Một số vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người

Sau gần 10 năm triển khai thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (có hiệu lực từ 1/7/2007) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung.

Trước thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày càng tăng cao trong khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, Việt Nam đã thực sự làm chủ kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người (tạng) thành công như ghép thận, tim, gan, giác mạc... mang lại cơ hội cứu sống tận cùng cho nhiều người bệnh suy mô, tạng.

Nhìn một cách tổng quát, từ năm 2006 đến nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tương đối hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho ngành ghép tạng Việt Nam ra đời và phát triển. Tính đến ngày 15/6/2016, chúng ta đã có 16 cơ sở y tế có khả năng lấy, ghép mô, tạng hiệu quả và đã tiến hành ghép thành 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 08 ca ghép tủy, 01 ca ghép khối Thận - Tụy và 01 ca ghép khối Tim - Phổi minh chứng một điều rõ rang rằng kỹ thuật y khoa của Việt Nam không kém các nước trong khu vực và trên thế giới về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng người được ghép mỗi năm vẫn còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu thực tế ngày một tăng cao. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề này, một trong những nguyên nhân chính là thiếu nguồn mô, bộ phận cơ thể người hiến tặng trong khi hoạt động truyền thông, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người dân chưa được đầu tư tương xứng để làm thay đổi nhận thức, hành vi tiến tới tình nguyện hiến tặng hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác không thể không nói tới đó là chúng ta còn thiếu một hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, khả thi để tác động, định hướng và thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày một phát triển đáp ứng yêu cầu bức thiết của xã hội hiện nay.

Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá hệ thống pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam hiện nay làm cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn cả lý luận lẫn thực tiễn.

Sau gần 10 năm triển khai thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 (có hiệu lực từ 1/7/2007) và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành đã bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung, đó là:

1. Vấn đề về chết não

Theo quy định tại mục 3, chương III của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chết não là một nội dung đặc biệt quan trọng được quy định thành một mục riêng trong Luật. Theo đó, việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, tạng của người có thẻ đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết. Tuy nhiên, để xác định được chết não phải có đủ 3 chuyên gia (hồi sức cấp cứu; thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y) và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn cận lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian.

Với quy định này là hết sức chặt chẽ, bảo đảm tối đa việc đưa ra kết luận một người đã chết não hay chưa. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là ở các nước phát triển, các điều kiện về cận lâm sàng không nhất thiết còn bắt buộc, cũng như tiêu chuẩn về thời gian, dẫn tới bắt buộc phải có 3 lần xác định chết não và mất tối thiểu 12 giờ tính từ lần xác định chết não đầu tiên là quá dài, vừa gây tốn kém kinh phí xác định chết não, kinh phí hồi sức tích cực người chết não, đồng thời kéo dài thời gian đánh giá xác định chết não sẽ làm mất cơ hội vàng để lấy được mô, tạng của người người hiến chết não.

Bên cạnh đó, quy định về chuyên gia giám định pháp ý trong Hội đồng xác định chết não cũng cần phải đánh giá lại, bởi về bản chất, các tiêu chuẩn cận lâm sàng của chết não khác với tiêu chuẩn cận lâm sàng của người đã chết hẳn (tim ngừng đập), do đó vừa không phát huy được chuyên môn của bác sỹ pháp y, vừa gây khó khăn cho các cơ sở y tế nếu không mời được bác sỹ pháp ý tham gia trong hội đồng xác định chết não.

2. Vấn đề về quyền lợi, chế độ người hiến tặng mô, tạng liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế

Theo quy định tại Điều 17 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì:

- Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

- Người đã hiến tạng được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế.

Tuy nhiên, Luật không quy định kinh phí giành cho chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí đối với người đã hiến mô, tạng tại cơ sở y tế cũng như khám sức khỏe định kỳ miễn phí sẽ được lấy từ nguồn nào? từ ngân sách Nhà nước (quỹ riêng) hay thông qua Bảo hiểm y tế?

