Một tuần, cả nước ghi nhận hơn 6.500 ca mắc sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, thống kê cho thấy trong tuần 41 (từ ngày 9-15/10) cả nước ghi nhận 6.504 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, không ghi nhận ca tử vong.

Như vậy, so với tuần trước đó số trường hợp mắc bệnh giảm 9,2%, số nhập viện là 4.863, so với tuần trước số nhập viện giảm 11%.

Thông tin trên Vietnam+, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 113.962 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 31 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc giảm 56,8%, tử vong giảm 97 trường hợp.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến cuối tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.766 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 165 ca so với tuần trước đó), trong đó có 1 ca tử vong.

Về trường hợp tử vong là nữ bệnh nhân 78 tuổi (ở huyện Đan Phượng) mắc sốt xuất huyết trên nền nhiều bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và từng bị đột quỵ não. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong (số mắc tăng 3 lần và số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn.

Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay tại Hà Nội là Hoàng Mai với 1.558 ca, tiếp đến là Phú Xuyên 1.548 ca, Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca), Thạch Thất (1.068 ca).

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống

CDC Hà Nội nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong các tuần tới. Do đó, trong tuần này, công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết tiếp tục được tăng cường tại các ổ dịch ở những quận, huyện: Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Chương Mỹ.

Tại Tp.HCM, theo Sở Y tế Thành phố, tuần qua trên địa bàn ghi nhận 371 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 ca so với tuần trước đó. Trong đó có 103 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỉ lệ 27,76%). Trung bình 13 ca nặng điều trị mỗi ngày, tăng so với trung bình tuần trước (12 ca).

Tính đến ngày 22/10, Tp.HCM ghi nhận 172 ca sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện (có 56 ca địa chỉ lưu trú tại tỉnh khác, chiếm 32,56%), có 5 ca nặng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 3 ca, Nhi đồng 2: 1 ca, Nhi đồng Thành phố: 1 ca), trong đó có 2 ca nặng địa chỉ lưu trú tại tỉnh (chiếm 40%). Trong các ca nặng, có 2 ca thở máy đều có địa chỉ tại thành phố (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: 1 ca, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 1 ca).

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.

Theo VietNamNet, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng sức khỏe, thậm chí tử vong.

Biến chứng đầu tiên là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nếu tình trạng này kéo dài, dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu thì tính mạng có thể bị đe dọa.

Biến chứng thứ hai là tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương. Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể xuất huyết não, rất dễ vong.

Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết có thể bị suy tim do chảy máu liên tục, tim không đủ máu tuần hoàn. Khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết sẽ khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng. Thận cũng phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu, lâu dần gây suy thận cấp.

Sốt xuất huyết cũng có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.

Với phụ nữ đang mang thai, sốt xuất huyết khiến bà bầu sốt cao, nhịp tim thai đập nhanh hơn, ảnh hưởng đến thai nhi. Bà bầu cũng có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sảy thai.

Với trẻ em mắc sốt xuất huyết, nguy cơ tụt huyết áp, mất nước càng lớn do tỉ lệ nước trong cơ thể trẻ thường cao hơn người trưởng thành. Người cao tuổi có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan dễ khiến tình trạng bệnh biến chuyển nặng hơn khi mắc sốt xuất huyết.

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW chỉ ra những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng người dân cần đặc biệt lưu ý:

-Bệnh nhân mệt. Đặc biệt trẻ em, người già có thể lờ đờ, li bì, chậm chạp. Trẻ mấy người trước khóc nhiều, nay lả đi.

-Một số bệnh nhân đau tức vùng gan.

-Một số bệnh nhân đau khắp bụng.

-Một số bệnh nhân nôn, buồn nôn (Nôn 3 lần/8 tiếng được tính là nôn nhiều)

-Chảy máu chân răng, xuất huyết…

"Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh có nguy cơ diễn biến nặng. Xét nghiệm thấy giảm tiểu cầu, cô đặc máu, men gan tăng… Khi phát hiện những dấu hiệu cảnh báo phải đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Vì khoảng thời gian điều trị để bệnh nhân hồi phục không có nhiều, chỉ vài tiếng. Nếu giai đoạn này bỏ lỡ 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể rơi vào tụt huyết áp, sốc, chảy máu không kiểm soát, nguy cơ suy đa tạng…", BSCKII Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mot-tuan-ca-nuoc-ghi-nhan-hon-6500-ca-mac-sot-xuat-huyet-a632823.html