Một nhà giáo, nhạc sỹ với 79 ca khúc về Bác Hồ

Nhà giáo Ưu tú, nhạc sĩ Vũ Văn Viết – nguyên Trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Thọ, Chi hội Trưởng Chi hội Âm nhạc - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ quê ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

(baophutho.vn) - Nhà giáo Ưu tú, nhạc sĩ Vũ Văn Viết – nguyên Trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Phú Thọ, Chi hội Trưởng Chi hội Âm nhạc - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ quê ở xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương tỉnh Phú Thọ- “cái nôi” đã đào tạo nên nhiều lứa học sinh “vừa hồng, vừa chuyên” cho đất nước. Năm 2005, sau khi nghỉ chế độ, vợ chồng nhà giáo Vũ Văn Viết – Cù Thị Kim Hợp đã lập trường tư thục mang tên Trường Trung học phổ thông Vũ Thê Lang. Với những kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy, nhà trường cũng đã giành được nhiều thành tựu đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của quê hương Đất Tổ.

Không chỉ là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục giỏi, ông Vũ Văn Viết còn say mê âm nhạc. Ngay từ khi còn là sinh viên, rồi những năm tháng dạy học, ông đã đam mê với từng nốt nhạc. Hơn chục năm trở lại đây, bằng tất cả niềm đam mê của mình, ông tự học nhạc lý, rồi tập sáng tác ca khúc và cho ra đời những tác phẩm âm nhạc đầu tay được công chúng và người yêu âm nhạc mến mộ, được các nhạc sĩ chuyên nghiệp đánh giá cao. Ông đã được kết nạp hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ và Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Phú Thọ vùng đất địa linh nhân kiệt - cội nguồn của dân tộc Việt Nam nhiều lần được đón Bác Hồ luôn là niềm cảm hứng sáng tác của VNS nói chung. Khai thác từ điểm mạnh này, nhạc sĩ Vũ Văn Viết đã mượn nhạc mà thổi hồn cho khá nhiều bài thơ viết về Bác ở Đền Hùng. Đây cũng là sự sáng tạo của ông. Có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu như: “Ảnh Bác ở Đền Hùng”, “Ăn cơm nắm với Bác Hồ ở Đền Hùng”, “Bữa trưa ăn cùng Bác ở Đền Hùng”; “Giấc trưa của Bác ở Đền Hùng”… Ca khúc “Ảnh Bác ở Đền Hùng” được nhạc sĩ Vũ Văn Viết phỏng theo lời thơ của Kim Dũng đoạt giải Xuất sắc của Ban Tuyên giáo Trung ương về cuộc vận động sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sau này thường xuyên được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam; sau đó ông có thêm tác phẩm “Dấu chân Người lội suối chiều mưa” cũng đoạt giải xuất sắc của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Cuộc vận động sáng tác quảng bá văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh”. Tập hợp các sáng tác của mình đến thời điểm này, nhà giáo- nhạc sỹ Vũ Văn Viết có một khối lượng tác phẩm đồ sộ với gần 2000 ca khúc. Trong đó được in đĩa CD, VCD 10 tuyển tập, còn lại là hàng trăm ca khúc đơn lẻ in chung với các nhạc sĩ.

Nhân dịp kỷ niệm 129 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh nhạc sỹ Vũ Văn Viết cho ra đời tập sách nhạc với tên gọi “79 khúc ca dâng Người”. Đây là những tác phẩm được tuyển chọn từ hàng trăm ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu. Tập sách với các ca khúc góp thêm tiếng nói, tiếng lòng và tình cảm thiêng liêng của văn nghệ sỹ với Bác kính yêu. Tập sách nhạc “79 khúc ca dâng Người” đã vinh dự được Liên minh kỷ lục thế giới - Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập và ông được công nhận là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất Việt Nam.

Mở đầu tập ca khúc, tác giả Vũ Văn Viết gửi tới khán giả một số bài hát được phổ nhạc trên nền thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đó là những bài được in trong tập “Nhật ký trong tù” nổi tiếng của Người như: Mới ra tù tập leo núi (Tân xuất ngục học đăng sơn), rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu), Ngắm trăng (Vọng nguyệt), Trời hửng (Tình thiên)... một lần nữa để khẳng định chân dung người cộng sản kiên trung, kiên quyết giữ vững ưu thế chính trị, tư tưởng và đạo đức cách mạng của mình trong cảnh lao tù. Không chỉ vậy, mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vào bất kỳ lúc nào... Hồ Chí Minh cũng toát lên phong cách ung dung thư thái của một triết nhân, tinh thần tự tại, lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng: “Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi…/ Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ/ Cây cao chim hót rộn cành tươi/ Người cùng vạn vật đều phơi phới/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời” (Trời hửng).

Trong tập ca khúc, nhạc sĩ Vũ Văn Viết cũng dành phổ nhạc khá nhiều bài thơ của các nhà thơ như Kim Dũng, Phan Chúc... để khắc họa chân dung vĩ đại mà giản dị, gần gũi của vị lãnh tụ dân tộc. Từ ánh mắt, nụ cười, hành động, cử chỉ nhỏ hay đến những vật dụng Bác sử dụng hàng ngày… đều toát lên sự mộc mạc, chân chất của người con xứ Nghệ.

Những nhạc phẩm với tiết tấu vừa phải, ca từ mộc mạc đã khắc họa chân dung con người bình dị, bao dung nhưng chứa đựng trong đó là sự hy sinh lớn lao, thầm lặng, ý chí quyết tâm giành lại độc lập dân tộc, mang đến cuộc sống ấm no cho nhân dân của Bác: Bác vĩ đại mà vô cùng giản dị/ Bác cao siêu mà rất đỗi thân gần/ Người quên cả tiền tài danh vị/ Suốt cuộc đời vì Tổ quốc nhân dân… (Bác giữa đời thường)…

Theo nhạc sĩ Vũ Văn Viết thì chủ đề sáng tác về Bác với mọi người có thể là rất khó song với ông thì luôn dâng trào cảm xúc. Đây chính là yếu tố mang lại thành công khi thổi hồn âm nhạc vào các bài thơ. Có ca khúc ông phải ấp ủ trong thời gian dài song có ca khúc chỉ hoàn thành trong thời gian rất ngắn mà lại đạt được yêu cầu rất cao về nghệ thuật được người nghe đón nhận. Trong các ca khúc mà ông cảm thấy hài lòng là tác phẩm “Tháng Năm con về thăm quê Bác”. Cả phần lời và nhạc ông sáng tác rất nhanh, rất nóng song lại biểu đạt được tình cảm sâu lắng, khắc họa được nét thanh cao song cũng hết sức đời thường của Bác Hồ thời niên thiếu cũng như về sau, khi Bác trở thành vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở tập sách với 79 ca khúc sáng tác về Bác Hồ, nhạc sỹ Vũ Văn Viết vẫn đang ấp ủ những sáng tác về Bác, dâng lên Bác những ca khúc mới với cả tấm lòng kính yêu.

Thăng Long

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202111/mot-nha-giao-nhac-sy-voi-79-ca-khuc-ve-bac-ho-181137