Mua bán đất tràn lan: Thiếu cẩn trọng để mất đất thổ cư

Sau 'cơn sốt' bất động sản, hiện nay nhiều người dân ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk phải sống trên đất nông nghiệp, vì toàn bộ đất thổ cư đã bị đối tác 'ẵm' hết. Điều này xuất phát từ việc người mua thực hiện thủ tục chuyển đất thổ cư sang phần đất họ mua trong quá trình giao dịch tách thửa.

Bà H’Ngưng mất toàn bộ đất thổ cư sau khi ủy quyền cho bên mua làm thủ tục tách thửa, sang tên

Bà H’Ngok Êban, Bí thư Chi bộ buôn Sút M’Đưng, xã Cư Suê, cho biết, mới đây, qua thống kê, cả buôn có hơn 10ha đất được bán cho người khác. Đáng nói rằng, sau khi giao dịch đất, đa số các hộ dân trong buôn đã mất toàn bộ đất thổ cư.

Một trong những trường hợp bị mất sạch đất thổ cư là bà H’Ngung Êban. Chia sẻ với chúng tôi, bà H’Ngung buồn rầu kể, gia đình bà sở hữu 3,5 sào đất, trong đó có 400m2 đất thổ cư. Năm 2020, vì kinh tế khó khăn nên bà đã bán 1.000m2 đất và ủy quyền, giao sổ đỏ cho người mua để thực hiện thủ tục tách thửa, sang tên. Tuy nhiên, khi nhận lại sổ đỏ, bà H’Ngung phát hiện không còn một mét vuông đất thổ cư nào trên diện tích còn lại của mình. Căn nhà của bà H’Ngung đang ở hiện nay bỗng nhiên nằm trên phần đất nông nghiệp còn lại.

Tương tự, ông Y Lhăm Niê cũng có 4 sào đất, trong đó có 400m2 đất thổ cư. Trong thời điểm sốt đất, ông đã bán 1 sào đất để trang trải kinh tế của gia đình. Thế nhưng mới đây khi nhận lại sổ đỏ, ông phát hiện rằng toàn bộ đất thổ cư của gia đình đã được chuyển sang phần đất của người mua. Người mua chỉ đưa cho ông một số tiền bồi thường và yêu cầu ông tự đi xin chuyển đổi đất thổ cư.

Theo bà H’Ngok, những năm 2020, 2021 rộ lên thông tin một phần địa giới hành chính của xã được sáp nhập vào TP Buôn Ma Thuột dẫn đến tình trạng sốt đất. Người dân đổ xô về địa phương để mua đất, người dân trong buôn cũng đua nhau bán vì đất có giá. Đa số người dân trong buôn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế nên khi bán đất đều ủy quyền cho bên mua làm các thủ tục tách thửa, sang tên. Không ngờ đến khi nhận lại sổ đỏ mới phát hiện ra mình mất hết đất thổ cư. Thậm chí có những người khi nhận lại sổ đỏ còn không biết người mua đã tự ý chuyển phần thổ cư sang diện tích được bán.

Cũng theo bà H’Ngok, trong khoảng 10ha đất của bà con trong mua bán có khoảng 4ha đất thổ cư đã được chuyển nhượng cho người mua. Hiện nay rất nhiều người dân trong buôn đang sống trên đất nông nghiệp.

Không riêng việc mất đất thổ cư, hiện nay nhiều người dân trong buôn còn bị đối tác “giam” luôn cả sổ đỏ. Như trường hợp H’Nung Êban, vào cuối năm 2021, bà đã ký hợp đồng bán một sào đất cho một người dân địa phương và giao sổ đỏ cho bên mua thực hiện thủ tục tách thửa. Kể từ đó, bà H’Nung đã nhiều lần đòi lại sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Người mua đất liên tục đưa ra lý do chưa hoàn tất thủ tục tách thửa và chưa trả đủ tiền mua đất cho bà H’Nung.

Ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, xác nhận, có gần 100 hộ dân chưa nhận lại được sổ đỏ sau khi bán đất và giao sổ cho người mua thực hiện thủ tục tách thửa. "Chúng tôi đã cảnh báo thường xuyên đến người dân về việc đề cao cảnh giác trong quá trình giao dịch mua bán đất để tránh những hệ lụy sau này. Tuy nhiên, người dân thường tự thực hiện giao dịch mua bán đất tại các phòng công chứng tư mà không có sự giám sát từ chính quyền địa phương, dẫn đến những tình huống không mong muốn", ông Hoan cho biết.

Ông Hoàng Thế Nghĩa, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Cư M'gar, cho rằng, việc mất thổ cư và bị giam sổ đỏ nguyên nhân do người dân thiếu hiểu biết nên ký ủy quyền cho "cò" đất làm thủ tục tách thửa, sang tên mà không đọc kỹ các hợp đồng giao dịch. Lợi dụng điều này, các “cò” đã tự ý chuyển hết phần thổ cư sang diện tích được mua dẫn đến bên bán thiệt hại. “Để ngăn chặn việc này, hiện nay chúng tôi đã không chấp nhận giấy ủy quyền trong trường hợp tách thửa. Ngoài ra cũng khuyến cáo người dân khi giao dịch bất động sản cần phải đọc kỹ hợp đồng, giấy ủy quyền trước khi ký để đảm bảo quyền lợi của mình", ông Nghĩa cho biết thêm.

MAI CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-ban-dat-tran-lan-thieu-can-trong-de-mat-dat-tho-cu-post727466.html