Mua thiết bị vệ sinh không rõ xuất xứ: Tưởng rẻ hóa đắt

Xuống tiền mua thiết bị vệ sinh nhập khẩu chất lượng cao với mức giá rẻ hơn hàng nội địa, nhiều người gặp phải chuyện 'dở khóc dở cười' bởi không thể tìm được linh kiện thay thế cũng như những khó khăn trong vấn đề bảo hành, sửa chữa, thậm chí rất tốn kém để tháo dỡ và lắp đặt lại.

Vì muốn tiết kiệm một phần chi phí khi chuyển sang căn hộ mới, chị Phương (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đã lựa chọn tin tưởng một cửa hàng bán lẻ thiết bị vệ sinh gần nhà mà không tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền. Chỉ sau vài tháng sử dụng, các thiết bị vệ sinh nhanh chóng xuất hiện tình trạng hoen ố, khó cọ rửa và nhiều vết rạn dù không chịu tác động lực lớn.

“Khi tìm mua thiết bị vệ sinh, chủ cửa hàng có giới thiệu các sản phẩm nhập khẩu theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Tôi thấy mẫu mã đẹp, bắt mắt, độc lạ, mà giá thành lại rẻ hơn hàng nội địa từ 1-2 triệu nên quyết định chọn mua. Thế nhưng đến khi gặp vấn đề, cần bảo hành, sửa chữa thì cửa hàng lại đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian gây bất tiện cho việc sinh hoạt của gia đình tôi”, chị Phương nói.

Sau gần nửa năm kể từ ngày hoàn thiện công trình phụ, anh Khanh (Biên Hòa, Đồng Nai) liên tục gặp tình trạng bộ nhấn xả nước ở bồn cầu trong phòng vệ sinh bị kẹt, sau đó là hỏng hoàn toàn. Các phụ kiện trong phòng tắm như vòi hoa sen, chậu rửa mặt cũng gặp tình trạng vỡ nứt, xuống cấp và đặc biệt là khó sử dụng. Gia đình anh đã liên hệ đến đơn vị phân phối nhiều lần để phản ánh nhưng không nhận được sự hỗ trợ. Sau nhiều lần bị từ chối yêu cầu bảo hành với lý do hãng không có chi nhánh tại Việt Nam, anh Khanh đành ngậm ngùi gọi nhà thầu thi công đến tháo dỡ và lắp đặt một bộ thiết bị vệ sinh mới.

“Trước đây, khi chọn mua theo lời nhân viên tư vấn, tôi không hỏi rõ vấn đề bảo hành sửa chữa vì nghĩ kiểu gì bên phân phối sẽ chăm sóc khách hàng. Thế nhưng, cuối cùng lại phải mất thời gian và chi thêm hơn chục triệu đồng để lắp đặt lại toàn bộ”, anh Khanh chia sẻ.

 Các cửa hàng bán lẻ bày bán đa dạng thiết bị vệ sinh của nhiều thương hiệu.

Các cửa hàng bán lẻ bày bán đa dạng thiết bị vệ sinh của nhiều thương hiệu.

Theo ông Trịnh Văn Tứ (Giám đốc Trung tâm bảo hành & Chăm sóc khách hàng sản phẩm sứ sen vòi Viglacera), thị trường nội địa đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc. Tại các cửa hàng phân phối, showroom lớn nhỏ trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh… những mặt hàng này được bày bán chung với các thương hiệu trong nước khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

“Các thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ hấp dẫn người dùng bởi có mức giá khá rẻ, mẫu mã bắt mắt, hoa văn rực rỡ, chiết khấu cao và lời cam kết chất lượng của người tư vấn. Dòng sản phẩm này được chế tác khá tinh vi, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường rất khó nhận biết chất lượng, độ bền, vì vậy có không ít người gặp rắc rối trong quá trình sử dụng vì mua phải hàng kém chất lượng”, ông Tứ cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, Việt Nam chưa có một khuôn pháp lý hoàn chỉnh để kiểm soát các mặt hàng thiết bị vệ sinh cũng như vấn đề giao thương buôn bán vùng biên giới còn khá tự do, khó kiểm soát. Việc xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng mang thương hiệu và nhãn mác của các đơn vị nổi tiếng là điều dễ bắt gặp ở các cửa hàng bán lẻ, showroom do vấn đề lợi nhuận.

