Một thương hiệu thời trang lên tiếng xin lỗi về bản đồ thiếu 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa

Để kỷ niệm sinh nhật 9 tuổi, thương hiệu thời trang Yody đã đăng tải video và hình ảnh thiết kế bản đồ Việt Nam thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay lập tức, video đã bị dư luận phản ứng, thậm chí một số ý kiến đòi tẩy chay. Trước sự cố này, hãng vừa ra thông báo xin lỗi về vụ việc.

Yody nhận lỗi trong việc đăng tải bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Theo nội dung thông cáo của Yody, sau khi nhận được phản ánh, hãng cho biết đã lập tức rà soát toàn bộ nội dung liên quan và thừa nhận đã để xảy ra thiếu sót nói trên trong một video truyền tải thông điệp cảm ơn khách hàng nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 9 tuổi của công ty.

Nguyên nhân sai sót xảy ra do bộ phận truyền thông sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung của video: “Là một doanh nghiệp Việt Nam, được lập ra bởi những người Việt, chúng tôi ý thức rất rõ rằng sai sót này là không thể bao biện. Vì thế, chúng tôi xin nghiêm túc lắng nghe mọi phản hồi, góp ý của các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức truyền thông, với tinh thần cầu thị để sửa sai và tránh lặp lại những lỗi tương tự trong tương lai. Đồng thời, công ty đã sửa đổi, điều chỉnh toàn bộ nội dung có liên quan trên các kênh truyền thông. Một lần nữa, chúng tôi xin lỗi vì đã bất cẩn để xảy ra sự cố này” - Yody tuyên bố.

Yody là một startup thời trang, từ cửa hàng đầu tiên năm 2014, thương hiệu đã có 230 cửa hàng trên toàn quốc. Sau khi vướng vào sự cố, fanpage của Yody đã phải khóa phần bình luận do người dùng bức xúc.

Trước đó một ngày, ứng dụng đặt xe công nghệ Grab cũng phải lên tiếng xin lỗi người dùng vì sử dụng bản đồ chứa thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông khi một thể thực thể được thể hiện bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.

Người dùng phát hiện bản đồ của ứng dụng của Grab tại Việt Nam cũng thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Cụ thể, với khu vực quần đảo Trường Sa, ngoài một vài tên thực thể như Sơn Ca, Sinh Tồn… được thể hiện bằng tiếng Việt thì tên các thực thể khác được thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam không được thể hiện bằng tiếng Việt mà chỉ được thể hiện bằng tiếng Anh và tiếng Trung Quốc. Trong khi đó, bản đồ của Grab còn thể hiện bãi Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam là “Nansha District” tức “huyện Nam Sa”.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết, đã nắm được những phản hồi xung quanh việc hiển thị bản đồ trên ứng dụng và đang tích cực làm việc với đối tác cung cấp bản đồ để xử lý.

“Việc này hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi tiếp nhận các ý kiến đóng góp một cách rất nghiêm túc và chân thành xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh. Grab Việt Nam cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam và luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” - đại diện Grab Việt Nam cho hay.

Kim Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mo-t-thuong-hie-u-tho-i-trang-len-tie-ng-xin-lo-i-ve-ba-n-do-thie-u-2-qua-n-da-o-truo-ng-sa-hoa-ng-sa-331410.html