Một năm khô hạn và cháy rừng tại châu Âu

Năm 2023, châu Âu tiếp tục phải chiến đấu với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán và nắng nóng gay gắt khi tháng 6 vừa qua là tháng nóng nhất được ghi nhận tại hồ sơ theo dõi nhiệt độ trong 174 năm của châu lục này.

Hy Lạp

Hy Lạp đang là điểm nóng cháy rừng tại châu Âu khi các đám cháy xuất hiện từ ngày 19/7 tại đảo Rhodes lan tới các khu nghỉ mát ven biển ở phía đông nam hòn đảo. Tính tới hiện tại, có khoảng 20.000 người phải sơ tán trong đó có cả khách du lịch. Nhiều công ty du lịch cũng buộc phải hủy các chuyến đi tới hòn đảo này cho tới ngày 28/7.

Những ngày cuối tuần qua, Italy cũng ghi nhận một đợt cháy rừng tại đảo Corfu, buộc gần 2.500 người sơ tán tới các nơi trú ẩn an toàn như sân vận động. Ngoài ra, các nhân viên cứu hỏa còn phải đối phó với các đám cháy trên đảo Evia, phía đông Athens và Aigio.

Đặc biệt, một đợt cháy rừng tại phía Tây Athens từ ngày 17/7 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Các nhân viên cứu hỏa tại Hy Lạp với sự hỗ trợ từ các quốc gia khác bao gồm Italy, Israel, Pháp và Cyprus cùng các máy bay ném bom nước vẫn đang cố gắng kiểm soát ngọn lửa đã tàn phá hơn 100 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh này. Tuy nhiên theo một số phương tiện truyền thông địa phương, công tác gặp khó khăn do ngọn lửa được hỗ trợ bởi gió mạnh và nhiệt độ cao.

Trên toàn lãnh thổ Hy Lạp, nhiệt độ chưa có dấu hiệu sụt giảm và chính phủ cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ cháy là rất cao ở hầu hết các khu vực trên đất nước.

Du khách tại đảo Rhodes, Hy Lạp chờ máy bay sơ tán ngày 24/7. Ảnh: Reuters

Italy

Trên nhiều khu vực tại Calabria, phần cực nam của nước này, nhiều đám cháy đang gây hư hại tới rừng và thảm thực vật. Trong khi đó, nhiều vùng tại Italy, đặc biệt là Sicily, tiếp tục ghi nhận nhiệt độ gay gắt, khiến Bộ Y tế Italy ngày 18/7 ban hành cảnh báo thời tiết đỏ tại 20/27 thành phố lớn của đất nước.

Ngày 23/7, cơ quan bảo vệ dân sự Sicily cho biết nhiệt độ ở một số khu vực ở phía đông Sicily đã tăng lên 47 độ C, gần chạm mức cao kỷ lục của châu Âu là 48,8 độ C từ hai năm trước trong khi các đợt nắng nóng khiến nhiều nơi trên đảo bị mất điện. Theo dịch vụ thời tiết địa phương Lazio, Rome cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 41,8 độ C trong những ngày gần đây.

Tây Ban Nha

Theo hãng tin Reuters, Tây Ban Nha đang trải qua thời kỳ hạn hán kéo dài và 4 tháng đầu năm 2023 trở thành kỷ lục khô hạn nhất. Thời tiết nắng nóng và ít mưa đang tác động tiêu cực tới không chỉ con người mà còn cây trồng.

Là quốc gia chiếm tới một nửa sản lượng olive toàn cầu, điều kiện thời tiết cực đoan của năm 2023 có nguy cơ khiến ngành công nghiệp dầu olive nước này trải qua một năm thu hoạch kém nữa sau năm 2022. Nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu olive thế giới có thể bị đẩy lên cao trong bối cảnh sản lượng olive tại Italy và Bồ Đào Nha cũng đang nhận được các dự đoán tiêu cực.

Thời tiết khô hạn cũng khiến nước này ghi nhận nhiều vụ cháy rừng. Trong tháng 7, một đợt cháy rừng trên đảo La Palma ngày 15/7 đã khiến hơn 4.000 người phải sơ tán. Tuy ngọn lửa đã được khống chế vào ngày 19/7, tờ El Pais của Tây Ban Nha cho biết nó đã thiêu rụi 2.900 ha của hòn đảo, trong đó có 200 ha của Công viên quốc gia Caldera de Taburiente.

Các quốc gia khác tại châu Âu cũng đang ghi nhận tình trạng cháy rừng. Trên tài khoản Twitter chính thức, Tổng cục Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có một số đám cháy bắt đầu ở các tỉnh Hatay và Mersin phía đông nam nước này và tỉnh Canakkale ở phía tây bắc vào ngày 16/7.

Trong khi đó, đám cháy gần thị trấn ven biển Sibenik, Croatia từ ngày 13/7 nhanh chóng lan rộng dưới ảnh hưởng của gió mạnh. Bất chấp nỗ lực của các nhân viên cứu hỏa cùng các phương tiện chữa cháy, ngọn lửa vẫn rất khó kiểm soát và đã khiến làng Grebastica gần đó bị thiệt hại đáng kể.

Bồ Đào Nha đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán trên diện rộng khi có khoảng 90% diện tích đất nước bị ảnh hưởng. Tháng 4 nắng nóng và khô bất thường trước đó cũng góp phần khiến hạn hán mở rộng theo báo cáo của Viện Biển và Khí quyển Bồ Đào Nha (IPMA) – cơ quan khí tượng của quốc gia này.

Về phía Thụy Sĩ cảnh sát nước này ngày 17/7 đã buộc phải ban hành lệnh sơ tán đối với hơn 200 người thuộc một số ngôi làng miền núi khu vực Bitsch thuộc bang Valais gần biên giới Italy do đám cháy lan rộng trên sườn núi. Theo hãng truyền thông RTS trích dẫn một quan chức địa phương, tình hình đã "ổn định".

Cháy rừng tại La Palma, đảo Canary, Tây Ban Nha ngày 22/7. Ảnh: Europa Press / dpa

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/mot-nam-kho-han-va-chay-rung-tai-chau-au-post24676.html