Mục tiêu giảm lãi suất: Khó thực hiện

Những yếu tố để hỗ trợ giảm lãi suất đang có nhưng để giảm điểm lãi suất trong năm 2013 thực tế rất khó thực hiện. Trong khi các ngân hàng đang niêm yết lãi suất huy động 8% thì vẫn có ngân hàng xé rào, lách trần. Chưa kể tới việc, giá xăng dầu, điện, than… vẫn nằm trong dự định tăng giá theo lộ trình.

Khoảng trống lãi suất 2013

Trong báo cáo phân tích tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng tổng cầu của nền kinh tế còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Và nhiều người cũng cho rằng lãi suất vẫn có thể về 7% vào năm nay.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho rằng, mỗi bước đi để giảm lãi suất đều phải hết sức thận trọng , Theo ông, lãi suất giảm phụ thuộc nhiều vào khả năng nền kinh tế có kiềm chế lạm phát hay không. Như vậy, việc điều hành chính sách lãi suất trong năm 2013 sẽ tiếp tục căn cứ vào diễn biến của lạm phát.

Và mới đây chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 ở TP Hồ Chí Minh đã được công bố với mức tăng khiếm tốn 0,44%. Cùng với đó, nhiều dự đoán CPI tháng cận Tết Nguyên Đán cũng chỉ ở 1,1% - mức thấp trong nhiều năm lại đây là cơ sở của nhiều ý kiến cho rằng, việc kéo giảm lãi suất huy động trong thời gian tới là hoàn toàn có thể.

Bản thân giới doanh nhân, doanh nghiệp cũng cho rằng: lãi suất huy động 8%, lãi suất cho vay biến động 12 -14%/năm vẫn là quá cao. Với mức lãi suất này doanh nghiệp chỉ làm ăn để trả lãi chứ không vay thêm. Ông Đào Trọng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thần Châu Ngọc Việt nói: các doanh nghiệp đã chẳng còn tài sản gì để thế chấp vay thêm vốn. Doanh nghiệp hi vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm hơn để dễ làm ăn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định, việc đưa lãi suất huy động về dưới 8% trong 2013 là điều rất khó, dù cơ sở không thiếu. TS Nguyễn Đình Cung, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong suốt một thời gian dài cơ quan quản lý đã duy trì nhiều biện pháp hành chính để điều hành chính sách tiền tệ khiến méo mó thị trường. Vì vậy, trả lãi suất về với thị trường là điều khó.

Còn ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng hiện tại vẫn có vi phạm lách trần lãi suất. Khi chưa có biện pháp quyết liệt; xử lý tốt những ngân hàng yếu kém thì cuộc đua lãi suất huy động vẫn còn. Đây là cái khó để giảm lãi suất trong thời gian tới.

Khó hạ sâu

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, nếu lãi suất đầu vào điều chỉnh tiếp trong thời gian sớm, thì sẽ rất khó huy động tiết kiệm. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ và ban, bộ, ngành đang nỗ lực cứu nguy bất động sản thì nguy cơ dòng tiền nhàn rỗi của người dân sẽ dịch chuyển vào đây. Từ đây lại dấy lên vòng xoáy mối lo lạm phát. Lãi suất là con dao hai lưỡi vì vậy cần điều hành thận trọng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trao đổi: năm 2013 chúng ta vừa muốn tăng trưởng tín dụng vừa muốn giảm lãi suất. Điều này có nhiều hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, nghĩa là tạo điều kiện để lạm phát đi lên.

Giám đốc 1 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: khi lãi suất huy động còn 8% thì việc huy động đã không dễ. Nhiều khách hàng đã rút tiền mua vàng. Nhiều doanh nghiệp cũng hối hả rút để tiện việc chi trả lương, thưởng cho công nhân dịp Tết Nguyên đán. Trong năm 2012, lãi suất huy động đã 5 lần điều chỉnh giảm về 8%. Vì vậy, nếu dồn dập hạ sâu nữa thì ngân hàng khó hút tiền tiết kiệm.

Trong năm 2013, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Song nếu lãi suất hạ quá sâu, VND mất sức hấp dẫn, người dân sẽ quay sang đầu tư vàng, ngoại tệ. Vị thế của VND mà chúng ta đã tạo dựng được không khéo sẽ mất đi.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định, lãi suất huy động khó giảm sâu hơn so với mức trần hiện nay. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, với lãi suất cho vay, các ngân hàng phải tiếp tục giảm thì mới kích thích được tín dụng.

Điều cơ quan quản lý cần làm là tiếp đà niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Phải cải thiện tổng cầu đầu tư và tiêu dùng. Khi các doanh nghiệp có niềm tin thì mới tăng cường đầu tư. Khi người tiêu dùng dùng thấy thu nhập cải thiện, giá cả không biến động quá lớn thì tâm lý mua sắm thay đổi, cải thiện tổng cầu tiêu dùng. Từ đó mới tạo được tăng trưởng bền vững.

Hồ Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=60353&menu=1372&style=1