Mua hàng livestream: Người tiêu dùng cần cảnh giác khi chốt đơn

Bán hàng bằng hình thức livestream (phát trực tiếp) đang trở nên quen thuộc với nhiều người. Người dùng chỉ cần truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, các sàn thương mại điện tử là có thể tham gia vào các phiên livestream mua sắm.

Tại phiên livestream, khách hàng sẽ được người bán tư vấn trực tiếp từ giá tiền, kích thước đến tác dụng của sản phẩm. Là hình thức bán hàng ngày càng phổ biến, nhưng người mua hàng livestream vẫn gặp nhiều vấn đề như bị lấy cắp thông tin, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nhận thấy tiềm năng từ việc bán hàng livestream, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm trà cà gai leo cũng bắt đầu livestream trên nền tảng TikTok.

Một phiên livestream của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long, cho biết: “Trà cà gai leo không phải là sản phẩm được nhiều người dùng quan tâm như quần áo, mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc livestream của Công ty bước đầu cũng đã có thành quả và doanh số tăng đều bền vững. Hiện nay, một ngày, chúng tôi tổ chức livestream 3 ca, doanh số từ livestream đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng. Tôi nghĩ, thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư nhiều hơn vào chiến dịch bán hàng livestream”.

Bắt nhịp xu hướng thị trường, chính quyền một số địa phương cũng đã hỗ trợ nông dân đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, như mời người nổi tiếng livestream bán nông sản. Có rất nhiều người nổi tiếng đã thông qua những phiên livestream để hỗ trợ người dân các địa phương bán được lượng lớn nông sản như: Vải thiều, cam, nhãn...

Hay như, cuối tháng 12-2023, đã có 77 phiên livestream tại chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), tiếp cận 81,6 triệu lượt người, tạo ra 18.200 đơn hàng, đạt doanh thu 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự nở rộ của bán hàng qua livestream cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Hà Vân, chủ cửa hàng mỹ phẩm Vân Khánh ở phường Hồng Hà, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, cho biết: “Trong những phiên livestream bán hàng của tôi, khi mọi người chốt đơn, đã có một số đối tượng theo dõi phiên livestream này, lấy thông tin liên hệ với khách hàng để gửi hàng giả, hàng nhái. Khi khách hàng nhận không đúng hàng như khi chốt đơn mới liên hệ, tôi kiểm tra thì thấy đơn hàng của mình vẫn đang trên đường vận chuyển. Như vậy, rất rủi ro cho người mua hàng. Tôi vẫn thông báo khách hàng không nên để lại số điện thoại và địa chỉ trên livestream mà hãy nhắn tin riêng cho tôi. Tuy nhiên, tôi cũng không thể kiểm soát được hết”.

Thời gian gần đây, một số kho hàng giả, hàng nhập lậu đã bị lực lượng chức năng triệt phá khi đang livestream bán hàng. Cuối tháng 12-2023, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra kho hàng của chị Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

Theo đó, kho hàng có giá trị lên đến 19 tỷ đồng, với các loại mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn đơn hàng đã và đang được đóng gói để gửi tới các khách hàng vừa chốt đơn trong phiên livestream trước đó.

Hay như gần đây, ngày 18-1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phát hiện một doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn TP Tân An tổ chức hoạt động livestream bán mỹ phẩm trên TikTok có dấu hiệu vi phạm. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty này đang kinh doanh 1.280 sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 350 triệu đồng.

Có thể thấy, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái được bán trên TikTok rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có cửa hàng nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý. Đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... bị giả mạo, không bảo đảm chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS, TS Tô Trung Thành, chuyên gia kinh tế, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Trước thực trạng này, để bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như, nếu người tiêu dùng khiếu nại về sản phẩm, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm xử lý và ký cam kết minh bạch thông tin doanh nghiệp. Các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam đã khá toàn diện. Tuy nhiên, nhiều điểm của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã không còn phù hợp với sự phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử. Do đó, cần nghiên cứu một cách thấu đáo để có hướng giải quyết, khắc phục, nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích của doanh nghiệp”.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ chính mình. Người tiêu dùng cần lựa chọn những đơn vị bán hàng có thương hiệu, uy tín; khi mua hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân công khai trên livestream và cũng cần chọn phương thức thanh toán bảo đảm.

Bài và ảnh: BÙI LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/mua-hang-livestream-nguoi-tieu-dung-can-canh-giac-khi-chot-don-769583