Một nghệ sĩ thành công trong các vai diễn Bác Hồ

Nhắc tới Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi là nhắc tới những vai diễn của anh về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Suốt chặng đường nghệ thuật hơn 30 năm, anh đã từng vào nhiều vai Bác Hồ ở các giai đoạn khác nhau và đều được thừa nhận là nghệ sĩ vào vai diễn lãnh tụ thành công không chỉ về dáng vóc, khuôn mặt sau khi hóa trang mà còn với đầy đủ thần thái cũng như phong cách của Người nhờ vào sự nghiên cứu vai diễn và tập luyện đầy nghiêm cẩn.

NSƯT Tiến Hợi vai Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Có lẽ, trong đời mỗi nghệ sĩ đều có những khoảnh khắc, những thời điểm đáng nhớ, để từ đó, bước đường nghệ thuật được ấn định. Với Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi, đó là năm 1987, anh ở Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2. Thời điểm đó, đơn vị dựng vở Đêm trắng của tác giả Lưu Quang Hà với hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm khi đưa ra quyết định khó khăn trong vụ án xử một sĩ quan cao cấp của quân đội tha hóa, biến chất, biển thủ công quỹ với hình phạt cao nhất trong bối cảnh quân và dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ.

Vì đặc thù đi lưu diễn cho các đơn vị bộ đội, cho nên sẽ có nhiều khó khăn nếu mời diễn viên bên ngoài vào vai. Cái khó ló cái khôn, lãnh đạo đoàn tìm ngay diễn viên nhà. Tiến Hợi lúc đó mới 28 tuổi cùng một người khác được đề cử. Nhà hóa trang nổi tiếng Nhữ Đình Nguyên đã nhận xét, “Tiến Hợi giống lắm, thuận lợi từ mắt, dáng, chiều cao. Điều kiện như thế này để Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ là quá hợp lý”. Thế là lãnh đạo giao ngay nhiệm vụ và động viên anh cố gắng vào vai cho tốt.

Sau này nhớ lại, Tiến Hợi cho biết tâm trạng khi đó rất lo lắng vì Bác Hồ là nhân vật của trung tâm vở diễn, xuất hiện từ đầu đến cuối với nhiều tâm trạng và lời thoại. Điều quan trọng đây cũng là vở kịch đầu tiên về đề tài chống tiêu cực, xử lý các cán bộ biến chất đang được công chúng quan tâm. Trong kịch bản có những phân đoạn khó với nghệ sĩ, vừa thể hiện được sự kiên quyết và lòng nhân từ, khoan dung của lãnh tụ. Nhưng là chiến sĩ-nghệ sĩ, anh không thể lùi bước trước nhiệm vụ được giao, cho nên khi nhận nhiệm vụ, Tiến Hợi đã đề nghị cấp trên cho xem các bộ phim tư liệu về Bác Hồ, nghe đi nghe lại những bài phát biểu của Người để luyện theo giọng nói, học theo phong cách và dáng đi, cách làm việc của Bác Hồ. Không phụ sự trông đợi của mọi người, đêm tổng duyệt, có những người từng gần gũi, sống và gắn bó với Người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Vũ Kỳ là thư ký của Bác... đều tán đồng, khen ngợi vai diễn của anh. Vốn là người bị cho là khó tính, song đồng chí Vũ Kỳ đã gặp và khen ngợi anh đã thể hiện được rõ nét tính cách, thần thái của Bác Hồ trong vai diễn đó.

Từ thành công của vở diễn, Tiến Hợi đã được các đạo diễn tin tưởng giao nhiều vai diễn Bác Hồ trong các vở diễn và phim ảnh. Về với Nhà hát Kịch Hà Nội sau khi Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 giải thể, anh tham gia rất nhiều vai diễn trong các giai đoạn khác nhau về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên sân khấu, vai diễn Bác Hồ trong Xin lĩnh án tử hình đã giúp anh giành được Huy chương vàng danh giá vào năm 1992. Ở lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật có nhiều khác biệt với diễn xuất trên sân khấu, anh cũng đã cố gắng khắc phục khó khăn để vào vai với tâm thế cống hiến tốt nhất. Năm 1989, anh được mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn ở thời tuổi trẻ của Bác Hồ, trong khi anh đã 30 tuổi.

Lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh, quen với cách diễn theo kiểu sân khấu kịch, trong khi điện ảnh đòi hỏi phải đời thường, dung dị, gần gũi… lại khiến anh lao tâm khổ tứ để dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn về Bác Hồ giai đoạn sống ở Huế, cũng như cảm giác khi vào vai trên phim trường. Thành công của anh đã được giới điện ảnh ghi nhận, để rồi tiếp tục vào vai Bác ở phim Hà Nội mùa đông năm 46 dưới sự chỉ đạo khắt khe của đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh. Thống kê chưa đầy đủ, Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi đã hơn 40 lần vào vai Bác Hồ ở trên sân khấu và điện ảnh, chưa kể rất nhiều những vai Bác Hồ do Tiến Hợi đảm nhận ở những trường đoạn ngắn trong các vở diễn, bộ phim và hàng trăm tiểu phẩm cũng như những lần vào vai Bác Hồ tại các sự kiện lễ hội lớn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước và những lần anh lồng tiếng Bác Hồ cho các tác phẩm sân khấu truyền thanh.

Đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi thường tự nhủ lòng, phải làm sao gìn giữ hình ảnh cá nhân, không thể gây phản cảm cho khán giả trong cuộc sống đời thường. Vì thế, anh giữ lối sống trong sáng, tâm tư cũng cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực, chính trực. Người giúp anh hóa trang vào vai chính là nghệ sĩ Vương Đạm Thủy, người bạn đời và cũng là đồng nghiệp của anh. Do không thể luôn mời nhà hóa trang nổi tiếng Nhữ Nguyên, cho nên đoàn kịch của Tiến Hợi đã cử người theo ông học hóa trang cho diễn viên vào vai Bác Hồ và cơ duyên giúp chị Đạm Thủy học rất nhanh, để rồi quá trình làm việc, họ dần hiểu biết, đồng cảm rồi đến với nhau, đồng hành suốt chặng đường dài mấy chục năm qua.

Những đường nét mà chị trân trọng tô vẽ, chỉnh trang ngày một hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn đã giúp anh thêm thuận lợi đạt được hình ảnh Bác Hồ chân thật nhất. Cũng chính nghệ sĩ Đạm Thủy là người đã ở bên Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi trong giây phút anh đi về miền mây trắng. Hiền lành, chân chất, giản dị trong đời thường, nhưng với chị, anh rất nghiêm túc, cẩn thận trong từng vai diễn, từng thời khắc cống hiến cho nghệ thuật. Không chỉ đóng đinh trên sân khấu và điện ảnh với vai diễn về Bác Hồ, Tiến Hợi còn thành công ở nhiều vai diễn khác, nhưng với tâm thức chung, người ta luôn nghĩ đến anh trong các vai diễn về Bác Hồ-lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận “Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất”.

Tiễn đưa anh về thế giới người hiền, xin dành nén tâm nhang cho một nghệ sĩ nghiêm túc, chân thành với từng vai diễn, nhất là những vai diễn về Bác Hồ ở nhiều thể loại khác nhau của thế giới nghệ thuật.

Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Nghệ sĩ đã tham gia và thành công ở các vở diễn: Xin lĩnh án tử hình; Vùng lạnh; Chùm hài Oái oăm Đời!; Sám hối; Vòng đời; Vị thánh trong mơ; Những người con Hà Nội… Các tác phẩm truyền hình, điện ảnh có sự đóng góp của anh có thể kể đến: Hẹn gặp lại Sài Gòn; Hà Nội mùa đông năm 46; Hoa ban trắng; Hoa ban đỏ; Dãy bàn 4 người; Cảnh sát hình sự; Người phán xử; Bi kịch chưa đặt tên… Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi từng nhận Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh vở Xin lĩnh án tử hình; Huy chương bạc vở Vùng lạnh tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 2018.

Tang lễ Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi được tổ chức vào 17 giờ ngày 11/2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

CAO NGỌC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vanhoa/mot-nghe-si-thanh-cong-trong-cac-vai-dien-bac-ho--685313/