Một nhật ký lạ lùng về nông dân

Vào lúc 18h hôm 14/10 tại phòng tranh Quỳnh (65 Đề Thám, TP.HCM) triển lãm Nhật ký người nông dân đã khai mạc, được giới chuyên môn đánh giá là có cách nhìn lạ lùng và khác biệt về người nông dân. Giải thích cái tên triển lãm, Phan Quang nói: “Tôi rất thích cái tên này, nó bao hàm nhiều ý nghĩa, một trong những ý nghĩa nổi bật đó chính là nhật ký của bản thân tôi, một người nông dân với những ảnh hưởng của cuộc sống thành thị”.

Khác biệt về ý niệm Giới nhiếp ảnh Việt Nam thường quan niệm nhiếp ảnh là cuộc chơi của ánh sáng và khoảnh khắc, dùng ánh sáng để nắm bắt khoảnh khắc. Phan Quang, đang là một nhiếp ảnh gia phòng chụp và báo chí, dường như không muốn dừng lại ở quan niệm đó, mà là dùng sự bài trí, dùng kỹ xảo hình ảnh để kể câu chuyện của mình. Xét ở góc độ đi tìm khoảnh khắc đẹp thì Phan Quang không có nhiều cơ may và tính “nghệ sĩ”, nhưng xét ở góc độ sắp đặt, xem nhiếp ảnh là một quá trình tạo tác được tính toán và cân nhắc kĩ lưỡng, anh là tay máy chuyên nghiệp, kì công. Tác phẩm Hàng loạt Có thể nói Nhật ký người nông dân là một triển lãm hiếm hoi ở Việt Nam dùng tới phong cách nhiếp ảnh ý niệm (concept photography). Về thao tác, nó có thể giống với hình dịch vụ, khi khách hàng có một ý tưởng, người thực hiện biến ý tưởng đó thành ảnh chụp. Về tư duy, thì nghệ sĩ có một ý niệm, càng rõ ràng càng tốt, sau đó vận dụng các khả năng có được để thực hiện nó. Tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm ít khi phụ thuộc vào chuyện ăn may của khoảnh khắc, mà là một cuộc triển khai đầy tuyến tính. Chính ý niệm đã làm cho vài tác phẩ trở nên lạnh lùng, khô khốc... không lãng mạn, thơ mộng như “ảnh nghệ thuật” thường thấy ở Việt Nam lâu nay. Có những bức đầy hư cấu và phi lý, nhằm tạo ra những bố cục có thể trả lời cho sự thật mà tác giả đang tìm kiếm. Tác phẩm Công cụ Tiết lộ ý tưởng về nhật ký nông dân, Phan Quang cho biết: “Tôi muốn nói là chúng ta có thể đem theo nông thôn vào thành phố hoặc ngược lại. Nhưng hiện tại thì dân số sống ở nông thôn đang giảm dần, bởi vì rất nhiều nông dân hoặc con cháu của họ rời bỏ mảnh đất quê hương để vào thành phố”. Phan Quang sinh năm 1976 tại Bình Đình, hiện sống tại Sài Gòn, là nhiếp ảnh gia và phóng viên ảnh. Anh đã thực hiện 2 triển lãm cá nhân và một số triển lãm chung. Dịch chuyển nông thôn và thành thị. Toàn bộ các bức ảnh kỹ thuật số, sắp đặt, video và cả những trang nhật ký trong triển lãm đều thể hiện ý niệm về những va chạm, thách thức, khó khăn và cả khát vọng nơi người nông dân Việt Nam. Họ không chỉ cần cù, chất phác, mà còn bày tỏ các thái độ của mình trước thời cuộc. Về mặt cảm hứng, khi nhìn những người nông dân tách mình ra khỏi đồng ruộng để nhìn ruộng đồng và nhìn lại công việc đã trở thành tiền kiếp, người xem tự nhiên nhớ về các tác phẩm múa của Thủy Ea Sola trước đây, khi người nông dân cũng đứng ra ngoài như thế. “Chân dung về những người nông dân của Phan Quang không phải là thứ mà người xem thường thấy. Chúng không có cái nhìn bao quát kiểu tạp chí National Geographic (Địa lí quốc gia), với những cảnh tượng về màu sắc và nghi lễ hương xa. Ở góc độ nào đó, những hình tượng này là những chân dung tự họa của chính nghệ sĩ và của Việt Nam, được chụp theo góc nhìn của một người vừa ở trong cuộc lẫn ngoài cuộc; anh trở thành một người chuyển dịch về chủ thể nông thôn và thành thị Việt Nam. Bởi Quang xem đồng quê như của chính anh, có một sự thân quen và trực cảm trong các bố cục. Tuy vậy, con mắt phê phán của Quang không tán dương và ôm lấy mọi thứ của đồng quê. Đối với người nghệ sĩ này, những không gian nông thôn và thành thị đang trải qua những đổi thay về vật chất và tinh thần lớn lao”, nghệ sĩ Việt Lê nhận định về triển lãm. Người xem thì nhìn thấy ở đây những câu chuyện buồn, những khắc khoải và có vẻ như tuyệt vọng, vì phố thị mở rộng nhanh, ruộng đồng liên tục bị thu hẹp. Cũng như lời kết của Việt Lê trong tiểu luận Quê lúa: Nghệ thuật về nơi chốn của Phan Quang: “Ở giữa tính truyền thống và hiện đại, ở giữa thành thị và nông thôn, bao nhiêu là mâu thuẫn còn đó. Làm sao người ta có thể sống cả đời mình để tìm ra lối về quê? Trung gian và chuyển tiếp giữa thành thị và nông thôn, bao thứ bị lạc lõng, và đánh mất trong sự chuyển dịch”. Thế nhưng, như một hiệu ứng song hành, khi mà các nỗi buồn được bày tỏ, thì các khát vọng và ước mơ cũng bắt đầu được nhen nhóm. Văn Bảy

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20101016063143999t133/mot-nhat-ky-la-lung-ve-nong-dan.htm