Mua sách qua mạng

Một hôm lướt web thấy có trang mạng bán sách thanh lý giá mềm. Chủ trang bán sách có tên gọi tắt là L.S.T.L bảo đây là sách lưu kho, giờ dọn dẹp nên cần bán gấp. Hàng ngàn cuốn sách đủ thể loại: văn học, lịch sử, tâm lý học, kinh doanh… được đưa lên bằng hình ảnh, bằng danh mục chụp lại gửi đến độc giả, ai có nhu cầu thì bên bán sẽ đáp ứng ngay.

Computer Monitor Clipart

Đọc bình luận phía dưới thấy có vài bạn quen. Người thì xin danh mục sách để chọn, kẻ thì hỏi địa chỉ ở đâu để đến mua trực tiếp. Lại có vài câu hỏi về cách thức gửi tiền, chuyển sách ra sao…

Tôi cũng đề nghị được cung cấp danh mục sách và chọn lấy ba cuốn: hai cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức và Trống một nụ cười của thầy Thích Nhất Hạnh; cuốn còn lại là Đất máu Sicily của Mario Puzo – tiểu thuyết gia chuyên viết những đề tài về mafia, nổi tiếng một thời với các tựa sách Bố già, Luật im lặng…

Nhưng tiếc rằng chủ tiệm lại không thể hẹn chắc chắn về thời gian giao sách, chỉ nói là từ 4-6 ngày, vì họ gửi sách qua dịch vụ trung chuyển, các đơn hàng bị lệ thuộc việc điều vận của đơn vị này. Do đặc thù công việc của tôi phải thường xuyên di chuyển, không thể ngồi một chỗ chờ đợi nhận hàng nếu không có lịch hẹn cụ thể, nên rốt cuộc tôi rút đơn hàng dự định đặt mua. Hơn nữa, có lẽ không chỉ riêng tôi, với những người đã chọn được tựa sách mà mình muốn đọc, họ thường muốn biết chắc là khi nào mình cầm được cuốn sách trên tay. Với một lịch hẹn mơ hồ thì mong ước ấy không được đáp ứng.

Một lần mua sách qua mạng trước đó, tôi chọn cuốn sách được giới thiệu là đã từng xuất bản ở miền Nam vào thập niên 1970 của thế kỷ trước. Tôi đã từng nghe qua độ hot một thời của cuốn sách này mà nhưng chưa có dịp tiếp cận, nên khi chủ trang giới thiệu “sách tái bản” tôi liền đặt mua ngay. Hoàn tất việc đặt sách, người ta xin số điện thoại khách hàng để shipper liên lạc khi giao sách, có hẹn thời gian hẳn hoi và người mua sẽ giao tiền luôn cho người chuyển sách. Đúng giờ hẹn, tôi ung dung ngồi nhà chờ sách đến.

Nhưng hỡi ôi, khi mở bao giấy gói hàng ra thì mới biết đó chỉ là sách photocopy, đóng thành cuốn và bọc bìa decal khá cẩu thả. Bên trong, các con chữ li ti nhòe nhoẹt nét mực, câu hàng xộc xệch, thậm chí nhảy chồng lên nhau… Tôi đã hết sức kiên trì, có lúc phải dò dẫm và tự hiểu, vừa đọc vừa đoán định ý của tác giả. Đó hoàn toàn không phải là “sách tái bản” như được giới thiệu. Tới lúc ấy, tôi mới “ớ” ra về cái tên trang mạng bán sách được đặt khá lôi cuốn: Kho Sách Cổ Phục Dựng.

Hai lần trải nghiệm mua sách qua mạng gần đây của tôi là vậy. Lần tưởng chừng mua thành công thì để lại cảm giác khá khó chịu. Chợt hoài niệm về những ngày tháng cũ. Kể từ lúc biết đọc biết viết và bao lần nhịn ăn sáng để dành tiền mua và được nâng niu từng cuốn truyện tranh lịch sử từ hiệu sách Tao Đàn trên con phố gần nhà ở thị xã Quảng Trị, cho đến thời sinh viên bước vào các thư viện ngồn ngộn những hàng sách nằm trên giá sách, cảm giác như bị hút hồn bởi một thế giới khác. Ở thế giới đó, người yêu sách mặc sức khám phá và để cho trí tưởng tượng bay muôn ngả trên từng trang sách.

Tôi cũng nhớ về bao lần bước chân vào các hiệu sách, chọn và mua lấy một cuốn, mà trên đường về cứ có cảm giác háo hức được đọc ngay tác giả viết những gì trong từng trang sách. Đó là một trạng thái tinh thần rất lạ mà tôi còn nhớ vào dịp cận Tết năm nào cách nay đã hơn 40 năm, khi tôi được ôm trong lòng hai tập tiểu thuyết vừa ra đời của nhà văn Tô Nhuận Vĩ – bộ Dòng sông phẳng lặng – mà tôi hằng ao ước.

Bởi vậy tôi cứ mong, dù bán sách bằng cách nào – ở cửa tiệm hay qua thương mại điện tử, thì cũng xin người bán hãy tìm cách giữ được “trạng thái tinh thần đặc biệt” ấy cho người mua sách.

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mua-sach-qua-mang/