Mua nhà hợp pháp nhưng 2 năm không được vào ở

Công an cho rằng ông T không chấp hành bản án nhưng ông chưa bị cưỡng chế, cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này nên không đủ căn cứ để khởi tố.

Thời gian qua, ông Phạm Khắc Dực (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) có đơn tố giác gửi đến Công an huyện Châu Đức đề nghị xử lý người ở lỳ trong căn nhà mà ông đã mua hai năm nay.

Mua nhà hai năm không được vào ở

Tháng 5-2021, ông Dực mua hai thửa đất liền kề, trên có một căn nhà cấp 4 lợp tôn, tổng cộng 200 m2, giá 1 tỉ đồng tại Quốc lộ 56 (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức), có công chứng. Ông đã đến thay ổ khóa nhà nhưng do dịch bệnh COVID-19 phải giãn cách xã hội nên ông Dực chưa thể về ở.

Dù đã được cấp sổ hồng nhà, đất nhưng ông Dực không thể vào được nhà của mình đã mua. Ảnh: TK

Dù đã được cấp sổ hồng nhà, đất nhưng ông Dực không thể vào được nhà của mình đã mua. Ảnh: TK

Tháng 9-2021, hết phong tỏa, ông Dực tính dọn vào ở thì phát hiện một nhóm người đang cắt khóa vào nhà. Khi ông Dực hỏi thì nhóm người này chửi bới, đe dọa, dùng hung khí đánh đuổi vợ chồng ông. Ông Dực gọi điện thoại cho người bán nhà nhưng họ cũng không biết nhóm này là ai.

Công an huyện đã xem xét toàn diện, khách quan

Chúng tôi đã tiếp nhận đơn tố giác và tiến hành xác minh, xem xét toàn diện, khách quan vụ việc; thấy rằng không có dấu hiệu hình sự trong vụ này.

Những người mua trước ông Dực đều không xuống kiểm tra thực tế nhà, đất. Việc công chứng chuyển nhượng, cấp chủ quyền nhà, đất trên giấy tờ cũng không kiểm tra thực tế trên đất. Do đó gây nhiều hệ lụy, khó khăn cho người mua sau khi có nhu cầu sử dụng.

Thượng tá NGUYỄN NGUYỆN LUÂN,

Trưởng Công an huyện Châu Đức

Qua tìm hiểu, ông Dực được biết những người này do vợ chồng ông T (sinh năm 1947, con trai chủ đầu tiên của thửa đất) đưa đến. Vợ chồng ông T từng có tranh chấp đất và tài sản với mẹ. Bản án phúc thẩm có hiệu lực năm 2006 tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T; mẹ ông được tiếp tục sử dụng đất.

Sau đó, người mẹ đã bán nhà, đất cho người khác và đi khỏi địa phương ở cùng người con khác. Căn nhà và đất cũng được người chủ sau bán đi, qua thêm hai người nữa trước khi ông Dực mua.

Ông Dực tố cáo ông T xâm phạm chỗ ở hợp pháp. Trong thời gian này, ông Dực được cấp chủ quyền nhà, đất đã mua.

Công an hướng dẫn kiện ra tòa đòi nhà

Ngày 13-7-2022, Công an huyện Châu Đức có văn bản kết luận xác minh đơn của ông Dực. Theo công an, sau khi bản án có hiệu lực năm 2006, mẹ ông lại không yêu cầu thi hành án.

Người mua nhà, đất từ mẹ ông T thời điểm mua vẫn biết trong nhà có vợ chồng ông sinh sống. Những lần mua bán tiếp theo không phát sinh tranh chấp do ông T vừa sinh sống tại nhà trên vừa ở nơi khác. Người mua không có nhu cầu ở thật. Chỉ đến khi ông Dực mua và tính về ở mới phát hiện sự việc...

Công an cho rằng hành vi của ông T là không chấp hành bản án nhưng ông T chưa bị cưỡng chế, cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này. Vì vậy, không đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Từ đó, công an huyện cho rằng tranh chấp giữa ông Dực và ông T là vụ việc dân sự, do tòa giải quyết...

Ông Dực không đồng ý với trả lời của công an huyện nên tiếp tục có đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xem xét, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông.

Ngày 16-5, trao đổi với PV, người đại diện của gia đình ông T cho biết vợ chồng ông T vẫn ở căn nhà này từ năm 1984 tới nay, dù không thường xuyên. Do đó ông không đồng ý giao nhà cho ông Dực.

Ông Dực cần đi kiện người bán nhà để yêu cầu bàn giao nhà

Các đương sự có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế. Ông T không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án chỉ làm theo yêu cầu của đương sự, trừ việc thi hành án chủ động để thu hồi tiền cho Nhà nước như các khoản án phí, tiền phạt sung công…

Người mẹ không yêu cầu ông T thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ không tổ chức thi hành án. Do đó, không có căn cứ cho rằng ông T không chấp hành án để có thể xử phạt hay khởi tố.

Hơn nữa, bản án có hiệu lực từ năm 2006, cho đến nay vẫn chưa yêu cầu thi hành án thì bản án đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. Do vậy, không có căn cứ xử phạt vi phạm hành chính ông T về hành vi không chấp hành án được.

Đồng thời, ông T chưa bị cưỡng chế, cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành bản án nên Công an huyện trả lời “không có căn cứ để xử lý về tội xâm phạm chỗ ở của người khác” là có cơ sở.

Ông Dực là người mua nhà, đất ngay tình hợp lệ, trước mắt ông Dực cần yêu cầu người bán giao nhà. Nếu người bán không giao nhà thì ông Dực phải kiện người bán nhà để yêu cầu bàn giao nhà vì về nguyên tắc, hợp đồng mua bán hoàn thành khi đã giao đủ tiền và giao nhà.

Sau đó, ông Dực đề nghị tòa đưa ông T, mẹ ông T và những chủ nhà cũ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết vụ án, xem xét quá trình mua bán.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

SONG MAI ghi

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/mua-nha-hop-phap-nhung-2-nam-khong-duoc-vao-o-post733955.html