Mua sắm trên sàn thương mại điện tử sao cho an toàn

Thương mại điện tử đã và đang mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên, hình thức mua bán này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người mua hàng có thể đặt bất kì sản phẩm nào, từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm đến đồ điện tử. Việc mua hàng trực tuyến giúp người mua tiết kiệm thời gian, chi phí... Tuy nhiên, đi kèm là khả năng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chị Văn Phương Mỹ (Tây Hồ, Hà Nội) kể: "Mình đã mua bộ quần áo. Khi quảng cáo trên mạng rất là đẹp, nhưng khi nhận về lại là những bộ quần áo cũ được gói trong hộp, và khi liên lạc lại thì điện thoại đã ngoài vùng phủ sóng".

Năm 2023, 764 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử bị xử lý

Xác định việc ngăn chặn hàng giả, hàng trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng 3-5 năm tới, năm 2023, các Cục Quản lý thị trường cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh online. Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 764 vụ, xử phạt hành chính 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 6 tỷ đồng.

Nhiều kho hàng lớn, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook... cũng đã bị lực lượng quản lý thị trường xử lý kịp thời.

Bán hàng bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng: "Muốn quản lý tốt thì cần phải có các quy định về xử phạt, xử lý. Trong năm 2024, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công thương trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nghị định về xử phạt trong lĩnh vực thương mại điện tử để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ".

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, cho biết: "Chỉ một mình Bộ Công thương thì chưa đủ. Chúng ta phải có sự phối hợp liên ngành, ví dụ như là Biên phòng, Hải quan, Thuế, các cơ quan chức năng khác và đặc biệt là có sự giám sát các cơ sở sản xuất trong nước. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp để triển khai mạnh mẽ Đề án 319 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác tăng cường đấu tranh chống hàng giả trong thương mại điện tử đến giai đoạn 2025".

Người tiêu dùng cần thay tỉnh táo hơn khi mua hàng trên mạng

Người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo hơn khi mua hàng trên mạng và cần có những phản ứng mạnh mẽ hơn, như yêu cầu trả hàng, tố cáo với đơn vị phân phối, cơ quan chức năng nếu mua phải các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, góp phần bảo vệ doanh nghiệp chân chính, quyền lợi chính đáng của chính mình và cộng đồng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/mua-sam-tren-san-thuong-mai-dien-tu-sao-cho-an-toan-227548.htm