Mua bán C2C trên Facebook

Facebook vừa giới thiệu mô hình sàn giao dịch Marketplace, giúp chủ tài khoản Facebook có thể mua bán một cách dễ dàng trên mạng xã hội. Liệu mô hình này của Facebook sẽ tạo áp lực cạnh tranh, đánh bật các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong tương lai hay không?

Mô hình Facebook Marketplace kiến tạo không gian mở cho việc mua bán trực tuyến từ người dùng tới người dùng (C2C). Hàng hóa sẽ trở nên đa dạng hơn, thúc đẩy hoạt động mua bán nhanh chóng hơn... Người dùng không cần mở “fanpage” hoặc tạo “group” như lúc trước vẫn có thể mở cửa hàng kinh doanh trực tuyến bằng chính tài khoản cá nhân của mình.

Trong một số nội dung giới thiệu về Marketplace, Facebook có nhắc tới việc người dùng có thể bán hàng trực tuyến mà không cần lo nghĩ phải trả tiền quảng cáo hoặc trả phí mở gian hàng. Đây là một thông tin hấp dẫn đối với giới kinh doanh trực tuyến “nương nhờ” dưới mái nhà Facebook!

Theo nhận xét từ một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, Facebook là một nền tảng tuyệt vời để người tiêu dùng tương tác và đánh giá, bao gồm những chức năng cơ bản giúp tạo dựng niềm tin cho mô hình giao dịch C2C. Những thứ mà các trang web TMĐT khác đang cố gắng một cách vất vả để khuyến khích người dùng tương tác thì Facebook lại làm một cách rất tự nhiên.

Với sự ra mắt Marketplace hồi đầu tháng 10-2016, Facebook đang xâm nhập sâu vào thị trường TMĐT, mở ra tính năng hoàn toàn mới giúp cư dân mạng có thể mua bán hàng hóa với những người khác sống gần gũi xung quanh mình. Điều này thu hút số lượng lớn những người đang rao bán đồ đạc cũ mà gia đình họ không dùng tới nữa trong các nhóm mua bán trực tuyến trên Facebook chuyển sang Marketplace.

Hiện tại, mô hình Marketplace của Facebook chỉ mới có mặt ở một số quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand... Chỉ có những thành viên sở hữu tài khoản Facebook trên 18 tuổi mới có thể sử dụng tính năng mua bán trên Marketplace. Facebook chỉ mới vận hành mô hình này trên nền tảng di động, chưa triển khai cho phiên bản Facebook chạy trên máy tính (desktop).

Dù chưa thu phí, nhưng Marketplace sẽ khiến nhiều người tiêu tốn thời gian vào Facebook hơn cho việc nhìn ngắm, so sánh giá cả hàng hóa... Thời gian mọi người dành cho Facebook hàng ngày sẽ tăng lên, đây cũng là một hướng tiếp cận “trói buộc” người dùng với Facebook.

Ghi nhận ý kiến từ thị trường, có ý kiến cho rằng Facebook Marketplace là một dạng dịch vụ rao vặt theo địa điểm, cạnh tranh chính với những trang rao vặt như Craigslist (một trang web cho phép đăng tải các mẫu rao vặt từ nhiều quốc gia). Vì thế, áp lực cạnh tranh của Facebook Marketplace về lâu dài sẽ “đè nặng” lên những trang web đăng tải các mẫu tin rao vặt hoặc đang hoạt động theo mô hình giao dịch C2C ở quy mô nhỏ.

Doanh nghiệp TMĐT nói gì?

Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo.vn:

Marketplace hoạt động như một trang web đăng tin rao vặt

Marketplace của Facebook không phải là một chợ trực tuyến như Sendo.vn. Trong khi các trang web như chúng tôi bảo vệ cả người mua hàng và người bán hàng với dịch vụ thanh toán đảm bảo (Sendo đứng ra lấy hàng của người bán giao cho người mua và thu tiền về cho người bán) thì trên Marketplace, hai bên sẽ tự giao dịch với nhau và hoàn toàn có thể xảy ra chuyện người bán giao hàng sai (không đúng mô tả trên mạng) hoặc người mua không thanh toán. Thực tế tại Việt Nam đã xảy ra việc này.

Do Marketplace cho phép bất cứ ai trên Facebook đăng bán bất cứ thứ gì nên Marketplace đang hoạt động giống một trang rao vặt hơn là một chợ trực tuyến. Marketplace chưa cho thấy họ có mô hình hợp lý để đánh giá những người bán uy tín và hỗ trợ người mua trong việc chọn lựa và đánh giá sản phẩm. Trong giai đoạn ra mắt, đã có những báo cáo về việc có người thử bán ma túy, súng, hay động vật sống trên Facebook Marketplace.

