Một phụ nữ tử vong do ong đốt, bác sĩ chỉ cách nhận biết các loài ong và sơ cứu đúng

Mới đây, chị N.T.K.Y (sinh năm 1972, ở Tây Ninh) tử vong do sốc phản vệ vì bị ong 'mặt quỷ' đốt. Ong đốt là tai nạn có thể gặp quanh năm ở tất cả các vùng miền, đặc biệt là ở vùng nông thôn và rừng núi. Vì vậy, việc nhận biết các loại ong và sơ cứu đúng là vô cùng quan trọng.

Loài ong nào hay đốt người?

Ở Việt Nam các loài ong hay đốt người thường gặp là: Ong vò vẽ, ong bầu, ong bắp cày, ong vàng, ong mật... Nếu gặp loài ong vàng, chúng có thể tự nhiên tấn công đốt người, nên rất khó tránh.

Tai nạn do ong đốt thường là do chọc phá tổ ong và hay xảy ra vào mùa hè, nhất là ở trẻ nhỏ. Biến chứng nguy hiểm có thể gây ra là sốc phản vệ. Riêng ở ong vò vẽ có thể gây suy thận cấp, huyết tán, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân.

Việc xác định loài ong nào đốt có thể được xác định do người nhà mang con ong đến, hay thông qua việc miêu tả về đặc điểm và hình dạng con ong. Ngoài ra, cần xác định thêm về thời điểm ong đốt và tiền sử dị ứng của bệnh nhân.

Ong là loài động vật không xương sống, thuộc ngành chân đốt (Arthropoda), bộ cánh màng (Hymenoptera) bao gồm 2 họ chính là Vespidae (họ ong vò vẽ) và Apidae (họ ong mật).

Sau đây là một vài thông tin về các loại ong.

-Vespidae (lông trơn): Gồm ong vò vẽ, ong đất, ong vàng. Ngòi nọc trơn không ngạnh, có thể đốt nhiều lần.

Ong vò vẽ.

Ong vò vẽ có tên khoa học là Vespa Affinis, thân dài và bụng thon, có khoang đen xen kẽ màu vàng. Đầu rộng bằng ngực, không nhẵn, có nhiều nốt rỗ lấm chấm nhỏ, lông tơ cứng, ngắn và thưa.

Ong vò vẽ thường làm tổ nơi lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Tổ ong gồm nhiều lớp, như một trái banh, bề mặt nhăn nhúm nên dân gian thường gọi là ong mặt quỷ. Ong vò vẽ là loài ăn côn trùng và ấu trùng nhện. Chỉ ong thợ mới đốt người và động vật để tự vệ khi tổ ong bị phá hoặc bị đe dọa. Ong vò vẽ bị thu hút khi người mặc quần áo sặc sỡ, xịt nước hoa, hay bỏ chạy sau khi chọc phá tổ ong.

Tổ ong vò vẽ.

Ong đất tên khoa học là Vespa Nigrithorax, còn gọi là ong bắp cày, thân màu đen chấm vàng, cuối bụng màu nâu, đầu và ngực có nhiều lông tơ màu nâu vàng. Râu màu nâu nhạt, nhẵn, không có lông. Thường làm tổ ở bụi cây, sát mặt đất trong đống cây mục.

Ong đất hay ong bắp cày.

– Ong vàng: Mình thon nhỏ, thân dài, vàng toàn thân, làm tổ trên cây hoặc dưới mái nhà tranh.

Ong vàng.

Apidae (lông xù): Gồm ong mật (honey bees), ong nghệ (bumble bees) và ong bầu. Ngòi nọc có ngạnh, sau khi cắm vào da vật bị đốt, ngòi nọc không rút ra được và ong sẽ bị chết, mỗi ong mật chỉ đốt 1 lần.

– Ong mật (honey bees): Đầu lưng có lông xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen.

Ong mật.

– Ong nghệ (bumble bees): Đầu lưng có lông xù, vùng cổ và lưng trên có màu vàng nghệ, cánh cũng có màu vàng nghệ.

Ong nghệ.

– Ong bầu: To tròn, có lông, bay chậm và phát ra tiếng ồn ầm ĩ.

Ong bầu.

Cần phải làm gì khi bị ong đốt?

Tai nạn do ong đốt rất nguy hiểm cho con người và súc vật, do các độc tố có trong nọc ong như: Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonin, Acetylcholine, Acid Phosphatase, Apamin… sẽ làm tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp…

Do đó, khi bị ong tấn công, người bị nạn phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua, vì càng xua ong sẽ càng tấn công.

Nếu bị ong đốt, hãy lấy vòi chích ra nếu có, bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay, vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị chích bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên chỗ bị ong đốt để giảm đau và giảm sưng, đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế nếu:

Nổi mề đay.
Than mệt, chân tay lạnh.
Tiểu đỏ, tiểu ít.
Bị ong vò vẽ đốt >10 nốt.

Để đề phòng ong đốt bằng cách tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn ở miền quê, trong rừng. Tránh leo trèo hái hoa quả, vì có thể bị tai nạn do té ngã và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong. Kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.

Theo thông tin được biết, chị N.T.K.Y (sinh năm 1972, ở thị trấn huyện Dương Minh Châu - Tây Ninh) cầm dao ra phạt nhánh cây xoài ở phía sau nhà, không ngờ phía trên cây xoài có một tổ ong "mặt quỷ" khá lớn. Bị động tổ, bầy ong lập tức tấn công, chị chạy vội vào nhà ẩn nấp rồi bất tỉnh.

Chị N.T.K.Y được bà con hàng xóm đưa đến Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, sau đó được chuyển nhanh đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, chị N.T.K.Y bị ong "mặt quỷ" đốt gần 200 nốt đốt, tình hình sức khỏe tiên lượng rất xấu. Ngay lập tức, bệnh viện đa khoa tỉnh hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và tiến hành điều trị bằng phương pháp dùng thuốc vận mạch, chống sốc điều trị theo phác đồ, đồng thời giảm đau, truyền dịch cho người bệnh, ngăn biến chứng nặng hơn.

Đến sáng ngày 18/8/2023, bệnh viện đa khoa tỉnh chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để tiếp tục cấp cứu, nhưng chị N.T.K.Y đã không qua khỏi.

Tham khảo thêm

Xử trí nhanh khi bị ong đốt

Mời độc giả xem thêm video:

Ong Tấn Công, Người Đàn Ông Nguy Kịch Suýt Chết I SKĐS

TS.BS Lê Xuân Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-phu-nu-tu-vong-do-ong-dot-bac-si-chi-cach-nhan-biet-cac-loai-ong-va-so-cuu-dung-169230819102503226.htm