Khi phân phối sản phẩm của một thương hiệu có tên tuổi trên thị trường, theo chính sách bán hàng, người mua chỉ được chiết khấu tối đa 20-30% theo giá bán đề xuất, nhưng với sản phẩm mua từ các dân buôn thì mức chiết khấu có thể lên tới 40-50%... Chưa kể các cửa hàng khi bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ có lãi gấp 2-3 lần so với giá nhập, cao hơn nhiều lần so với các thiết bị vệ sinh thương hiệu.

KTS Huỳnh Xuân Hải, Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt cho biết, sản phẩm thiết bị vệ sinh kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng. Để tránh gặp phải những phiền phức trên, các chủ nhà nên tìm đến hệ thống phân phối chính thức của các thương hiệu uy tín trên thị trường, thay vì lựa chọn các cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, người dùng có thể ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của cùng một thương hiệu để đảm bảo tính thẩm mỹ.

“Thiết bị không cần quá đắt đỏ hay nhất định phải dùng hàng nhập khẩu mới là tốt, vì các thương hiệu thiết bị vệ sinh trong nước hiện nay cũng có chất lượng cao, mẫu mã rất đa dạng. Tuy nhiên, người mua cần ưu tiên công năng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ví dụ như khi chọn bồn cầu, nên chọn dòng liền khối, kiểm tra kỹ vòi nước, nút gạt và chất men để đảm bảo độ bền”, KTS Huỳnh Xuân Hải khuyến cáo.

 Các thiết bị sứ vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ thường có nhiều hoa văn lạ, bắt mắt.

Các thiết bị sứ vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ thường có nhiều hoa văn lạ, bắt mắt.

Bên cạnh việc bổ sung kiến thức phân biệt các sản phẩm thiết bị vệ sinh kém chất lượng như: nhiều hoa văn lạ, có nhiều tem nhãn dán lên sản phẩm và màu sắc lạ như đen, vàng… Người tiêu dùng khi mua thiết bị vệ sinh cần chú ý đến nguồn gốc sản phẩm, xác thực rõ xuất xứ thông qua tem kiểm định, mã định danh QR code và thông tin in trên bao bì sản phẩm. Đặc biệt nên cẩn trọng với các mặt hàng có nhiều nhãn dán, bao bì thô sơ, không hình ảnh minh họa hoặc có nhưng thiếu tính hoàn thiện.

Ngoài ra, khi quyết định xuống tiền lựa chọn thiết bị vệ sinh, người mua hàng cần tìm hiểu và làm rõ minh bạch về thời gian, phương thức và địa chỉ bảo hành. Thông thường mỗi sản phẩm bán ra sẽ đi kèm phiếu bảo hành có thông tin cụ thể về thương hiệu, dấu đỏ doanh nghiệp, thông tin bảo hành, tên sản phẩm, thời gian và địa chỉ bán hàng và đơn vị bảo hành. Nếu gặp trường hợp mua hàng nhưng thời hạn bảo hành ngắn, không có sẵn thiết bị thay thế hoặc không có phiếu bảo hành, người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi mua để tránh mua phải hàng trôi nổi, kém chất lượng.

Mua thiết bị vệ sinh không rõ xuất xứ - tưởng rẻ hóa đắt

- Phản ánh của một số người tiêu dùng về tình trạng sứ vệ sinh không rõ nguồn gốc khiến thiết bị nhanh hỏng, chất lượng kém

- Chia sẻ của người tiêu dùng về việc thiếu kinh nghiệm mua thiết bị vệ sinh dẫn đến những bất tiện trong quá trình sử dụng, nhanh phải thay mới

- Ý kiến một số đơn vị thi công về tình trạng này.

- Đại diện Viglacera xuất hiện với vai trò một chuyên gia, đơn vị sản xuất và kinh doanh, nhận định về thực trạng sứ vệ sinh không rõ nguồn gốc và một số nguy cơ của người tiêu dùng khi sử dụng mặt hàng không rõ nguồn gốc.

Bài và ảnh: Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mua-thiet-bi-ve-sinh-khong-ro-xuat-xu-tuong-re-hoa-dat-post270570.html