Một người đi bộ

Một vị sư đi bộ bỗng thành 'sự lạ' đang khiến mạng xã hội dậy sóng với đủ thứ cung bậc. 'Lạ', vì cảnh một nhà sư áo vá, đầu trần chân đất, khất thực cho gì ăn nấy, ngày chỉ một bữa, không nhận tiền cúng dường, tối ngủ ở gốc cây, nghĩa địa, nhà hoang, gặp ai cũng khiêm kính tự xưng là 'con'…

“Lạ”, bởi sự liên tưởng với cảnh khắp nơi chùa to chuông lớn với ngồn ngộn tiền bạc cúng dường bây giờ? Nên mới có cảnh đám đông rồng rắn, xô đẩy để được chụp ảnh, quay clip check-in với thầy. Và dấy lên hai thái cực, là tung hô thái quá, và gièm pha, bỉ bôi.

Frédéric Gros, triết gia đương đại nổi tiếng người Pháp cho rằng một người đi bộ sẽ bỏ lại toàn bộ danh tính, địa vị, sự cám dỗ, thậm chí không còn là một cá nhân mà là một cơ thể, chỉ với đôi chân và đôi mắt mở to là đủ. Để cơ thể ấy có thể cảm nhận được những viên đá nhọn trên lối đi, sự vuốt ve của cỏ dại và sự trong lành của gió… Hành trang và tâm thế ấy mang vẻ đẹp thật nguyên thủy, như những bước chân của Phật tổ Thích Ca ngày bước ra khỏi hoàng cung khởi đi con đường giác ngộ, cách nay đã hơn 2.500 năm. Để giờ đây có thêm một tiểu đệ tử tiếp nối, với phép tu hạnh đầu đà khổ hạnh mà minh triết.

Hạnh đầu đà tất nhiên chỉ là một trong 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu của Phật giáo. Nhưng khổ hạnh ngày càng quá hiếm hoi để trở thành lựa chọn của con người thời đại này, kể cả các bậc chân tu? Hai chữ “khổ hạnh” ở đây được hiểu rộng ra theo nghĩa vị tha, cởi bỏ sân si, tham lam dục lạc... Từ mỗi cá nhân, mỗi đám đông, mỗi quốc gia cho đến cả nhân loại. Như những gì đang thấy từng ngày với chiến tranh, xung đột, giành giật, cướp bóc, tàn hại nhau một cách khốc liệt, vì danh và lợi.

Được biết vị sư trước khi xuất gia đã từng học đại học, đi bộ đội, làm công chức nhà nước. Và đôi chân khổ hạnh ấy đã đi qua 4 vòng đất nước. Đây là một lựa chọn, một hạnh nguyện hoàn toàn cá nhân, không cần lấy đó làm khuôn mẫu hay chê bai, phản đối. Nhưng giữa thời đại “quá nhanh, quá nguy hiểm” này, hành trạng này gợi nhiều điều đáng nghĩ. Về biểu tượng kinh điển là đôi chân, với hoạt động lưu thông đầu tiên của loài người với tư cách con người, là đi bộ. Khi con người đã không còn “bò”, mà đi, với tư thế thẳng lưng, ngẩng đầu.

Trở lại với cái sự “lạ” của vị tu hành khiến thiên hạ tò mò, đổ xô vào săm soi, nhớ tới thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi người cho rằng đừng tưởng bước đi được trong không khí, trên mặt nước mới là phép lạ. Phép lạ thực sự của mỗi con người, đó là hằng ngày bước đi trên trái đất. Để đến với nhau một cách chân thành. Để nhìn thật gần gụi, chậm rãi đời sống xung quanh mình. Trời xanh, mây trắng, lá xanh, màu đen từ đôi mắt tò mò của một đứa trẻ,… mở đầu cho những phép lạ khác.

TRÍ QUÂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-nguoi-di-bo-post1636368.tpo