học viện nghệ thuật Nhật Bản và nhận Huân chương văn hóa (1976). Ông mất ở Tokyo năm 1991.

* * *

Abe Kōbō (1924-1993) là nhà văn, nhà viết kịch, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia và nhà phát minh. Ông sáng tác cả thơ, đạo diễn phim, kịch. Ông viết tiểu thuyết tâm lý gần triết học hiện sinh, hiện thực lẫn với hư cấu, đặt vấn đề số phận con người qua biểu tượng.

Ông nhận giải thưởng Akutagawa năm 1951, là thành viên danh dự nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ.

Ông nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát (Suna no Onna, 1962) được Hiroshi Teshigahara dựng thành phim đoạt giải năm 1964.

Một số tác phẩm khác của ông là: Công đoàn chết đói (Kiga Doumei, 1954), Mắt đá (Ishi no Me, 1960), Khuôn mặt của người khác (Tanin no Kao, 1964), Bản đồ đổ nát (Moetsukita Chizu, 1967)... và gần 30 truyện ngắn, 20 vở kịch, 20 tiểu luận và một số bài thơ, bản nhạc và triển lãm ảnh.

* * *

Endō Shūsaku (1923-1996) học y khoa, sau đó viết văn. Xuất thân gia đình Thiên chúa giáo, ông viết tiểu thuyết về những người tử vì đạo ở Nhật Bản vào thế kỷ XVII. Ông tố cáo việc sử dụng tù binh làm vật thí nghiệm chiến tranh trong Biển và thuốc độc (Umi to Dokuyaku, 1957), lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật.

Trên bình diện quốc tế, ông được biết đến với tiểu thuyết viễn tưởng lịch sử Sự im lặng (Chinmoku, 1966), chuyển thể thành phim cùng tên năm 2016, kể câu chuyện của một linh mục Công giáo ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVII, người đã bỏ đạo để cứu mạng sống của một số người, sau đó trở thành thuộc hạ của lãnh chúa địa phương, nhưng vẫn tiếp tục giữ kín đức tin Cơ đốc.

Một số tác phẩm khác của ông là: Núi lửa (Kazan, 1960), liên quan đến ba nhân vật đang sa sút: một linh mục Công giáo bỏ đạo, giám đốc một trạm thời tiết và ngọn núi lửa mà sau này là chuyên gia; Du học (Ryūgaku, 1965), kể về liên kết vạch ra hố ngăn cách giữa Đông và Tây. Gợi lên Paris vào những năm 1960, Rome thế kỷ XVII và tỉnh lẻ nước Pháp trong những năm sau Thế chiến II, Người da đen (Kuronbō, 1971), tiểu thuyết châm biếm lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử Yasuke , một người đàn ông châu Phi ở thế kỷ XVI…

Ông được coi là một phần của “Thế hệ thứ ba” (nghĩa là nhóm nhà văn lớn thứ ba của Nhật Bản xuất hiện sau Thế chiến II). Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học danh giá (Giải Akutagawa và Huân chương văn hóa), được Giáo hoàng Paul VI phong vào Dòng Công giáo La Mã của Thánh Sylvester.

* * *

Nosaka Akiyuki (1930-2015) vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên trong cơ cực sau chiến tranh, khi tìm lại được bố thì được ăn học tử tế. Ông đã đi làm vất vả ở mỏ, viết văn, làm chính trị (khuynh tả). Ông viết về những người cùng đinh, những kẻ hèn kém, mất trí.

Ông nổi tiếng với những câu chuyện thiếu nhi về chiến tranh. Hai truyện ngắn của ông: Mộ đom đóm (Hotaru no Haka, 1967) và American Hijiki (Amerika Hijiki, 1967), đã đoạt giải Naoki lần thứ 58 vào năm 1967.

Một số tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh và chuyển thể thành phim. Một số tác phẩm khác của ông: Những kẻ khiêu dâm (Erogotoshi-tachi, 1963); Tuyển tập truyện cổ tích chiến tranh (Sensō Dōwashū, 2001?)…

* * *

Ōe Kenzaburo (sinh 1935) là nhà văn hàng đầu thời hậu chiến, điển hình cho những năm 60 của thế kỷ XX, chống Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ. Ông chịu ảnh hưởng của Sartre, Henry Miler, nhưng tạo ra một văn phong độc đáo dựa vào biểu tượng, thế giới mộng mị, tâm lý khúc mắc, tình dục, vốn hiểu biết lịch sử và chính trị. Ông viết về sự tha hóa của con người trong xã hội Nhật Bản hiện đại, cá nhân tìm cách tự thể hiện mình.

Ông viết từ năm 23 tuổi trên 20 tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiêu biểu có: Tuổi mười bảy (Sevuntin, 1961) kể về việc một thanh niên thuộc tổ chức phát xít, mới 17 tuổi đã ám sát thủ lĩnh Đảng Dân chủ trong một cuộc mít tinh; Sổ tay Hiroshima (Hiroshima Noto, 1970) viết về nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống nước Nhật.

Các tiểu thuyết Trận bóng đá năm Vạn Diên thứ nhất (Mannen Ganen no Futtoboru, 1967), Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi bệnh điên rồ của mình (Warera no Kỵuki wo Ikinobiru Michi wo Oshieyo, 1969), Nước ngập tận tâm hồn tôi (Kozui wa Waga Tamashii ni Oyobi, 1973) nói về một thế giới phi lý của hận thù, sai lầm và hiểm họa nguyên tử, Nuôi kẻ thù (Shiiku, 1957), Hái nụ, giết trẻ (Memushiri Kouchi, 1958), viết về số phận một thanh niên nông thôn. Năm 1994, Ông nhận giải Nobel Văn học; ngoài ra, ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý của Nhật và của nhiều nước trên thế giới.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muoi-hai-the-ky-van-hoc-nhat-ban-ky-6-241202.html