Mùa Nobel 2016: Cú khởi đầu ấn tượng từ Nhật Bản

Mùa giải Nobel 2016 đã chính thức bắt đầu ngày 3/10 với giải Nobel đầu tiên được công bố là giải Nobel y học. Nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi với công trình nghiên cứu về các cơ chế thoái hóa và tái tạo các thành phần tế bào đem lại lợi ích to lớn trong việc chữa bệnh ung thư, tiểu đường tuýp 2 và Parkinson đã là người làm nên cú “mở đầu” đầy ấn tượng cho mùa giải thưởng danh giá mới này.

Nhà khoa học thứ 23 của Nhật Bản nhận giải Nobel

Yoshinori Ohsumi không chỉ trở thành chủ nhân đầu tiên của mùa giải Nobel 2016 mà còn là nhà khoa học thứ 4 của xứ sở mặt trời mọc nhận giải Nobel Y học và là người thứ 23 nhận giải Nobel ở các hạng mục của giải thưởng này. Yoshinori Ohsumi nhận giải nhờ các nghiên cứu và khám phá về cơ chế phân tách và tái tạo tế bào.

Các nhà khoa học đã nhận thức về quá trình này từ những năm 1960 nhưng chưa hiểu thực chất về quá trình hoạt động của chúng cho tới khi Yoshinori Ohsumi tiên phong thực hiện thí nghiệm và tìm hiểu về quá trình này trong men bánh mì vào năm 1988. Ông đã tự gọi mình là “một nhà nghiên cứu cơ bản về men” dù phát hiện của ông được công nhận và được coi là nền tảng cho tế bào của con người.

Thành công của nhà khoa học 71 tuổi đã mở ra một lĩnh vực mới và là người truyền cảm hứng cho hàng trăm nhà nghiên cứu khắp thế giới. Seungmin Hwang, một trợ lý giáo sư Khoa bệnh lý học tại Đại học Chicago cho biết: “Nếu không có ông ấy, toàn bộ lĩnh vực này không tồn tại. Ông ấy đã đặt nền móng cho một lĩnh vực mới”.

Trọng tâm nghiên cứu của Yoshinori Ohsumi có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về một số bệnh như ung thư, các chứng rối loạn thần kinh như Parkinson, Alzheimer… Chia sẻ với Globe and Mail sau khi nhận giải thưởng Quốc tế Gairdner năm 2015 của Canada, ông tin rằng phát hiện của mình “liên quan đến nhiều bệnh sẽ được phát hiện trong tương lai không xa”.

Khi trở thành người đầu tiên nhận giải trong mùa Nobel 2016, Yoshinori Ohsumi đã rất bất ngờ và bày tỏ rằng ông “vô cùng vinh dự”. Ông Ohsumi đã vượt qua 273 nhà khoa học được đề cử để trở thành người Nhật Bản thứ 6 giành Nobel Y học có giá trị khoảng 930 nghìn USD. Trả lời Kyodo News sau khi nhận giải thưởng, ông Ohsumi nói: “Tôi vô cùng vinh dự”. Năm 2015, Giải Nobel Y học thuộc về 3 nhà khoa học gồm William Campbell (người gốc Ireland), Satoshi Omura (Nhật Bản) và Youyou Tu (Trung Quốc) với công trình nghiên cứu trong điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra.

Nhiều bất ngờ đang phía trước

Sau khởi đầu giải Nobel Y học, giải thưởng Nobel Vật Lý và Hóa học được công bố lần lượt vào ngày 4 và 5/10 cùng 16h45 (giờ Việt Nam). Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Vật lý 2016 thuộc về 3 nhà vật lý người Anh đang làm việc tại các trường đại học của Mỹ là David Thouless đến từ Đại học Washington ở Seattle, Duncan Haldane đến từ Đại học Princeton ở New Jersey và Michael Kosterlitz đến từ Đại học Brown ở Providence. Thông báo của Quỹ Nobel trên trang web Nobel Prize cho biết 3 nhà vật lý người Anh đã được vinh danh nhờ những phát hiện lý thuyết về quá trình chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất. Theo đó, các nhà khoa học đã mở ra cánh cửa về một thế giới mới mà ở đó vật chất có thể chuyển hóa thành các trạng thái khác thường. Hai giải thưởng được thông báo muộn hơn là giải Nobel Hòa Bình (16h ngày 7/10) và Nobel Kinh tế (16h45 ngày 10/10). Cho đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức vẫn chưa đưa ra ngày chính thức diễn ra lễ trao giải Nobel Văn học.

Từ năm 1989, hãng thông tấn Thomson Reuters (Mỹ) hàng năm đều đưa ra danh sách dự đoán các chủ nhân giải Nobel về y học, hóa học, vật lý và kinh tế. Những người này được gọi là “Người nhận giải theo giới thiệu của Thomson Reuters” (Thomson Reuters Citation Laureates). Gọi như thế là do khi tiến hành công tác dự đoán, Hãng Thomson Reuters dựa vào tần suất trích dẫn các bài báo của tác giả.

Kể từ năm 2002, hệ thống này đã dự đoán đúng 39 tác giả của giải Nobel – nhưng có một số giải được trao không trùng năm mà danh sách Reuters công bố.

Danh sách năm nay của Reuters gồm 24 nhà khoa học đến từ 5 quốc gia khác nhau. Như thường lệ, các nhà nghiên cứu thuộc các trường đại học ở Mỹ chiếm phần lớn trong danh sách dự đoán với 15 ứng viên.

Cụ thể, ứng cử viên cho giải Nobel Hóa học năm nay bao gồm George Church của Đại học Y Harvard và Feng Zhang của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với ứng dụng chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9 ở chuột và tế bào của người. Các ứng cử viên khác bao gồm nhà khoa học người Hồng Kông Dennis Lo Yuk-Ming với phát hiện DNA của thai nhi không có tế bào trong huyết tương của người mẹ và hai nhà khoa học người Nhật Bản Hiroshi Maeda và Yasuhiro Matsumura với khám phá về đột phá hóa học trong phương pháp điều trị ung thư.

Trong lĩnh vực kinh tế, các ứng viên có cựu nhà kinh tế trưởng, giám đốc nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Oliver Blanchard, người có đóng góp quan trọng cho kinh tế vĩ mô bao gồm các yếu tố quyết định sự biến động của kinh tế và việc làm.

Trong khi đó, có tới 376 ứng cử viên được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay, bao gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức. Đây là con số ứng cử viên cao nhất kể từ khi giải thưởng này được trao. Kỷ lục trước đó là vào năm 2014 với 278 ứng cử viên.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/mua-nobel-2016-cu-khoi-dau-an-tuong-tu-nhat-ban/