Một thời để nhớ

Bây giờ, dù đang cộng tác cho nhiều tờ báo, nghiệp vụ làm báo cũng được nâng lên theo thời gian, nhưng tôi không thể quên điểm tựa đầu tiên của đời làm báo không chuyên, đó là báo Phú Thọ cuối tuần.

Còn nhớ một ngày tháng 4 năm 1998, tỉnh Phú Thọ vừa được tái lập chưa đầy một năm và bạn đọc báo mới làm quen với báo Phú Thọ, thay vì báo Vĩnh Phú. Cả xóm tôi ngạc nhiên vì có chiếc xe bốn chỗ màu đen chở hai người ở báo Phú Thọ đi tìm nhà của tác giả Phương Quý. Đó là ông Nguyễn Đắc Sinh – Tổng Biên tập và bác Cao Quang Triệu -Trưởng Phòng Trị sự đến thăm tôi tại nhà riêng. Khó tả nổi niềm vui và hạnh phúc của một cộng tác viên khi được lãnh đạo Báo Phú Thọ tới thăm. Sau khi hỏi han về nghề tay trái của tôi, Tổng Biên tập ngỏ ý mời tôi về làm cho báo Phú Thọ cuối tuần. Thật là vinh dự, tôi chẳng dám có ý kiến ý cò gì, chỉ biết cám ơn. Để rồi hôm sau khăn khói lên tỉnh, gắn bó với ngôi nhà số 2179 nằm trên đại lộ Hùng Vương.

Tôi được phân công vào ban báo Cuối tuần, do nhà báo Nguyễn Sản phụ trách, cùng với anh Nguyễn Hùng Sơn và nhà báo trẻ Dương Quỳnh Hoa. Tình cảm thân thiết, không khí làm việc cởi mở dễ chịu, nhờ cách điều hành linh hoạt của nhà báo Nguyễn Sản. Hồi đó vui lắm. Tôi được xếp ở chung phòng với Bùi Đình Thi và Nguyễn Tất Thắng trong khu nhà tập thể phía sau tòa soạn. Ba anh em cũng hợp tính tình nên khá dễ chịu. Nguyễn Tất Thắng hồi đó có con xe 81 đời đầu, hay bị tôi xách trộm chạy đi chơi bất tử, mà về nhà cũng chỉ nhăn nhăn mặt chứ không trách móc gì. Ngại nhất là mấy “bà cô” phòng bên phá như giặc, gồm Kim Dung, Thúy Hằng, Quỳnh Hoa... thường gõ cửa ầm ầm làm chúng tôi mất ngủ, hoặc bị chốt cửa bên ngoài, sáng không ra khỏi phòng được. Các anh chị em hồi ấy giờ đều đã thành đạt, giữ cương vị lãnh đạo cao, nhưng chắc chưa quên những ngày đó.

Làm báo cuối tuần khác với báo ngày, vì có hơi hướng tới văn học nghệ thuật. Cũng nhờ làm ở báo Phú Thọ cuối tuần mà tôi có cơ hội làm quen với các văn nghệ sĩ trong tỉnh, như nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, nhà văn Sao Mai, nhà văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương, nhiếp ảnh gia Vân Trang, Vương Hồng, Thanh Thủy. Tôi sau này rời Báo Phú Thọ, cộng tác viên cho một vài tờ báo, giờ vẫn đầu quân cho báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, tai nạn nghề cũng từng trải, thành tích lớn nhỏ cũng đã có, nhưng không bao giờ quên những ngày đầu tiên mới vào nghề tại báo Phú Thọ cuối tuần. Tôi vẫn thường hay gửi bài cộng tác, và mỗi khi cầm trên tay tờ báo Phú Thọ cuối tuần, lòng lại rưng rưng nhớ kỉ niệm xưa.

Phùng Phương Quý

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202204/mot-thoi-de-nho-183716