Một số diễn biến mới nhất về tình hình Syria

– Quyết định hủy bỏ tư cách thành viên của Syria từ phía Liên đoàn Ả rập (AL) chính thức có hiệu lực ngày 16/11; Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ ngừng cung cấp điện cho Syria nếu chính phủ nước này không ngừng các biện pháp trấn áp mạnh tay chống lại người biểu tình; Syria đưa ra lời xin lỗi trước vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Jordan ngày 14/11; Phe đối lập tại Syria tuyên bố không tiến hành đối thoại với chính phủ…là một số diễn biến mới nhất về tình hình Syria trong 24 giờ qua.

(ĐCSVN) Quyết định hủy bỏ tư cách thành viên của Syria từ phía Liên đoàn Ả rập (AL) chính thức có hiệu lực ngày 16/11; Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ ngừng cung cấp điện cho Syria nếu chính phủ nước này không ngừng các biện pháp trấn áp mạnh tay chống lại người biểu tình; Syria đưa ra lời xin lỗi trước vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Jordan ngày 14/11; Phe đối lập tại Syria tuyên bố không tiến hành đối thoại với chính phủ…là một số diễn biến mới nhất về tình hình Syria trong 24 giờ qua.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Syria (SNC) Burhan Ghalioun (giữa)
(Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, quan hệ giữa Syria và AL tiếp tục có dấu hiệu căng thẳng trong bối cảnh ngày 15/11, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố cho biết nước này sẽ không tham dự Diễn đàn Ả rập - Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 4, cũng như cuộc gặp cấp bộ trưởng của AL sẽ được tổ chức ngày hôm nay, 16/11, tại thủ đô Rabat của Maroc. Trước đó, AL dự kiến tổ chức cuộc gặp khẩn cấp cấp bộ trưởng bên lề Diễn đàn Ả rập - Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 4 tại Maroc để bàn về các biện pháp sẽ thực hiện sau khi quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria với lí do nước này không thực hiện thỏa thuận về lộ trình chấm dứt khủng hoảng.

Cùng ngày, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã lên tiếng phản đối đề nghị của Syria về việc tổ chức hội nghị cấp cao khẩn cấp khối Ả rập nhằm tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Syria. Theo Tổng Thư ký GCC Abdullatif al-Zayani, việc tổ chức cuộc họp cấp cao khối Ả rập vào thời điểm này là "vô ích". Trong khi đó, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi cho biết đã chuyển đề nghị của Syria về tổ chức hội nghị cấp cao tới các nước thành viên. Theo quy định của AL, tổ chức này sẽ tiến hành hội nghị cấp cao nếu được 2/3 số thành viên tán thành.

Bộ trưởng năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz ngày 15/11 tuyên bố, Ankara có khả năng sẽ xem xét tới phương án ngừng bán điện cho quốc gia láng giềng Syria nếu như chính phủ Syria tiếp tục sử dụng các biện pháp trấn áp mạnh tay đối với người biểu tình. Hãng thông tấn Anatolia dẫn lời ông Yildiz cho biết: “Chúng tôi hiện đang cung cấp điện cho Syria. Nếu như tình hình bạo lực tại Syria tiếp diễn thì chúng tôi sẽ buộc phải thay đổi quyết định của mình”.

Lời cảnh báo trên được ông Yildiz đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lên tiếng chỉ trích các vụ tấn công do chính quyền Damascus thực hiện, nhằm vào các cơ quan ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Theo thông tin từ phía các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ tấn công trên diễn ra ngay sau khi AL quyết định hủy bỏ tư cách thành viên của Syria tại tổ chức này.

Liên hợp quốc cùng ngày đã tỏ thái độ hoan nghênh lập trường cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ trước tình hình Syria cũng như quyết định của Ankara nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt về năng lượng đối với Syria.

Ngày 15/11, Syria đã đưa ra lời xin lỗi Jordan vì đã để xảy ra một vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán của Jordan tại thủ đô Damascus. Theo thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan Mohammad Kayed, tại một phiên họp với các đại sứ Ả rập diễn ra ở thủ đô Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Mekdad đã đưa ra lời xin lỗi về một số vụ tấn công tương tự nhằm vào các cơ quan ngoại giao của các nước Ả rập ở thủ đô Syria trong một vài ngày qua, trong đó gồm cả đại sứ quán Jordan.

Trước đó, ngày 14/11, hàng trăm người Syria đã giận giữ, tụ tập bên ngoài đại sứ quán Jordan tại thủ đô Damascus nhằm bày tỏ thái độ phản đối trước việc chính phủ Jordan đã đưa ra lời tuyên bố kêu gọi Tổng thống al-Assad từ chức. Về phần mình, ông Kayed cũng cho biết, có khoảng 100 người biểu tình Syria đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Jordan ở Damascus sau khi đức Vua Abdullah II kêu gọi ông al-Assad từ chức. Cũng theo nguồn tin trên, trong các vụ tấn công ngày 14/11, nhiều người biểu tình Syria đã đột nhập và dỡ bỏ quốc kỳ của Jordan treo trên tòa đại sứ quán.

Vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Jordan chỉ diễn ra hai ngày sau khi phe trung thành với chính phủ Syria thực hiện các vụ tấn công tương tự nhằm vào đại sứ quán các nước Qatar, Ả rập Xê út, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ ở Damascus nhằm phản đối việc các nước trên đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với Syria.

Về phần mình, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan điểm lên án mạnh mẽ trước các vụ tấn công trên, đồng thời hối thúc các nhà chức trách Syria cần nỗ lực bảo vệ tài sản và các cá nhân làm việc tại các cơ quan ngoại giao và lãnh sự nước ngoài tại Syria.

Trước nhiều sức ép từ phía cộng đồng thế giới, chính quyền Syria ngày 15/11 đã trao trả tự do cho 1.180 tù nhân bị bắt giữ mà không phạm tội giết người trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng kéo dài 8 tháng qua ở Syria. Trước đó, hồi đầu tháng 11/2011, nhân ngày lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, chính quyền Tổng thống al-Assad cũng đã trao trả tự do cho 553 người bị bắt giữ.

Trong khi đó, phe đối lập tại Syria ngày 15/11 tiếp tục tuyên bố họ sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào với chính quyền ông al-Assad và bày tỏ mong muốn rằng Liên hợp quốc sẽ triển khai nhân viên gìn giữ hòa bình tới để bảo vệ dân thường tại Syria chứ không phải đưa ra một hành động can thiệp quân sự vào quốc gia này. Phát biểu trước các phóng viên ở Moscow (Nga) ngày 15/11, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Syria (SNC) Burhan Ghalyoun nhấn mạnh, phe đối lập sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc đối thoại sơ bộ hay mang tính chất “chuẩn bị” nào đối với chính quyền Damascus. Theo lập luận của ông Ghalyoun, phe đối lập tại Syria sẽ chỉ tham gia vào các cuộc đối thoại đề cập tới việc hình thành nên một xã hội dân chủ mới. Qua đó, ông Ghalyoun kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tăng sức ép, yêu cầu ông al-Assad từ chức đồng thời khẳng định rằng “SNC vẫn đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria”.

SNC hiện là một trong những cơ quan đại diện tối cao của phe đối lập tại Syria. Được thành lập từ tháng 8/2011 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, SNC bao gồm khoảng 230 nhà chính trị đối lập sống tại Syria và nước ngoài./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=490775&co_id=30127