Mùa na ký ức

Năm bảy mươi tuổi, ông nội tôi bất ngờ đốn cả vườn chuối đang sắp trổ buồng để trồng na. Cổ nhân từng nói 'trẻ trồng na, già trồng chuối', ông tôi hiểu cả, nhưng vì không muốn các cháu quanh năm chỉ được ăn chuối nên ông làm như thế.

Minh họa: Ngọc Minh

Giống na ở vườn nhà tôi được một người đồng hương mang từ dưới quê lên. Ngày đó, mấy hôm mới có một chuyến xe từ dưới đó lên tới đây. Nắm hạt na đen nhức như răng người phụ nữ ăn trầu được bọc trong giấy báo cũ. Màu đen của hạt na gieo vào đất, đất trả lại những mầm xanh vươn lên. Suốt ba năm, ngoài tiếng chim trong nách lá xanh, vườn không có trái ngọt, vắng cả tiếng trẻ nô đùa. Mảnh vườn này trước kia vốn ngổn ngang sỏi đá, ông bà tôi phải gò lưng nhặt từng hòn để lấy chỗ cho cây mọc lên. Trong tiếng chim trong vắt như giọt nước mưa rớt xuống, tôi vẫn nghe ra vị mặn mòi của những giọt mồ hôi. Chiều chiều, ông tôi ra vườn, tiếng ho húng hắng của tuổi già làm đàn chim hốt hoảng bay đi, những gốc na như bầy trẻ thì cứ xanh mướt, lá reo trong gió khi thấy người chủ vườn.

Rồi một mùa thu, khi mùa vải, mùa nhãn ồn ào tiếng chim qua đi, na bắt đầu bói quả. Đến lượt những quả na ra đời cũng gan lỳ cứng đanh, lớp vỏ xù xì như những cái gai màu xanh. Quả lớn dần, gai lớn dần, đám trẻ chúng tôi đâm nản. Ông tôi bảo đấy là mắt na đấy, na im thin thít, chớm thu na mở mắt là na đã chín.

Giờ thì những cây na ấy cũng đã già. Những hạt na mùa đầu được gieo làm giống khắp xóm, khắp vùng. Ở đâu cũng đất lành nên na đều cho vị ngọt. Những gốc na trong vườn của nhà tôi như đã lên ông, lên bà, thân to lớn, xù xì lặng qua bao mùa. Lứa con cháu mới lớn lên, chẳng còn biết gốc gác, cứ đến mùa là hái quả, rồi khi chúng đi học xa, na nhiều ăn không hết thì ba mẹ tôi gọi người đến bán gấp, chẳng mấy chốc vườn na lại trống không toàn cành và lá rụng...

Tôi là người đi xa quê đã lâu, mỗi lần có dịp về quê đều không gặp mùa na chín. Hôm đó, có một người đẩy xe chở thúng na qua phố, ngược chiều gió thổi, ngược đường tôi đi. Người đó cũng đã già, lưng gầy còng xuống như ông tôi ngày xưa. Chắc ông cũng có một vườn na như thế. Đương mùa dịch giã, người qua đường thưa vắng, ông cứ đi mãi qua các phố, thúng na vẫn còn nguyên vẹn. Trong thúng là vô vàn đôi mắt na đã mở, đôi mắt của mùa màng, đôi mắt trẻ thơ, đôi mắt của hương thơm ngọt ngào lạc trên phố xá.

Theo thói quen, tôi hỏi gốc gác, người bán bảo cũng chỉ biết lấy từ vườn, vườn ấy ở tận xóm... Tôi mua mấy trái đem về đặt lên bàn thờ thắp hương. Hôm nay cũng là ngày giỗ ông tôi. Đứa cháu nội xa quê nhớ ông, nhớ vườn xưa, nhớ mùa chỉ biết vái vọng như thế. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi vừa mua được chính những trái na ở vườn nhà mình trong mùa thu ở phố.

Thế rồi, tôi đem gieo những cái hạt đen nhức như ngày nào vào chậu cây cảnh. Biết là ở đây không có đất mẹ, na sẽ không có cơ hội để vươn lên thành cây, để ra quả. Nhưng, dù gì tôi cũng có một cái cây từ vườn nhà như một người bạn tri kỷ bên nhau mỗi sớm mai. Một mùa na không trái chín vẫn xanh mướt bên ban công nhà tôi, vẫn gọi gió đến và gợi bao ký ức ngọt ngào...

Tản văn của Bùi Việt Phương (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mon-ngon/mua-na-ky-uc-nbsp/28729.htm