Mùa tri ân

Tháng 11 có một ngày đáng nhớ - ngày để các thế hệ học trò tri ân thầy, cô giáo - những người được ví như những con đò chở tri thức khoa học và kiến thức làm người đắp bồi cho bao thế hệ học sinh thân yêu.

Suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn là ngọn đuốc trí tuệ soi sáng con đường học vấn của người Việt Nam. Thấp thoáng trong những trang sử dân tộc, hình ảnh người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn đọc sách, hay hình ảnh những người vợ, người mẹ tảo tần sớm hôm lo cho chồng, con “sôi kinh nấu sử” thể hiện khát vọng khám phá, chinh phục tri thức của người Việt Nam. Rồi hình ảnh ông đồ xưa, mảnh khảnh khăn xếp áo chùng, dáng vẻ ưu tư, nghèo mà thanh sạch với tấm lòng bao dung, độ lượng, không chỉ dạy chữ thánh hiền cho học trò mà còn tượng trưng cho những chuẩn mực cao đẹp luôn là hình ảnh mặc định của người làm thầy trong nhận thức của mọi người. Và tinh thần “tôn sư trọng đạo”, sự tri ân những người làm thầy được đúc kết bằng những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ý nghĩa và sâu sắc: Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy; Không thầy đố mày làm nên; Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy; Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy…

Có lẽ không ở đâu trên trái đất này, sự coi trọng học thức lại được liên tưởng, ví von bằng những hình ảnh “đắt” và sát thực như những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nêu trên. Một dân tộc bé nhỏ, vốn được coi là nghèo nàn, lạc hậu bởi hết thế hệ này đến thế hệ khác phải gồng mình chống giặc ngoại xâm, chống lại thiên tai để bảo vệ giang sơn, giữ yên bờ cõi, bảo vệ giống nòi lại coi trọng sự học đến vậy! Theo đó, có biết bao cách tri ân thầy, cô được các thế hệ học trò thể hiện trong dịp kỷ niệm Ngày Hiến chương nhà giáo: Viết những dòng cảm xúc lên trang Zalo, Facebook cá nhân hay gửi tin nhắn, những bức thư, bó hoa, món quà lưu niệm tặng thầy, cô. Và phổ biến nhất là tổ chức họp. Lớp đại học, THPT, THCS, tiểu học, thậm chí lớp bồi dưỡng ngắn hạn một hay vài tháng… cũng được tổ chức họp lớp và thăm lại, tri ân thầy, cô. Với những người học sinh, sinh viên, học viên, việc được gặp lại nhau, ôn lại kỷ niệm những ngày cùng nhau học tập và đến thăm thầy, cô từng dạy dỗ mình là niềm vui, hạnh phúc. Với những người thầy, lòng yêu nghề, hạnh phúc với nghề hẳn sẽ được nhân lên nhiều lần khi các thế hệ học trò quay trở lại thăm hỏi, sẻ chia những kỷ niệm đáng nhớ của một thời đáng nhớ dưới mái trường thân yêu.

Tôi có người thầy thời phổ thông là Nhà giáo Nhân dân. Thầy từng kinh qua các vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng như đại biểu Quốc hội, phó giám đốc sở, hiệu trưởng trường THPT chuyên của tỉnh. Nhưng với tôi, hình ảnh đáng nhớ nhất về thầy là một giáo viên dạy Toán với kiến thức uyên thâm, cách giảng dạy dễ hiểu, dễ thấm và một sự kiên trì hiếm có. Với những đức tính ấy, thầy đã đánh thức, thổi lên ngọn lửa đam mê môn Toán ở nhiều thế hệ học trò. Khi còn làm chuyên môn, thầy là một trong những nhà giáo xuất sắc của ngành giáo dục nước nhà trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Toán bậc THPT. Nhiều thế hệ học trò, qua sự quan tâm dạy dỗ của thầy đã mang về những tấm huy chương quý giá từ đấu trường quốc tế, khu vực cho ngành giáo dục, cho tỉnh. Với danh tiếng của thầy, khi nghỉ hưu, đã có nhiều trường tư thục, trung tâm bồi dưỡng học sinh giỏi uy tín mời thầy tham gia quản lý. Nhưng thầy đều từ chối. Thầy chỉ muốn dành quỹ thời gian quý báu để kèm cặp, bồi dưỡng, truyền niềm say mê và kiến thức Toán học cho những đứa cháu của mình hay cho con, cháu của những người thân gửi gắm. Năm nào cũng vậy, suốt từ đầu tháng 11, tuần nào cũng có những nhóm học sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc, từ nước ngoài về thăm thầy. Rất nhiều hội lớp, hội khóa được tổ chức trang trọng để tri ân thầy cô. Và thầy luôn là vị khách mời đặc biệt trong những sự kiện ấy. Với thầy, việc được gặp lại những lứa trò cũ - dù là vị bộ trưởng, viện trưởng, giám đốc doanh nghiệp hay công nhân, người nông dân… đều là niềm vui, hạnh phúc lớn lao.

Mùa tri ân thầy cô năm nay không còn cảnh “ngăn sông cấm chợ” bởi dịch bệnh như 2 năm trước nên thật rộn ràng và náo nức. Và tôi chợt nghĩ, có những người vì điều kiện, hoàn cảnh cá nhân đã không thể về tựu trường, tựu lớp, để thăm hỏi, tri ân thầy, cô. Nhưng chúng ta có muôn vàn cách để tri ân. Đó là trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là người thành đạt hay lao động bình thường, hãy là một người thiện lương, thẳng ngay và trách nhiệm. Bởi bất cứ người thầy nào cũng mong muốn có được những học trò như thế!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/150873/mua-tri-an