Mưa ngớt, lũ trên các sông đang giảm

Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: ANH NGỌC

* 4 người thiệt mạng do lũ lụt

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, từ 19 giờ ngày 30/11 đến 6 giờ ngày 1/12, thời tiết khu vực tỉnh Phú Yên có mưa nhỏ, lượng mưa phổ biến từ 0,2-15,4mm. Hiện lũ trên các sông trong tỉnh đang giảm chậm.

Lúc 5 giờ ngày 1/12, mực nước đo được trên sông Ba tại trạm Củng Sơn là 36,33m, trên báo động (BĐ)III: 1,83m, đạt đỉnh lũ 38,72m, trên BĐ III 4,22m (lúc 19 giờ ngày 30/11), nhỏ hơn so mức lũ lịch sử (39,90m) năm 1993 là 1,18m; trạm Phú Lâm là 4,51m, trên BĐ III là 0,81m, đạt đỉnh lũ 4,63m, trên BĐ III 0,93m (lúc 23 giờ ngày 30/11/), nhỏ hơn so mức lũ lịch sử (5,21m) năm 1993 là 0,58m. Trên sông Kỳ Lộ, tại trạm Hà Bằng là 8,89m, trên BĐ II 0,39m, đạt đỉnh 10,61m trên BĐ III 1,11m (lúc 17 giờ ngày 30/11/2021), nhỏ hơn so mức lũ lịch sử (13,47m) năm 2009 là 2,86m. Trên sông Bánh Lái, tại trạm Hòa Mỹ là 12,05m trên BĐ II 0,05m). Mực nước các sông suối trong tỉnh lũ ở mức cao; sông Ba, trên BĐ III, sông Kỳ Lộ Bàn Thạch ở mức BĐ II.

Lúc 6 giờ ngày 1/12, hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả qua tràn và chạy máy với lưu lượng 5.400 m3/s; hồ thủy điện Sông Hinh xả qua tràn và chạy máy với lưu lượng 554 m3/s; hồ thủy điện Krông HNăng xả qua tràn và chạy máy với lưu lượng 614m3/s; hồ thủy điện La Hiêng 2 xả qua tràn và chạy máy với lưu lượng 81,64m3/s. Các chủ hồ chứa thủy điện chủ động vận hành, điều tiết tích, xả nước qua tràn để đón lũ, theo quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Đối với các hồ thủy lợi lớn, trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 51 hồ chứa nước (1 hồ đang trong quá trình tích nước, hồ Mỹ Lâm), trong đó có 03 hồ thủy lợi hơn 10 triệu m3. Các hồ chứa đang xả lũ, lúc 19 giờ ngày 30/11, hồ Đồng Tròn xả lũ với lưu lượng 72,4m3/s; hồ Phú Xuân xả lũ với lưu lượng 338,8 m3/s; hồ Suối Vực với lưu lượng 138,6 m3/s.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, trên toàn tỉnh có 4 người thiệt mạng (huyện Phú Hòa 2 người, huyện Sơn Hòa 2 người - chết trôi tại thôn Thành Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa do lật ca nô trong quá trình chở đi di dời tránh lũ).

Số nhà ở bị ngập là 28.639 hộ (TP Tuy Hòa 20.860 hộ, Phú Hòa 6.377 hộ, Tuy An 935 hộ, Đồng Xuân 467 hộ), bị chia cắt 9.206 hộ (Tuy An 4.704 hộ, TX Đông Hòa 4.325 hộ, Phú Hòa 177 hộ) và 01 nhà bị sập tại huyện Tuy An. Lúa vụ mùa bị ngập nước, ngã đổ 455ha, hoa màu bị thiệt hại 90ha; số gia súc, gia cầm bị thiệt hại, cuốn trôi 1.621 (Tuy Hòa).

Đường quốc lộ 29 đoạn qua xã Sơn Giang, huyện Sông Hình bị hư hỏng nặng. Ảnh: ANH NGỌC

Tính đến 21 giờ ngày 30/11, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, bị chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn mức ngập phổ biến từ 0,4-1,5m; gây tắt giao thông, sạt lở bồi lấp, sụt lún nền đường, mặt đường...tại các tuyến ĐT.641, ĐT.642, ĐT.645, ĐT.647, ĐT.650, Chí Thạnh - La Hai, Triều Sơn - La Hai.

Về thiệt hại thủy sản, chìm 1 tàu cá trên biển, lúc 2 giờ ngày 28/11 tại khu vực biển gành Dứa, thôn Phú Hội, An Ninh Đông, Tuy An, tàu cá PY83518TS/05 lao động công suất 56CV) làm nghề lưới rê, bị sóng lớn đánh chìm tàu. Hậu quả ông Lê Ngọc đã chết trên đường đi cấp cứu, 04 thuyền viên còn lại đã được đưa vào bờ an toàn.

Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương chủ động tổ chức triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt các sông trên địa bàn tỉnh kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả: Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lớn, lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả; kiểm tra, rà soát, những khu vực thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất chủ động phương án di dời sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn khi có lũ lụt xảy ra và đảm bảo an toàn nhất là công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy đinh tại các khu vực sơ tán dân tập trung; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị tắc nghẽn và kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

Khắc phục sạt lở trên tuyến ĐT643 tại Km3+100. Ảnh: ANH NGỌC

Tổ chức lực lượng để canh gác, kiểm soát chặt chẽ, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lũ, vớt củi trên các sông, suối; Chủ động chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du; chủ động di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để có thể ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu…

HUỲNH NGUYỄN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/268069/mua-ngot-lu-tren-cac-song-dang-giam.html