Mùa chổi chít

BBK -Sang xuân, khi những cây chít trên các cánh rừng, bên triền đồi bắt đầu ra bông cũng là lúc người dân tranh thủ đi thu hái. Bông chít là một trong những nguyên liệu chính để tạo nên những chiếc chổi quen thuộc trong mỗi gia đình người Việt.

Mùa chít kéo dài từ tháng 01 đến tháng 3 dương lịch, cây mọc tự nhiên ven đường, trên đồi cao, thành từng khóm, vào vụ không ít người dân tranh thủ đi hái chít, một ngày nếu chịu khó cũng bỏ túi từ 200-300 nghìn đồng.

7h sáng chị Trịnh Thị Bẩy, ở thôn Nà Dì, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) cùng mấy chị em ở thôn đã rủ nhau đi hái chít. Mỗi lần đi, chị phải chuẩn bị dụng cụ gồm: Dao, bao tay, cơm nắm... để ăn trong ngày. Khu vực hái chít không cố định, nơi nào có chít là chị tới, tuy nhiên chít thường mọc ở địa hình cao dốc, rậm rạp, việc leo trèo tuốt được những bông chít cũng rất gian nan. Mùa này, chị Bẩy phải di chuyển tương đối xa để tìm chít.

Một cơ sở thu gom nguyên liệu chít tươi của người dân.

Chị Bẩy cho biết: "Chít mọc tự nhiên rất nhiều, ở các chân ta-luy dương, đồi nương ót, hái chít không dễ dàng gì, phải chui vào những nơi rậm rạp, rặm ngứa có đủ, mỗi ngày nếu 2 vợ chồng đi lấy cũng tuốt được khoảng 30-40kg chít tươi, chở ra ngoài thành phố bán giá là 6.000 đồng/kg, cả ngày cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng".

Hai vợ chồng chị Trịnh Thị Bẩy một ngày hái chít tươi được khoảng 30-40kg.

Ngồi bó chít, chị Bẩy chia sẻ thêm: “Qua Tết chưa có việc gì làm nên đi hái chít để có đồng ra đồng vào, năm nào mình cũng đi hái, ở Bắc Kạn chít mọc nhiều, chỉ sợ không có sức lấy thôi”.

Đến thành phẩm hàng hóa

Ở thành phố Bắc Kạn có khá nhiều hộ gia đình làm nghề đan chổi chít, vào đầu năm là lúc các hộ tranh thu gom nguyên liệu để dự trữ cho cả một năm. Chị Đỗ Thị Hòa, cơ sở sản xuất chổi chít ở tổ 10 phường Sông Cầu là hộ có hơn 30 năm làm nghề. Mỗi năm gia đình chị bán ra ngoài khoảng 3.000 chiếc chổi bao gồm loại cán dài và cán ngắn, chổi cán dài giá giao từ 50.000 - 55.000 đồng/chiếc, loại ngắn là 35.000 đồng/chiếc, đầu ra chủ yếu giao cho các mối quen ở các tỉnh miền xuôi và một số hộ kinh doanh ở Bắc Kạn.

Bó chít để đi phơi khô.

Chị Hòa cho hay: “Mỗi vụ gia đình thu gom khoảng 07 tấn chít ở các xã lân cận, khoảng 02 tháng đầu năm dành thời gian mua chít, phơi chít, sau đó đủ nguyên liệu rồi mới bắt đầu làm chổi”. Gia đình chị Hòa chỉ có 02 lao động chính nên số lượng làm ra tới đâu gần như khách hàng đặt tới đó. Nghề làm chổi thủ công đã đem lại kinh tế ổn định cho gia đình chị nhiều năm nay.

Sản phẩm chổi chít cán dài của chị Đỗ Thị Hòa, tổ 10, phường Sông Cầu sau khi hoàn thiện.

Cũng là hộ có truyền thống làm nghề làm chổi chít, anh Phạm Quang Đường ở tổ 12, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) vụ này thu mua khoảng 17 tấn chít, toàn bộ nguyên liệu này sau khi phơi khô sẽ được bảo quản trong kho để gia đình làm chổi quanh năm.

Anh Phạm Quang Đường, tổ 12, phường Phùng Chí Kiên chuẩn bị nguyên liệu cho vụ làm chổi chít mới.

Nghề làm chổi chít được gia đình anh Đường gắn bó từ năm những 1985-1986, do ông cha truyền lại, dù chỉ làm thủ công, bện bằng tay nhưng những chiếc chổi khi hoàn thiện có độ thẩm mỹ cao, rất chắc chắn, có thể dùng cho cả năm.

Mỗi năm gia đình anh Đường bán ra ngoài thị trường trên 4.000 chiếc chổi cán dài và ngắn. “Ngoài nguyên liệu chính là chít thì làm chổi cần chuẩn bị đầy đủ các vật liệu như cán trúc, đinh, sợi mây để cuốn, mỗi chiếc chổi tôi làm mất 30 phút vì khá nhiều công đoạn từ bện, cuốn, đóng đinh sao cho thật chắc chắn để khi quét bông chít ít bị rơi ra”. Theo anh Đường, sản phẩm chổi chít, nhất là loại cán dài được các tỉnh miền xuôi ưa chuộng, đã có khách hàng đặt vấn đề xuất khẩu nhưng gia đình không nhận làm vì chưa đáp ứng nhiều thủ tục.

Anh Phạm Quang Đường cũng là hộ có mấy chục năm làm nghề đan chổi chít ở thành phố Bắc Kạn.

Gắn bó với nghề làm chổi từ vài chục năm nay nên anh có nhiều mối đặt hàng ổn định, chổi làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, từ nghề này mà gia đình anh có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ nơi trong vùng trồng hoặc đi hái chít cũng có thêm thu nhập nhờ bán chít tươi, khô cho anh.

Bắc Kạn là vùng có nhiều nguyên liệu chít, cây chủ yếu mọc tự nhiên trên đồi, tận dụng nguồn chít dồi dào, nhiều hộ dân trong tỉnh đã khai thác làm chổi chít bán thành hàng hóa. Sản phẩm bán đi các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, đặc điểm của giống chít có bộ rễ sâu, khiến đất nhanh bạc màu nên chưa được khuyến khích, nhân rộng. Trước đó xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) từng đưa loại cây này vào cơ cấu giống, quy mô lên đến 50ha, song vài năm nay diện tích giảm do người dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/mua-choi-chit-post61431.html