Một thời và mãi mãi

Lần thứ hai từ Hà Nội mang tranh vào TPHCM, họa sĩ Phạm Lực đã có cuộc triển lãm cá nhân mang tên Một thời và mãi mãi tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1 (từ ngày 29-10 đến 13-11).

Vẽ như từng sống

Họa sĩ Phạm Lực sinh năm 1943, tại Huế nhưng sống ở Hà Tĩnh, quê ngoại. Bộc lộ năng khiếu vẽ từ nhỏ; lớn lên, được học trung cấp mỹ thuật, ông sớm tiếp cận thế giới hội họa rồi sau đó đi bộ đội. Năm 1977, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, người họa sĩ mặc áo lính ấy tiếp tục dạy vẽ cho nhiều đơn vị quân đội và tranh thủ sáng tác tranh. Với vốn sống phong phú hòa trộn với niềm đam mê sáng tạo, ông vẽ không ngừng về đề tài mẹ, quê hương, đồng đội trong chiến tranh, về tình yêu và cuộc sống của người lao động miền biển…

Tác phẩm của ông có lúc thâm trầm, có lúc rực rỡ sắc màu cùng những đường nét dài, đầy rung cảm trong một bút pháp mạnh mẽ, linh hoạt, điêu luyện nhưng đôi khi, không tuân theo một bố cục quy củ nào. Những hình tượng nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Việt, tâm hồn Việt đi vào lòng người một cách dung dị. Phạm Lực có cái nhìn của một họa sĩ mô tả được nhiều mảnh đời, nhiều góc đời của thế thái nhân tình, ví như sự thể hiện nhiều giọng điệu khác nhau trong một thiên tiểu thuyết của nhà văn.

Cách thể hiện trực cảm, không cần phác thảo, ít nhiều đã tạo nên nét độc đáo và đáng yêu qua tranh ông. Đó cũng là một trong những lý do, tranh của ông hết sức gần gũi, thu hút được đông đảo người thưởng ngoạn, được nhiều người trong, ngoài nước đánh giá cao và dành tình cảm trân trọng cho bộ sưu tập tranh của họa sĩ.

Và những người yêu tranh

Những người yêu tranh Phạm Lực đã gặp gỡ nhau và thành lập một câu lạc bộ (CLB) khá ấm áp. Sự đồng cảm với tâm tình người sáng tác, với hình ảnh và thế giới sắc màu của họa sĩ qua tranh khá phong phú. CLB được thành lập từ năm 2003, có ý hướng góp sức với xã hội qua những hoạt động nghệ thuật kết hợp làm từ thiện. Đến nay con số thành viên CLB đã lên tới hơn 100 người. Thật thú vị khi họ là những người hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhà khoa học, kỹ sư, công nhân, doanh nghiệp, chính khách, nghệ sĩ… nhưng lại rất gần nhau khi nói về tranh Phạm Lực.

Trong triển lãm Một thời và mãi mãi năm nay, có 8 thành viên đại diện CLB ở Hà Nội và TPHCM gửi trưng bày 56 tác phẩm của Phạm Lực mà họ đang lưu giữ. Đây là những tác phẩm được sáng tác từ những năm 60, 70… của thế kỷ XX đến những sáng tác trong thời gian gần đây.

Bày tỏ những suy nghĩ về bộ sưu tập cá nhân, kỹ sư Ngô Quang Tuấn (Hà Nội), chủ nhiệm CLB cho biết, ông và gia đình luôn tìm thấy sự yên vui và tin yêu qua tác phẩm của Phạm Lực. Sự truyền cảm lạ lùng của một nghệ sĩ trải đời, yêu đời và mang đến cuộc đời nhiều thông điệp qua tranh, thật nồng hậu và sâu sắc. Đôi khi, ngắm nhìn bức Cô gái bán hoa, đã gợi cho ông nhớ về hình ảnh người mẹ thương yêu, bóng dáng một thời của những cô gái dịu dàng, tảo tần với gánh hàng hoa trên phố phường Hà Nội.

Luật sư Đặng Hùng Long (TPHCM) trong một cảm xúc hoài niệm khi nhắc đến tác phẩm Hà Nội lụt năm 1972, cho rằng đó là những hình ảnh đầy ấn tượng khó quên trong tuổi thơ. Giờ đây, những tình cảm ấy đã được nhiều người chia sẻ cùng anh khi xem triển lãm.

Kim Ửng

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vhvnmythuat/2011/11/272185/