Một nhân viên bảo vệ bắt cướp bị đâm thủng ngực đang cần được chia sẻ

Chỉ có một giây để anh quyết định buông tay giữ an toàn cho bản thân hay nhận cú đâm chí mạng nhưng bắt giữ được tên cướp cạn. Không suy tính, anh đã chọn phần nguy hiểm cho tính mạng mình để kẻ xấu bị trừng trị. Một giây quyết định của anh đáng để nhiều người suy nghĩ cả đời.

Lúc 17h ngày 18/3/2012, nhân viên bảo vệ Đỗ Kim Khôi (32 tuổi) thuộc Công ty Bảo vệ Kim Cương Xanh cùng đồng nghiệp Phạm Minh Mẫn đi tuần tra bằng xe gắn máy tại khu vực dân cư Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, quận 7, Tp HCM. Khi vào một đoạn đường nội bộ, hai anh nghe thấy 2 phụ nữ đi xe gắn máy tri hô "cướp!". Cùng lúc đó, một chiếc xe gắn máy chở 2 gã thanh niên gầm rú chạy vụt qua. Nhận định đó là thủ phạm tạo ra vụ cướp giật, hai anh nhanh chóng dùng bộ đàm thông báo cho các đồng nghiệp khác triển khai đội hình khóa đầu chặn đuôi rồi tăng ga phóng đuổi theo.

Nhờ quen thuộc địa bàn, anh Phạm Minh Mẫn chạy lên vòng qua lối khác đón đầu, còn anh Đỗ Kim Khôi tiếp tục bám đuổi đối tượng. Chỉ sau vài phút, xe của 2 đối tượng tình nghi đã lọt vào chốt chặn của anh Phạm Minh Mẫn. Bằng một động tác thuần thục, anh Mẫn dùng xe của mình làm vật cản khiến 2 đối tượng tình nghi té ngã. Không chậm trễ, từ vị trí bám đuổi, anh Khôi bỏ xe lao đến dùng võ thuật khống chế ngay đối tượng cầm lái giao cho anh Mẫn rồi tiếp tục không chế đối tượng còn lại.

Khi anh Khôi vừa vật đối tượng này xuống đất thì phát hiện hắn rút từ trong người ra con dao nhọn. Nếu anh tránh mũi dao, đối tượng tình nghi sẽ tận dụng khoảng thời gian đó chạy thoát thân. Trong một tích tắc, anh quyết định tiếp tục vật hắn xuống đất. Mũi dao của kẻ thủ ác đâm ngập cán vào ngực phải anh. Đổi lại, anh Khôi đủ thời gian dùng dùi cui đánh một cú mạnh vào ống chân đối tượng. Cú đâm chí mạng khiến anh Khôi choáng váng buông tay nhưng đối tượng tình nghi cũng không thể đào thoát bằng đôi chân khập khiễng.

Anh Đỗ Kim Khôi và vợ tại bệnh viện Nhân Dân 115.

Nhờ khoảnh khắc dũng cảm của anh Khôi, các nhân viên bảo vệ khác và quần chúng tốt kịp tiếp cận bắt giữ đối tượng tình nghi. Do bị đâm thủng màng phổi, mất máu nhiều, anh Khôi ngất lịm. Hai đối tượng tình nghi được chuyển đến Công an quận 7 tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Anh Khôi được nhân dân và đồng đội đưa đến bệnh viện sơ cứu rồi chuyển về Bệnh viện nhân dân 115. Nhờ được mổ cấp cứu kịp thời, anh Khôi thoát chết.

Một số người có thể sẽ nhận định rằng, đó là chuyện sinh nghề tử nghiệp. Tuy nhiên, nếu lắng nghe tình cảnh riêng của anh Khôi, nhận định đó rơi vào thương cảm.

Anh Khôi là người con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Khi đến tuổi trưởng thành, anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 2 năm tôi luyện trong môi trường quân đội, anh xuất ngũ trở về quê nhà ở ấp 6, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Do quê nghèo thiếu việc làm, anh lên TP HCM xin vào làm công nhân cho một công ty có vốn nước ngoài chuyên sản xuất tượng thạch cao ở khu công nghiệp Tân Thuận. Tại đây, anh quen và yêu cô công nhân cùng quê Bến Tre. Sau đó hai người dắt nhau về quê làm đám cưới. Hai vợ chồng anh được cha mẹ cho ra riêng với một công đất trồng dừa.

Để đủ sống, anh phải đi làm phụ hồ. Cái nghề xây dựng miệt vườn không ổn định, 1 tháng có việc làm, 3 tháng nghỉ khiến vợ chồng anh phải tính chi li từng đồng cho bữa cơm hàng ngày. Cuộc sống của anh chị vốn đã chật vật càng thêm khó khăn khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Cuộc đời luôn tồn tại những nghịch lý hai chiều. Cái hạnh phúc được làm cha, mẹ đã đẩy anh chị vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Tháng 8/2011, không chịu được cảnh khó khăn, anh quyết định một mình khăn gói trở lên Sài Gòn xin vào làm nhân viên bảo vệ cho Công ty Bảo vệ Kim Cương Xanh với mức thu nhập 3,8 triệu đồng/tháng. Con số đó vừa đủ để vợ con anh trang trải cuộc sống hàng ngày. Năm sau, đứa con lớn của anh chị đến tuổi vào lớp một nên anh chị phải cắt giảm chi tiêu từ bây giờ, chắt chiu chút tiền còm để chuẩn bị cặp, vở cho con. Ngôi nhà của anh chị lợp bằng lá dừa nước đã mục nát nhưng chưa có tiền thay lá mới. Tháng trước, công ty hỗ trợ anh một mớ bạt nylon phủ tạm lên mái lá mục để chống dột mùa mưa sắp tới.

Chị còn mơ năm sau có dư chút đỉnh vốn nuôi heo nái cải thiện từng bước kinh tế gia đình. Thế nhưng, công việc chỉ mới ổn định được hơn 6 tháng thì anh gặp nạn. Do chỉ tham gia bảo hiểm y tế chứ không tham gia bảo hiểm tai nạn nên anh phải tự chi trả viện phí. Đồng nghiệp của anh quyên góp cho anh mượn được hơn 5 triệu đồng để trả chi phí cấp cứu.

Ngày 20/3, đại diện UBND phường Phú Mỹ cùng công an địa phương đã đến tận giường bệnh thăm hỏi, động viên, trao giấy khen và tặng anh 3 triệu đồng. Anh rất cảm động trước nghĩa cử của chính quyền địa phương. Số tiền đó là nguồn động viện thiết yếu đối với anh nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với khoản viện phí có thể vượt con số 10 triệu đồng khi anh hoàn toàn bình phục, xuất viện.

Ngồi cạnh giường bệnh của anh, chị Đoàn Thị Hồng - vợ anh - với dáng vẻ yếu đuối, hiền hậu cho biết: "Nghe tin ảnh bị đâm, em lo sợ lắm nhưng ngày hôm sau mới đến bệnh viện được. Em phải gửi 2 đứa cho bà nội rồi mượn mỗi nơi một ít mới có tiền xe đi thăm ảnh".

Nếu trong khoảnh khắc đối diện nguy hiểm, anh chọn phần an toàn cho mình thì bây giờ vợ chồng anh không phải đối diện với những khó khăn. Nếu tất cả mọi người đều như thế thì cái ác có dịp hoành hành. Và anh đã chọn phương án nguy hiểm cho mình để giảm bớt nguy nan cho xã hội. Sự dũng cảm của anh đáng để nhiều người suy nghĩ

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2012/4/77767.cand