Một ngày ở giàn khoan Bạch Hổ

(VOV) - Ra thăm mỏ dầu ngoài biển khơi, với tôi có lẽ chỉ có trong suy nghĩ. Nhưng khi ngồi trên chiếc máy bay Mi – 17 cất cánh ra mỏ dầu Bạch Hổ, tôi mới biết, đấy không phải là mơ…

Khám phá giàn khoan Sau 30 phút bay trên biển, chiếc trực thăng Mi -17 nhẹ nhàng đáp xuống bãi đậu của giàn công nghệ trung tâm số 2 trên mỏ Bạch Hổ. Đón chúng tôi là các anh Châu Ngọc Hổ - Giàn trưởng giàn ép vỉa, anh Phạm Văn Ban - Giàn trưởng giàn công nghệ trung tâm. Họ đều đã có thâm niên gần 20 năm đi giàn. Anh Ban vui vẻ thông báo ngay cho chúng tôi một tin vui: 6 tháng đầu năm đơn vị đã hoàn thành 100, 24% kế hoạch giao. Giàn công nghệ trung tâm số 2 được đưa vào khai thác từ 1991. Đất là một khối sắt thép đồ sộ, bao gồm 4 công trình nổi trên biển là giàn công nghệ trung tâm, giàn ép vỉa, giàn nén khí và khu nhà ở cán bộ, công nhân viên. Mỗi công trình có độ cao khoảng hơn 30m và cách mặt biển 50m. Kết cấu kiên cố của công trình cho phép chống chọi với những cơn bão lớn. Theo chân các anh, chúng tôi đến với các bộ phận làm việc của giàn. Ấn tượng nhất là phòng điều hành – “trái tim” của giàn công nghệ trung tâm. Ở đây thông qua các màn hình và bản đồ điện tử, giàn trưởng và các kỹ sư nắm được toàn bộ hoạt động khai thác của giàn cũng như kiểm soát được tình hình và sẵn sàng ra lệnh xử lý khi có các sự cố. Xung quanh giàn khoan trung tâm là 7 giàn khoan nhẹ gọi là giàn BK làm vệ tinh. Trong số này có giàn BK2 có mặt từ năm 1987, có công lớn trong việc khai thác nhiều dầu cho liên doanh. Anh Ban cho biết, hiện nay, Giàn công nghệ Trung tâm quản lý 72 giếng khoan, mỗi giếng có độ sâu khoảng 5000m. Dầu và khí đồng hành khai thác được từ các giếng dầu thuộc mỏ Bạch Hổ và Rồng, sẽ được thu gom về bồn xử lý của giàn trung tâm này bằng hệ thống đường ống dưới đáy biển. Sau khi xử lý xong, sản phẩm khí sẽ được dẫn về bờ cung cấp cho Nhà máy điện Dinh Cố Bà Rịa. Sản phẩm dầu đưa vào bồn chứa, rót xuống các tàu dầu lớn tải trọng tới hơn 30 vạn tấn, gọi là tàu không bến, đậu gần đó. Và cứ 10 ngày lại xuất bán một lần. Mỗi giếng dầu có quy trình khai thác khoảng 25 năm, nhưng để việc khai thác đảm bảo tính bền vững thì không thể hút dầu đến cạn kiệt mà phải điều tiết lại việc hút dầu và tái tạo nguồn tài nguyên quý giá này. Đồng thời mở rộng việc thăm dò, tìm kiếm thêm các mỏ dầu khác. Bên cạnh mỏ Bạch Hổ đã khai thác gần 20 năm nay, gần đây chúng ta đã phát hiện và khai thác một số mỏ khác như: mỏ Rồng, Cá Ngừ Vàng, Rạng Đông và tháng 9 này sẽ là mỏ Tê Giác Trắng. Hiện nay, lượng dầu khai thác mỗi ngày đêm khoảng 7.700 tấn dầu, 4 triệu m3 khí, như vậy đã điều tiết giảm xuống khoảng 2.300 tấn/ngày so với trước. Quá trình hoạt động của giàn hiện nay là sự kết hợp đồng bộ giữa khâu khai thác và bơm ép nước vào các vỉa nhằm duy trì áp suất của mỏ. Mỗi ngày, giàn ép vỉa có nhiệm vụ bơm 30.000 tấn nước xuống các vỉa