Một số 'hiện tượng mạng' không có gì ngoài khả năng... 'thánh chửi'

Vài năm trở lại đây, mạng xã hội chứng kiến sự chiếm sóng nối dài của một số 'hiện tượng mạng' không có gì ngoài một khả năng: Chửi như hát. Xã hội bỗng dưng xuất hiện những bậc 'thánh chửi' với những nickname nghe rất chối tai: 'Nữ hoàng chửi thề', 'Hot girl chửi tục', 'Thánh chửi'…

Nói tục, chửi bậy đang là tình trạng phổ biến đến mức đáng lo ngại. Rất nhiều người phát ngôn những từ tục tĩu khiến người nghe thấy… chối tai và không dám nhắc lại.

Đổi đời nhờ chửi hay

Điều đáng lo ngại là clip nói tục, chửi bậy của những nhân vật "thánh chửi" này thu hút hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, nhiều người “like”.

Phim “Nhà bà Nữ” từng bị phản ứng vì để các nhân vật nói bậy, chửi tục quá nhiều.

Cá biệt như Facebook của một “thánh chửi” ở Bắc Ninh (từng bị công an bắt vì tội gây rối trật tự công cộng) có đến hơn 700.000 người theo dõi. Sau khi Facebook và kênh YouTube cũ bị xóa sổ, “thánh chửi” này lập kênh YouTube mới và chỉ sau 1 tuần, kênh thu hút hơn 100.000 người theo dõi

Từ những người vô danh, nhờ "năng lực" chửi, họ trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội và nhanh chóng tận dụng điều đó để kinh doanh kiếm tiền. Đổi đời nhờ chửi hay, nghe kỳ lạ nhưng điều đó đang xảy ra.

Đáng kể nhất phải nói tới Linda - hiện tượng mạng nổi đình nổi đám nhiều năm nay. Những video chửi như hắt nước vào mặt người khác của cô có tốc độ lan truyền chóng mặt. Những người chọn xem và coi đó là hình thức giải trí "mua vui thôi mà".

Kể từ đó, những ngôn ngữ thô lỗ, tục tằn khiến người nghe đỏ mặt về mức độ táo bạo trở thành "thương hiệu" giúp Linda được nhiều thương hiệu mỹ phẩm, kem trộn "đặt gạch". Thực tế, những livestream, dòng trạng thái có ngôn từ chửi bậy, tục tĩu lại dễ gây chú ý và nhận được tương tác cao.

Sự thịnh hành của việc chửi đổng dần manh nha xu hướng thích xem, nghe những nội dung như vậy. Không ít người lợi dụng điều này để tạo ra đề tài gây tranh cãi, phát ngôn gây sốc để gây sự chú ý nhằm kéo lượt tương tác rồi cuối cùng là… bán hàng online.

Không chỉ trên mạng, trong cuộc sống hàng ngày, chửi bậy diễn ra khá phổ biến. Hình ảnh những nam thanh, nữ tú cứ hễ mở miệng là hồn nhiên nói tục, chửi bậy đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đáng lo ngại hơn, nói tục, chửi bậy đã hiện diện cả ở công sở lẫn nhà trường. Không ít người xem việc nói tục là cách nói chuyện… hài hước.

Nếu không nói tục, chửi bậy sẽ thành… cá biệt

Nói tục, chửi bậy trở thành khẩu ngữ trong giao tiếp hằng ngày của một số người. Không ít học sinh từ bậc tiểu học đã biết dùng ngôn ngữ thô lỗ, dùng tiếng lóng để giao tiếp, đùa giỡn với nhau. Có học sinh thú nhận: “Nếu không nói tục, chửi bậy, con sẽ bị bạn bè tẩy chay, không thèm chơi chung vì khác biệt với số đông”.

Nhiều bạn trẻ cho rằng, nói tục, chửi bậy là phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng, xả stress, thậm chí còn cho đó là… cá tính. Tình trạng nói tục, chửi bậy khiến cho môi trường văn hóa kém phần văn minh.

Nguy hiểm hơn, khi người lớn có thói quen nói tục sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ cũng như người trẻ. Lối nói tục của người lớn sẽ hằn trong trí não con trẻ, có khả năng chi phối mạnh mẽ đến cách ứng xử trong tương lai, ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tình trạng học sinh chửi thề, nói bậy ngày càng nhiều và xảy ra ở lứa tuổi ngày càng nhỏ không phải chỉ là nguyên nhân từ giáo dục gia đình và nhà trường. Những tác động từ xã hội đến học sinh dường như vẫn mạnh hơn ảnh hưởng và kỷ luật của nhà trường.

Nhiều tật xấu của học sinh, trong đó có chửi thề, nói bậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân không nhỏ là từ các thiết bị công nghệ mà trong đó xuất hiện đủ thứ “thượng vàng hạ cám” của mạng xã hội ngày càng phát triển và khó kiểm soát.

Gia đình là nơi đầu tiên giúp hình thành nền móng về nhân cách, đạo đức cho trẻ em, là nơi tạo nền tảng để các em nói lời hay, ý đẹp. Muốn vậy, người lớn cần làm gương bằng cách không nói lời xấu, cộc cằn, thô lỗ với các em.

Nếu chẳng may con lỡ nói tục, chửi thề thì cha mẹ uốn nắn, giúp con sửa chữa sai lầm; bên cạnh đó là sự chung tay góp sức từ nhiều phía, nhà trường và xã hội để thu hút các em vào những hoạt động tập thể lành mạnh, văn minh.

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 57

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/mot-so-hien-tuong-mang-khong-co-gi-ngoai-kha-nang-thanh-chui-20240512132625791.htm