Mua máy tính bảng ở TP.HCM: AIC làm tư vấn, giới thiệu đối tác bán máy

(GDVN) -Lãnh đạo Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) thừa nhận rằng họ đến hội thảo với vai trò "tư vấn, giới thiệu" đơn vị tham gia đề án.

Đề án 4.000 tỉ đồng sắm máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3 mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (Sở GD&ĐT TP.HCM) đưa ra tuy mới chỉ là đề án nhưng đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận.

Giới chuyên môn chỉ trích đây là đề án "sặc mùi tiền" và thiếu tình người. Nhiều phụ huynh còn tỏ ra gay gắt về nguồn gốc ý tưởng "vô nhân đạo" này do đâu mà có?

Nhiều trẻ bị cận nặng do tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử

Đa số độc giả Báo Giáo dục Việt Nam phản đối dữ dội với đề án này, và bất bình với cách làm của Sở Giáo dục TP.HCM một thì họ giận dữ các doanh nghiệp tham gia gấp đôi.

Đã có nhiều thông tin về một mối liên hệ đáng ngờ giữa lãnh đạo Sở giáo dục TP.HCM và các đơn vị tư vấn, tham gia giới thiệu sản phẩm...ở hội thảo đề án mà mọi người đều cho rằng "sặc mùi tiền và thiếu tính người" nói trên.

Qua tìm hiểu, phân tích từ các nguồn tin, tài liệu gửi về tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam thì Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC) là cái tên được nghi vấn nhiều nhất.

Đây là công ty hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó có làm về cung cấp trang thiết bị cho giáo dục…

Công ty này có tham gia vào hội thảo giới thiệu về đề án “Sách giáo khoa (SGK) điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” được Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức.

Điểm nữa khiến dư luận càng thêm hoài nghi là vào năm 2013, AIC ký với một nhà xuất bản hợp đồng về việc chuyển giao chương trình sách giáo khoa điện tử Classbooks để AIC đưa vào các trường phổ thông tại Việt Nam trong năm 2014.

Ngày 25/8, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc Tế (AIC). Ông Sơn cho biết công ty của ông có tham gia hội thảo với vai trò "tư vấn", giới thiệu đối tác chứ không đứng sau hay "xúi giục" Sở GD&ĐT TP HCM đưa ra đề án sắm máy tính bảng cho trẻ nhỏ tại địa phương này.

“Sở Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cũng rất cầu thị nên có nhờ AIC hỗ trợ, đưa một số đơn vị có kinh nghiệm đến để tư vấn tại hội thảo” – ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, AIC là công ty có nhiều năm làm về cung cấp trang thiết bị giáo dục và có mối quan hệ với nhiều đối tác cùng ngành. Trong quá trình làm việc, có một đơn vị của Đài Loan rất có tiếng về áp dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực có mời AIC hợp tác.

Khi được Sở Giáo dục TP HCM đề nghị hỗ trợ tư vấn tại hội thảo, AIC đã giới thiệu đơn vị Đài Loan này đến tham gia.

Vị lãnh đạo của AIC nói thêm, tại hội thảo, AIC có trình bày các phương án tổ chức về mặt kỹ thuật. Đồng thời có tư vấn về việc nên lựa chọn loại thiết bị nào.

“Đây chỉ là ý tưởng được đề xuất, mong muốn để xã hội đồng thuận. Nếu xã hội không chấp nhận thì cũng không ai sử dụng” – ông Sơn giải thích.

Đến nay, Báo Giáo dục Việt Nam đã thu thập được thêm một số tài liệu quan trọng liên quan đến quá trình hình thành đề án nêu trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục công bố tới độc giả, từ đó, quý độc giả có thể thấy được vai trò của các "tư vấn" trong đề án này thực sự là như thế nào?.

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/mua-may-tinh-bang-o-tphcm-aic-lam-tu-van-gioi-thieu-doi-tac-ban-may-post149118.gd