Một ngày tảo mộ dịp Tết Thanh minh của gia đình 3 thế hệ

Thanh minh tuy không phải là Tết lớn trong năm nhưng gắn liền với truyền thống quý báu của người dân Việt, đó là tưởng nhớ công lao của những người đi trước.

Tết Thanh minh hay tảo mộ từ lâu đã trở thành một tục lệ quen thuộc của người dân Việt dịp đầu năm. Với gia đình ông Nguyễn Hữu Thìn và bà Phạm Thị Điền, Tết Thanh minh không chỉ tảo mộ mà còn là dịp đoàn viên, sum họp của cả đại gia đình 3 thế hệ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Ngay từ sớm, gia đình ông Thìn đã chuẩn bị đồ lễ để lên thăm phần mộ của song thân phụ mẫu trên Phú Thọ. Ông Thìn cho biết gia đình đông anh em nhưng phân tán nhiều nơi như Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Phan Thiết vì thế đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Là anh trưởng trong đại gia đình, ông Thìn luôn đau đáu mong muốn đưa các cụ về nơi mà con cháu thuận lợi nhất để chăm sóc mộ phần. Chính vì vậy ông đã chọn Phú Thọ vì đây là nơi quê cha đất tổ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

'Những ngày này không chỉ dừng lại ở lễ nghi nhớ về tổ tiên mà còn là ngày tề tựu con cháu, gặp gỡ thêm tình thân, nhắc nhở giáo dục thế hệ trẻ,' ông Thìn chia sẻ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Trước Tết Thanh minh một ngày, anh em trong gia đình ông Thìn đã chuẩn bị cho việc cúng mộ với nhang, đèn, bánh trái, hoa... và các đồ mặn. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Mọi người mang theo khăn, chổi ra phần mộ để lau dọn lại, giúp nơi yên nghỉ của người đã khuất thêm khang trang, sạch đẹp. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Sau khi lau dọn xong, mọi người sẽ lần lượt thắp hương, đặt lễ để cúng mộ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hữu Tuất (Việt Trì, Phú Thọ), em trai ông Thìn chia sẻ: 'Khi đưa phần mộ về đây chúng tôi sẽ có điều kiện gần hơn, thuận tiện hơn, thường xuyên chăm nom ông bà. Đặc biệt, ở đây, cảnh vât, không gian không phải như nghĩa trang tạo cảm giác rất gần gũi.' (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

'Những ngày này, không phải là trách nhiệm cũng chẳng phải nghĩa vụ mà đơn giản chỉ như là chăm sóc bố mẹ. Những người đang sống cần phải nhớ về những ngày gian khổ, thiếu thốn, bố mẹ nhịn đói nhường bát cơm cho con cái. Chúng tôi phải luôn luôn có ý thức giáo dục con cháu phải nhớ về ông bà,' ông Tuất cho biết. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Những gia đình sống xa quê không có điều kiện về đúng Tết Thanh minh thì có thể thu xếp về tảo mộ vào bất cứ ngày nào. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết từ nhỏ đã theo chân chú bác trong gia đình mỗi dịp tảo mộ, lễ Tết. Mỗi lần về viếng mộ ông bà, những kỷ niệm ít ỏi cùng ông bà như sống lại trong anh. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Ngày tảo mộ không chỉ là lễ nghi mà còn là ngày gia đình tụ họp, con cháu tề tựu đông đủ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Vào dịp này, tùy theo phong tục truyền thống của từng địa phương, mỗi nơi sẽ có một cách cúng lễ và sum họp khác nhau. Nhưng thường là các gia đình sẽ tụ tập, họp mặt để cùng nhau tảo mộ và tiến hành thăm viếng, dọn dẹp mộ phần cho ông bà tổ tiên. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Tết Thanh minh không chỉ người lớn mà cả trẻ con cũng được cho ra mộ để thăm viếng, bái tế tổ tiên vừa để nhận biết phần mộ của gia tộc, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa học hỏi dần để tiếp nhận, tiếp nối phong tục truyền thống. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Ông Thìn cho hay dù cho gia đình đi ngược về xuôi nhưng dịp này đều phải tề tựu đầy đủ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Ngày tảo mộ diễn ra trong không khí hết sức vui vẻ, vì trong tâm thức mỗi người đây là dịp để anh em gia đình gặp gỡ hàn huyên không chỉ để hoàn thành nghĩa vụ. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Sau khi thắp hương xong, gia đình sẽ hóa vàng và thụ lộc. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Không chỉ chăm sóc, thắp hương cho phần mộ gia tiên của mình, gia đình ông Thìn cũng tranh thủ thắp hương cho những phần mộ bên cạnh để thể hiện lòng biết ơn, thương cảm và sẻ chia. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Đại diện Công viên Tưởng niệm Thiên Đức cho biết dịp Tết Thanh Minh này trung bình mỗi tuần đón khoảng 3 ngàn lượt người đến thăm viếng người thân đặc biệt là cuối tuần. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Đối với mọi người Việt thì Tết Thanh minh là lúc mà con cháu hướng về cội nguồn, dân tộc. Dù những ai đi làm ăn xa xôi thì vào ngày này cũng dành chút ít thời gian để trở về quê hương, về với gia đình để cùng nhau đi tảo mộ cho tổ tiên, sau đó sum họp bên mâm cơm cùng gia đình. (Ảnh: Quỳnh Anh/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/photo-mot-ngay-tao-mo-dip-tet-thanh-minh-cua-gia-dinh-3-the-he/855159.vnp