Mặt khác, Luật Bảo hiểm y tế cũng không có nội dung nào quy định về thanh toán chi phí cho việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi hiến cũng như khám sức khỏe định kỳ miễn phí đối với người đã hiến mô, tạng. Do đó, từ ngày 01/7/2007 đến nay, quyền và lợi ích chính đáng của người đã hiến tạng khi còn sống vẫn chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, hai hệ thống pháp luật trên vẫn chưa có quy định đối với trường hợp người ghép mô, tạng có thẻ bảo hiểm y tế có được thanh toán kinh phí xét nghiệm, sàng lọc cũng như ghép mô, tạng hay không? do đó, đó là một thiệt thòi rất lớn cho bệnh nhân có thẻ BHYT.

Ngoài ra, một vấn đề hết sức bất cập hiện nay là pháp luật của Nhà nước và ngành y tế ra sức khuyến khích, thúc đẩy việc tình nguyện hiến tặng mô, tạng vô vụ lợi, vì mục đích cứu chữa người bệnh từ người hiến sống hay sau khi chết, chết não (bất kể người đó là người thân hay trong gia đình), tuy nhiên để một người tình nguyện hiến tặng mô, tạng thực hiện được nghĩa cử cao đẹp đó, tất yếu phải qua một loại các xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép, tuy nhiên kinh phí để xét nghiệm đó lại bắt người tình nguyện hiến tặng chi trả, cho dù người đó có thẻ BHYT cũng không được thanh toán.

Không lẽ một người đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng lại còn phải bỏ ra khoản kinh phí to lớn đó để làm xét nghiệm trước khi hiến được hay không? Ngoài ra, cơ sở y tế cũng không có kinh phí để thanh toán cho mục chi này, đây là một lỗ hổng về chính sách để khuyến khích đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, trong khi người hiến tặng mô, tạng không có bất kỳ lợi ích vật chất nào để bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe (chí ít như hiến máu nhân đạo?).

3. Về hình thức đăng ký hiến tặng mô, tạng

Theo quy định tại Điều 18, 19 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, người muốn hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não hoặc hiến xác phải bày tỏ nguyện vọng dưới dạng đơn đăng ký hiến tặng, khác với các nước phát triển, việc đăng ký hiến tạng được thực hiện dưới hình thức đăng ký từ chối hiến tặng (nếu không muốn hiến tặng mô, tạng sau khi chết thì phải đăng ký). Đây là quy định hết sức chặt chẽ, thể hiện mạnh mẽ tâm nguyện của người hiến tặng, không làm khác biệt với thói quen của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, đối với việc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não thực tế rất khó khăn ở nước ta hiện nay vì Việt Nam chưa có thói quen hiến tặng và đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não, do đó sẽ vô cùng khó khăn và mất rất nhiều thời gian, thậm chí mất đến nhiều thế hệ nếu để tổ chức tuyên truyền, vận động mọi người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tặng mô, tạng để từ đó làm thay đổi nhận thức, tình cảm tiến tới tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não.

4. Về kiểm tra sức khỏe và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng

Theo quy định tại Điều 18, 19 LuậtHiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, sau khi người đăng ký vào đơn hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não và hiến xác thì sẽ được khám sức khỏe, tư vấn rồi mới cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng và thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng đó là cơ sở pháp lý cho việc lấy mô, tạng sau khi chết, chết não và lấy xác. Tuy nhiên, trên thực tế, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật, mới chỉ tiếp nhận được đơn hiến và cấp được gần 6,000 thẻ đăng ký hiến tặng và ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (thực chết, số lượng thẻ đăng ký được cấp mới chỉ bắt đầu từ năm 2013-kể từ ngày Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người được thành lập). Đây là con số bước đầu vô cùng bé nhỏ, trong khi đó, mỗi năm số người chết già, đặc biệt là chết do tai nạn giao thông lên đến chục ngàn người, nếu chỉ cần 10% trong số người chết do tai nạn giao thông, chết già hoặc chết não tình nguyện hiến tặng mô, tạng thì đã có hàng chục ngàn người được cứu sống mỗi năm.

Mặt khác, việc quy định ngay sau khi ký đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não sẽ được cơ sở y tế tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người hiến với những quy trình chuyên môn chặt chẽ, nhưng kinh phí giành cho việc tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe này không được quy định trên thực tiễn nên dẫn tới không khả thi trong việc tổ chức khám, kiểm tra các thông số sức khỏe trước khi cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Mặc dù quy định này là hết sức quan trọng và ý nghĩa, bảo đảm cho việc tiếp nhận, lấy, ghép mô, tạng kịp thời, nhanh chóng từ người hiến tặng chết não.

