Mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện là quá thấp

Sáng nay (27/3), Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dưới góc độ quyền của lao động nữ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) phù hợp với yêu cầu, điều kiện hiện nay khi một số quy định của Luật BHXH năm 2014 đã không còn phù hợp.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Vụ Bảo hiểm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các chuyên gia về BHXH, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, đại diện các Ban Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn, Trường Đại học Công đoàn, đại diện LĐLĐ các tỉnh/thành phố, Công đoàn ngành Trung ương…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Luật BHXH liên quan đến nhiều đối tượng, độ bao phủ lớn, trong đó lao động nữ chịu tác động đáng kể và đặc thù. Trong dự thảo Luật BHXH, ngoài những nội dung chung, những quy định đặc thù cho lao động nữ, bảo vệ nữ, đảm bảo bình đẳng giới là rất quan trọng, nhất là vấn đề về thai sản, nghỉ hưu, rút BHXH một lần...

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thống kê cho thấy, số người rút BHXH một lần chủ yếu là nữ; đối tượng không được thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH chủ yếu là nữ, đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trong phạm vi của đạo luật này. Vì vậy, việc góp ý của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn, nhất là cán bộ Nữ công về các nội dung liên quan đến quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết, từ đó đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi, đảm bảo bình đẳng giới và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận trực tiếp vào những vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ được quy định trong dự thảo Luật cần được điều chỉnh như: Chế độ chăm sóc con ốm, thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; chế độ thai sản; đề nghị bổ sung mức hưởng với đối tượng người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, mang thai hộ, nhận con khi nhờ mang thai hộ, hoặc nhận nuôi con nuôi; nghiên cứu quy định tăng số lần khám thai cho lao động nữ; tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con; tăng thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ mang thai hộ; đảm bảo quyền lợi nghỉ thai sản cho người nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi khi không nghỉ việc; bổ sung quy định về ngày nghỉ đối với trường hợp người lao động thực hiện các biện pháp tránh thai đòi hỏi kỹ thuật cao tại cơ sở y tế; nghiên cứu quy định về thời gian đi làm trước thời hạn đối với lao động nữ sinh con; điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản...

Bên cạnh đó, các nội dung khác như: Chế độ thai sản dành cho đối tượng BHXH tự nguyện; chế độ hưởng BHXH một lần; một số quy định khác về: Bổ sung quy định về tiếp tục hưởng lương hưu đối với người tiếp tục ủy quyền; đề xuất không giới hạn số lượng thân nhân được hưởng tiền trợ cấp tuất đối với người đóng BHXH bị chết; quy định rõ về chế độ thai sản đối với người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện.

Góp ý vào Dự thảo, cụ thể là mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Khoản 1 Điều 93. dự thảo Luật quy định: “Mức hưởng 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu” là mức trợ cấp quá thấp.

TS. Bùi Sỹ Lợi đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mực hỗ trợ này, bởi theo Tờ trình số 527 của Chính phủ về dự thảo Luật BHXH mức 2.000.000 đồng là theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số. Nhưng nay Nghị định này đã được thay thế tại Điều 36 Thông tư 55 của Bộ Tài chính ngày 15/8/2023 áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Như vậy, quy định 2.000.000 đồng cho mức hỗ trợ này không còn phù hợp.

Ngoài ra, theo TS. Bùi Sỹ Lợi, chế độ thai sản ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/muc-huong-tro-cap-thai-san-khi-sinh-con-doi-voi-truong-hop-bhxh-tu-nguyen-la-qua-thap-168174.html