Mùa vải thiều cảnh giác cháy nổ

Mỗi khi vào vụ thu hoạch vải thiều, nhu cầu sử dụng, tồn chứa thùng xốp, giỏ nhựa để đóng hàng tăng cao, đồng nghĩa với đó nguy cơ cháy nổ luôn rình rập. Nhằm phòng ngừa 'bà hỏa' ghé thăm, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, hướng dẫn và sẵn sàng phương án, duy trì trực 100% quân số.

Ngang nhiên vi phạm

Đã có quyết định đình chỉ hoạt động từ năm 2022 song vụ thu hoạch vải thiều năm nay, vào thời điểm kiểm tra ngày 14/6, Công ty TNHH một thành viên Cương Hoài (sản xuất xốp Kim Cương) ở xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) vẫn hoạt động. Năm 2022, doanh nghiệp này bị đình chỉ do chưa xây dựng, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chưa thực hiện yêu cầu khắc phục do cơ quan chức năng kiến nghị. Hiện 8 kho chứa xốp mở cửa đón các xe tải vào nhập hàng, khu vực sản xuất có hàng chục công nhân vẫn làm việc.

Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực huyện Lục Ngạn kiểm tra các điều kiện về PCCC & CNCH tại Công ty cổ phần SX - TM Hưng Phú.

Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực huyện Lục Ngạn kiểm tra các điều kiện về PCCC & CNCH tại Công ty cổ phần SX - TM Hưng Phú.

Ông Hà Văn Cương, Giám đốc công ty phân bua: “Hơn 3 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty cũng đóng cửa suốt. Khoản nợ ngân hàng chồng chất khiến chúng tôi không đủ chi phí để sửa chữa gì thêm”.

Không chỉ doanh nghiệp nói trên, Công ty TNHH Thiên Hải Long (xốp Tiến Đạt) ở Cụm công nghiệp Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) cũng không chấp hành yêu cầu đình chỉ hoạt động. Ghi nhận tại đây, khu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn nườm nượp xe ra vào nhập hàng, vận chuyển thùng xốp.

Hoạt động của hai cơ sở trên đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, nhất là vào thời điểm thu hoạch vải thiều chính vụ như hiện nay. Không những vậy, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, điểm cân vải dù không tồn chứa thùng xốp thời gian dài song một số người liên quan như: Lái xe, nhân công, lao động phục vụ… còn chưa có ý thức cảnh giác, phòng ngừa cháy nổ. Bà Nguyễn Thị H, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) phản ánh: “Một số lái xe chờ lấy hàng cũng vô tư hút thuốc lá mặc dù khu vực chất thùng xốp cách đó không xa”.

Cương quyết xử lý, chủ động các phương án

Trung tá Lê Thanh Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) khu vực huyện Lục Ngạn (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an tỉnh) nhận định, do đặc trưng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xốp trên địa bàn huyện đều hoạt động mùa vụ, khoảng 3 tháng (tháng 5, 6, 7) gây khó khăn cho việc kiểm tra, hướng dẫn nên các doanh nghiệp này rất lơ là chủ quan trong công tác PCCC. Vì thế, đơn vị đã cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện về PCCC & CNCH.

Theo thống kê của lực lượng chức năng, toàn huyện Lục Ngạn có 19 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó 14 cơ sở thuộc quản lý của công an cấp huyện, 5 cơ sở thuộc quản lý của công an cấp tỉnh và hàng trăm hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh có tồn chứa xốp nằm trong diện quản lý của công an các xã, thị trấn.

Xác định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn chứa vật liệu xốp phục vụ thu hoạch vải thiều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, từ giữa tháng 5/2023, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực huyện Lục Ngạn đã tham mưu xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC & CNCH đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tồn chứa xốp trên địa bàn. Tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh, tồn chứa xốp trên địa bàn.

Công an huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo đội nghiệp vụ và công an các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn, kiểm tra; gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ sở đối với việc quản lý, thực hiện phương án cũng như việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt bảo đảm an toàn phòng cháy ở các địa điểm kinh doanh, sản xuất xốp.

Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực huyện Lục Ngạn cũng xây dựng các phương án chữa cháy tại các công ty, cơ sở sản xuất, tồn chứa thùng xốp trên địa bàn; hướng dẫn các cơ sở tồn chứa thùng xốp thuộc diện huyện, xã quản lý chủ động xây dựng phương án PCCC & CNCH và chuẩn bị đủ các điều kiện chữa cháy.

Trung tá Lê Thanh Kiên cho biết thêm: “Từ đầu vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đến nay, chúng tôi luôn bảo đảm 100% quân số ứng trực thường xuyên. Ngoài ra, Đội tăng cường kiểm tra cơ sở vật chất, bảo dưỡng phương tiện, máy móc PCCC. Đồng thời, đề xuất Đội chữa cháy trung tâm tăng cường lực lượng, phương tiện, ứng trực tại các khu vực trọng điểm, kịp thời cơ động khi có tình huống xảy ra”.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở, người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy. Đề xuất chính quyền địa phương cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm quy định an toàn phòng cháy; phát huy hiệu quả lực lượng PCCC tại chỗ và mô hình phòng cháy được xây dựng, chủ động xử lý sự cố mới phát sinh, không để hình thành cháy lớn.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/406866/mua-vai-thieu-canh-giac-chay-no.html