5. Về điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, tạng

Theo quy định tại Điều 16, cơ sở y tế lấy, ghép tạng phải có đủ các điều kiện đặc biệt, trong đó có “đơn vị ghép thực nghiệm”. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một quy định không còn phù hợp vì để xây dựng một đơn vị ghép thực nghiệm rất tốn kém, trong khi đó các cơ sở y tế có thể cử cán bộ y tế tới học tập, thực hành ở các cơ sở y tế đã và đang tiến hành lấy, ghép mô, tạng vừa bảo đảm tính khả thi, vừa giảm thiểu chi phí không cần thiết.

6. Về điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng

Theo quy định tại các Điều 36, 37 và Điều 38 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, việc điều phối hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng được thực hiện thông qua Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, theo đó Trung tâm có nhiệm vụ chính sau đây:

- Tiếp nhận và xử lý thông tin về việc hiến, thay đổi hoặc hủy bỏ việc hiến mô, bộ phận cơ thể người;

- Quản lý danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người của quốc gia;

- Quản lý việc cấp thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác;

- Quản lý các thông tin liên quan đến người hiến, người được ghép mô, bộ phận cơ thể người;

- Điều phối việc lấy, ghép, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô, bộ phận cơ thể người;

- Hợp tác quốc tế trong việc điều phối lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Với những quy định trên cho thấy, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người giữ một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và thiết yếu trong hệ thống tư vấn, điều phối lấy và ghép mô, tạng ở nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi, hệ thống, công khai và minh bạch trong hoạt động hiến, lấy, ghép mô, tạng, đây cũng là quy định về mô hình hoạt động hiệu quả trong hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, đây là hoạt động mới, chưa có tiền lệ và vô cùng khó khăn, đòi hỏi phải được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để vận hành và điều phối hoạt động lấy, ghép mô, tạng.

Mặt khác, các cơ sở y tế có chức năng cần có quy định, cơ chế khả thi để bảo đảm nguyên tắc phối hợp, kết nối chặt chẽ với Trung tâm qua việc cập nhật thông tin người hiến, đặc biệt là người cần ghép mô, tạng để xây dựng và quản lý danh sách chờ ghép quốc gia, làm cơ sở cho việc điều phối hiệu quả việc lấy, ghép mô, tạng bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích thiết thực cho người hiến cũng như người ghép mô, tạng.

7. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác điều phối như: tư vấn, vận động hiến tặng mô, tạng và điều phối hoạt động lấy, ghép mô, tạng hoàn toàn chưa có, trong khi công việc luôn đối diện với sức ép khi phải tiếp xúc vận động người thân trong bối cảnh vừa có người chết não hiến tặng mô, tạng; sức ép trong việc chạy đua với thời gian để lấy, vận chuyển và ghép mô, tạng… nên chưa động viên, khuyến khích cán bộ y tế thực hiện xứng đáng với đặc thù công việc khó khăn, phức tạp và sức ép hiện nay…,

8. Tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động hiến, lấy, ghép tạng hiện nay vẫn chủ yếu diễn ra riêng rẽ tại các bệnh viện, chưa hình thành mạng lưới thu gom, phân phối, điều phối mô tạng quốc gia. Hiện nay trên cả nước cũng chỉ mới có 04 bệnh viện có Hội đồng xác định chết não, 02 đơn vị là Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện việc tư vấn, tiếp nhận đơn đăng ký và cấp thẻ hiến tạng. Truyền thông về hiến tặng mô, tạng tại các bệnh viện, các trường đào tạo nhân lực và cơ sở của ngành y tế cũng mới dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chưa được đầu tư tương xứng, chưa có bất kỳ một trường đào tạo nhân lực y tế nào đưa nội dung đào tạo liên quan đến hoạt động hiến tặng mô, tạng và ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tặng mô, tạng cũng như hiến máu vào chương trình chính quy hoặc ngoại khóa….

(Còn nữa...)

Nguyễn Hoàng Phúc

(Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/8-bat-cap-trong-chinh-sach-ghep-mo-bo-phan-co-the-nguoi-n124110.html