Một trong ba tính năng chính của Marketplace là “search your surroundings” (tìm kiếm xung quanh) khuyến khích người dùng tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ ở khu vực xung quanh mình. Điều này khác với niềm tin của chúng tôi về TMĐT. Chúng tôi tin rằng giá trị lớn nhất của mình là đảm bảo đưa được hàng hóa tới tay hàng triệu người mua sắm hàng hóa trên cả nước.

Đại diện sàn TMĐT Lazada.vn:

Facebook Marketplace tạo ra cơ hội kinh doanh cho Lazada

Facebook luôn được đánh giá là mạng xã hội hoạt động hết sức thành công. Việc họ triển khai sàn giao dịch TMĐT C2C là điều hết sức dễ hiểu. Trước thực tế này, Lazada không cảm thấy lo lắng hay nao núng, ngược lại, chúng tôi xem đây là cơ hội.

Đầu tiên, thông qua Marketplace, người tiêu dùng và nhà bán hàng hiểu hơn về kinh doanh TMĐT. Sau một thời gian, khi mô hình C2C càng mở rộng về quy mô thì họ cần tới một nền tảng hỗ trợ việc trưng bày sản phẩm, giao nhận, kho bãi, thanh toán và chăm sóc khách hàng. Chính lúc này, các nhà bán hàng sẽ phải tìm đến mô hình TMĐT B2C (hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) như Lazada.

Ông Lâm Quang Vinh, Tổng giám đốc muabannhanh.com:

Marketplace chưa ảnh hưởng ngay đến sàn TMĐT

Nếu Facebook mở mô hình giao dịch Marketplace tại Việt Nam thì cũng chưa thể ảnh hưởng tới hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT như muabannhanh.com. Dù họ cho phép người mua - bán giao dịch, trưng bày hàng hóa một cách dễ dàng nhưng lại chưa có chính sách, cơ chế kiểm soát hàng hóa (xuất xứ, chất lượng...) nên sẽ không thể so sánh với hình thức giao dịch, mua bán trên các sàn giao dịch TMĐT.

Mặt khác, đã xuất hiện những lời than phiền của người tiêu dùng về các giao dịch mang tính chất lừa đảo hoặc bán hàng không đúng chất lượng/xuất xứ trên mạng xã hội như Facebook. Đã có những khách hàng mua phải hàng hóa giả mạo các sản phẩm ngoại nhập. Nếu khách mua ở sàn TMĐT còn khiếu nại với chủ sàn, còn mua trên Facebook mà người bán cứ “phớt lờ” thì xem như người mua mất tiền để ôm hàng kém chất lượng hoặc hàng giả mạo.

Rồi Facebook cũng sẽ phải triển khai mô hình, chạy thử nghiệm, từng bước hoàn thiện Marketplace... giống như các sàn TMĐT đã đầu tư xây dựng nhiều năm nay. Tuy nhiên, họ có lợi thế lớn nhất là có sẵn cộng đồng người dùng Facebook nên việc mở ra Marketplace sẽ thuận lợi hơn.

Dĩ nhiên, các doanh nghiệp TMĐT trong nước sẽ phải tìm cách giữ chân khách hàng, tăng lượt truy cập vào trang web hoặc ứng dụng TMĐT của mình, điều này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo số lượng đơn hàng.

Nếu không tìm cách thu hút khách hàng, tăng số lượt truy cập thì cho dù Facebook không mở sàn giao dịch C2C, các sàn TMĐT cũng đã tự đánh mất khách hàng, giảm doanh thu...

Ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Haravan, đơn vị cung cấp giải pháp nền tảng TMĐT:

Facebook tạo đà tăng nguồn thu quảng cáo của các fanpage bán hàng

Thông qua quảng cáo và video từ Facebook, tôi thấy họ đang tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, các mẫu tin rao vặt trên mạng hơn là đối tượng đang kinh doanh hoặc các sàn giao dịch TMĐT B2C.

Trước mắt, các sàn TMĐT C2C, B2C... tại Việt Nam có lẽ chưa bị ảnh hưởng gì với những thông tin đang có. Còn định hướng phát triển của Marketplace sau này như thế nào thì chưa thể đánh giá được.
Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, các fanpage bán hàng trực tuyến đang chạy trên Facebook.com đã khiến cho Facebook là một chợ giao dịch trực tuyến Marketplace rồi. Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mô hình này của Facebook mang tính “giáo dục” (tập người dùng làm quen với mua bán trực tuyến) đối với cá nhân nhiều hơn tạo sự thuận tiện trao đổi hàng hóa. Mọi người sẽ làm quen với việc bán hàng trên Facebook và khi có ý định lập doanh nghiệp kinh doanh thì bắt đầu với fanpage và quay lại câu chuyện chạy quảng cáo trên Facebook để bán được hàng. Đây là một trong những nguồn thu lớn nhất của Facebook.

Theo Thesaigontimes

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mua-ban-c2c-tren-facebook.aspx