Một thú vui đang bị thử thách…

Nhớ hồi còn sinh viên, bọn tôi hay nghêu ngao câu thơ cổ Trung Quốc: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (mọi sự đều thấp kém, chỉ có đọc sách là thanh cao) để bao biện cho cái bệnh lười. Nghĩ tức cười, cả chục đứa lộc ngộc ở giường tầng trong phòng ký túc xá nhưng đứa nào cũng lười quét phòng, bị réo tên là lôi câu thơ kia ra để cười xòa với nhau.

Trước những năm 2000, sách báo vẫn là cánh cửa duy nhất để con người tiếp cận với thế giới tri thức. Đọc sách khi ấy vừa là cách để làm việc, vừa là một thú vui với rất nhiều người. Kể từ năm 1997, khi Internet được chính thức đưa vào khai thác sử dụng ở Việt Nam, với ứng dụng đầu tiên là hệ thống email do nhóm các nhà khoa học của Viện Công nghệ thông tin thiết lập, rồi đến việc tên miền VN của Việt Nam chính thức được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới... thì thói quen đọc sách kể từ ấy cứ mai một dần.

Nhớ những năm trước đây ở Nha Trang, lần đầu xuất hiện những nhóm du lịch bụi người Âu - Mỹ. Họ giống nhau ở chỗ quần lửng, áo thun, lưng đeo ba lô to đùng và trên tay là cuốn sách hướng dẫn du lịch, hình như là sách của Nhà xuất bản Lonely Planet. Họ tự tin đi khám phá khắp nơi, ăn vỉa hè…, nếu có nơi nào bán giá cao, họ chìa cuốn sách ra và nhất định trả giá theo sách, chủ quán nhiều khi cũng chỉ biết cười trừ! Điều tôi ngưỡng mộ nhất là họ chịu khó mang theo rất nhiều sách và đọc sách mọi nơi, mọi lúc. Có thể là nằm phơi nắng trên bãi biển, ngồi trên tàu, trên xe khi di chuyển… Bây giờ thì hết rồi. Hình ảnh quen thuộc của những du khách hiện nay là vừa đi vừa cắm cúi trên điện thoại. Tất tần tật những gì cần tìm hiểu đã có trên đó.

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C

Lại lan man nhớ thời còn sinh viên. Ấn tượng đầu tiên của ngày mới nhập học là buổi đầu tiên cầm thẻ tới thư viện của trường mượn sách. Một cảm giác choáng ngợp và mê mẩn. Cả một kho sách bao la, những cuốn hồi giờ chỉ nghe tên, nay được tha hồ mượn về nghiền ngẫm cho sướng. Một thế giới bao la hiện hữu qua các trang sách, từ các tác phẩm kinh điển của văn học thế giới đến văn học đậm nét tâm hồn Nga của các tác giả Liên Xô, những tiểu thuyết viết theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của châu Mỹ La tinh… Hồi ấy, cả bọn ở giường tầng của ký túc xá, mùa đông lạnh chỉ biết trùm chăn kín đầu đọc truyện chứ đâu có trò giải trí gì khác. Cứ thấy ông nào cười một mình rung cả chăn là cả bọn nhìn nhau: Chắc chắn nó đang đọc truyện Don Kihote rồi!

Hồi bọn tôi làm luận văn, được trường cấp cho cái thẻ đọc tại Thư viện quốc gia ở đường Tràng Thi, thấy mình quan trọng vô cùng. Hàng ngày, đón xe buýt ra thư viện, mượn những cuốn cần thiết, cặm cụi ghi chép vào “phich”, tức là những mảnh giấy nhỏ, tập hợp theo ý mình cần. Đọc nhiều không xuể, nên bọn tôi ăn gian bằng cách khi đọc một cuốn nào thấy tác giả trích dẫn 1 tác giả nào đó mình đang cần thì chép luôn trích dẫn này. Sau này trong mục tài liệu tham khảo, cũng liệt kê tác giả, tác phẩm như thật, cốt để mục này dài ra, cho thấy mình… chịu khó tìm tòi nghiên cứu (!).

Ngày nay, Internet tải lên toàn bộ kho tri thức đồ sộ của nhân loại. Người ta cần tìm gì, bất cứ lĩnh vực nào chỉ cần một cú nhấp chuột. Sự phong phú và tiện lợi đó làm cho con người ngại đọc sách. Đọc, tra cứu để chi khi chỉ cần gõ từ khóa kiến thức mình muốn tìm? Đọc truyện mà chi cho phức tạp khi cả một thế giới giải trí mênh mang chờ ta trên mạng? Bây giờ bạn bè gặp nhau hỏi đang đọc sách gì đấy có khi bị nhìn như người lập dị.

Công nghệ và kỹ thuật phát triển hàng ngày đang định hình lại nếp sống, thói quen của nhân loại. Nhiều ngành nghề truyền thống bị biến mất, nhiều thói quen phải thay đổi. Thế giới của sách mênh mang, lấp lánh tri thức cứ mãi mãi tồn tại, chỉ có điều thú vui đọc sách của chúng ta đang bị thử thách mà thôi.

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202311/mot-thu-vui-dang-bi-thu-thach-7f33605/