Mùa hội trăng rằm đặc biệt

Màn múa lân vào dịp Tết Trung thu năm trước. Ảnh: THIÊN LÝ

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Trung thu năm nay với trẻ thơ là một mùa trăng đặc biệt. Phố phường không còn nhộn nhịp bày bán những chiếc đầu lân, mặt nạ và bánh trung thu đủ kiểu; không có các hoạt động bày cỗ, rước đèn ông sao; không tổ chức múa hát, vui văn nghệ... như mọi năm.

“Cách đây vài tháng, đoàn song lân chùa Vĩnh Phước (xã An Hiệp, huyện Tuy An) đã bắt đầu lên ý tưởng, kế hoạch tập luyện các bài nhảy để tham gia biểu diễn trong mùa Trung thu. Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch nên đoàn đã hủy chương trình”, anh Trần Long Cơ ở đoàn song lân chùa Vĩnh Phước nói.

Trung thu thiếu múa lân

Mọi năm, đến thời điểm này, đoàn song lân chùa Vĩnh Phước tất bật chạy đơn đặt hàng của khách từ trước đó cả tháng. Anh Long Cơ kể, đầu năm 2016, anh cùng Huỳnh Duy Khang lập đoàn song lân này, thu hút nhiều thanh niên xã An Hiệp và các xã lân cận trên địa bàn huyện Tuy An tham gia. Đến nay, đoàn song lân quy tụ gần 30 thành viên. Nhờ đam mê và khổ luyện, các thành viên trong đoàn đạt được kỹ thuật khéo léo, mang lại những màn trình diễn bài bản, đẹp mắt. Vì thế, đoàn song lân mỗi mùa Trung thu nhận được nhiều cuộc gọi để thuê trình diễn.

Anh Long Cơ chia sẻ: “Năm nay, thực hiện giãn cách do dịch COVID-19, không được tụ tập đông người nên đoàn múa lân của chúng tôi tạm nghỉ. Với anh em trong nghề, Trung thu về mà không được biểu diễn, không nghe tiếng trống lân thì rất buồn, bức bí. Thôi đành hẹn mọi người vào năm sau”.

Còn đoàn lân sư Lộc Kỳ Ân (TP Tuy Hòa) - một trong những đoàn lân sư tên tuổi ở Phú Yên, từng “tung hoành” bao nhiêu mùa Trung thu trên các tuyến đường như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hùng Vương... Để có thể đặt được đội lân sư này đến biểu diễn với “khung giờ vàng”, người thuê phải gọi sớm từ nhiều tháng. Nhưng năm nay, như các đoàn lân khác, đoàn lân sư Lộc Kỳ Ân cũng phải chịu cảnh “nghỉ ngơi” bất đắc dĩ. “Trước thời điểm Phú Yên chưa bùng phát dịch, nhóm nhận được nhiều cuộc gọi. Nhưng rồi vì tình hình dịch diễn biến hết sức phức tạp, không được tụ tập đông người nên đoàn cũng tạm thời… ở yên”, anh Trần Thanh Hùng, người phụ trách đoàn lân sư này cho biết.

Không chỉ các đoàn lân tiếc nuối, với rất nhiều người dân xứ Nẫu, việc vắng điệu múa rộn ràng, tiếng trống sôi động của các đoàn lân sư rồng trong mùa hội trăng rằm chẳng khác gì mất đi một món ngon trong đời sống.

“Ở nhà gần 3 tháng nay, em cảm thấy rất cuồng chân nên muốn đi chơi, được xem múa lân vào dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, điều đó là không thể trong thời điểm này. Hy vọng, mùa Trung thu năm sau sẽ hết dịch, tiếng trống và các đoàn lân sư rồng sẽ rộn ràng khắp các nẻo đường, em và các bạn sẽ được xem những màn múa lân đặc sắc”, em Đào Quang Vũ ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) mong ước.

Vẫn rộn rã... lòng người

Thời gian này, dù người dân trong tỉnh vẫn đang thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, không tập trung đông người, song Tết Trung thu cũng được nhiều người quan tâm, vì đây là ngày ý nghĩa đối với trẻ thơ.

Em Trần Thanh Bình ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) kể: “Tết Trung thu mọi năm, mẹ thường mua bánh về cho em. Năm nay, mẹ tự tay làm bánh đãi cả nhà. Khi mẹ làm bánh, em rất háo hức và chạy lăng xăng để xem mẹ làm như thế nào”.

Còn chị Dương Thị Trang, mẹ em Bình, bày tỏ: “Trung thu năm nay không lồng đèn, không bánh trung thu, các đoàn lân cũng không thể múa rộn ràng trên phố và càng không có đoàn lân nào về từng ngõ xóm. Tiếng “cắc tùng” giờ đây chỉ còn là âm thanh xa nhớ. Vì vậy, để an ủi con của mình, tôi đã ôn lại kỷ niệm những mùa trung thu đã qua, để con hiểu rằng dù bị ảnh hưởng dịch COVID-19, các con không được rước đèn, phá cỗ thì Trung thu vẫn còn, trăng vẫn sáng, có khi còn đẹp hơn”.

Không riêng chị Trang, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều gia đình, cha mẹ cố gắng cho con mình một Tết Trung thu ý nghĩa qua việc trò chuyện cùng con, giúp con cảm nhận niềm vui ấm áp trong chính ngôi nhà của mình. Hạnh phúc đặc biệt này không phải em nhỏ nào cũng có được trong Tết Trung thu giữa đại dịch COVID-19. Bởi vì dịch bệnh này mà hàng ngàn em nhỏ trên khắp cả nước phải mồ côi cha, mẹ hoặc đang ở khu cách ly, phong tỏa hay trong bệnh viện điều trị COVID-19, không có Tết Trung thu.

Chị Nguyễn Thị Loan ở xã An Chấn, huyện Tuy An, bày tỏ: “Năm nay, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn vì tất cả người thân đều bình an, khỏe mạnh. Hy vọng chúng ta kiểm soát và chiến thắng được dịch bệnh COVID-19 để trẻ em có những mùa Trung thu nồng ấm, trọn vẹn trong vòng tay ba mẹ”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/264271/mua-hoi-trang-ram-dac-biet.html