dầu của mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng. Giàn công nghệ Trung tâm trên mỏ Bạch Hổ là một trong hơn 40 công trình trên biển do Xí nghiệp Liên doanh Vietsopetro xây dựng trong 28 năm qua. Đây là nơi vào tháng 5/1987 đã diễn ra một sự kiện trọng đại: tìm ra mỏ dầu có trữ lượng lớn. Điều này đã làm thay đổi triển vọng dầu khí Việt Nam, cho phép tăng đáng kể trữ lượng khai thác dầu thô và khí đốt, đồng thời là động lực để hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí Việt Nam. Từ đó đến nay, mỏ Bạch Hổ góp phần tích cực vào việc khai thác hàng trăm triệu tấn dầu thô, mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Trong tương lai, với kinh nghiệm của mình, xí nghiệp sẽ mở rộng hợp tác hoạt động dầu khí ở các nước thứ ba, một hướng đi mới trong quá trình hội nhập quốc tế. Không ở giàn cứ bứt rứt không yên Là một ngành nghề kỹ thuật cao, 40% cán bộ công nhân viên trên giàn khoan có trình độ đại học, trên đại học. Họ đến từ các vùng quê trên cả nước, từ Móng Cái đến Cà Mau. Sống và làm việc giữa hàng vạn tấn dầu, hàng triệu tấn khí dễ cháy nổ, xa đất liền, kỷ luật và an toàn lao động là đòi hỏi tối cao của người công nhân giàn. Chính vì vậy mà bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, trên các giàn đều có phòng sinh hoạt văn hóa, thiết bị thông tin liên lạc, các sân bóng chuyền, bóng bàn cho anh em luyện tập thể thao. Anh Phạm Văn Ban cho biết, ở môi trường khắc nghiệt, cô lập giữa biển khơi, con người dễ rơi vào trầm cảm, stress. Bởi vậy chúng tôi luôn thực hiện quan tâm đến đời sống tinh thần của anh em để mọi người luôn có một tâm lý vui vẻ, thoải mái nhằm cống hiến tốt nhất cho công việc. Đã có nhiều thế hệ gắn bó với giàn khoan, nhiều người trong số họ hiện giữ các trọng trách như: giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp trong ngành dầu khí Việt Nam hay trong liên doanh với nước ngoài. Có người gắn bó với giàn khoan suốt cả một đời. Tất cả họ đều giống nhau ở một điểm: gắn bó và coi giàn như chính nhà mình. Kỹ sư Tôn Thất Hoàng Quân - Giàn trưởng giàn nén khí tâm sự: “Khi mới ra giàn, ai cũng buồn và nhớ đất liền, nhớ gia đình. Đến khi quen rồi mà không được đi giàn lại thấy bứt rứt không yên”. Gạt đi những nỗi niềm riêng tư, họ miệt mài với công việc để đạt hiệu quả cao nhất. Tự hào thay như các anh khi được làm chủ giàn khoan biển, một trong những thành tựu khoa học kỹ thuật vĩ đại của con người trong thế kỷ 20-21. Một ngày ở giàn khoan chưa đủ để chúng tôi có thể hiểu hết về cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công nhân trên giàn. Chỉ biết rằng đối với các anh, đại dương bao la kia đang ẩn chứa biết bao vỉa dầu cần chinh phục và khai thác, đem về nguồn ngoại tệ lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./. Hồng Hải

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/mot-ngay-o-gian-khoan-bach-ho/20109/153831.vov