Một năm hoạt động của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chiều 29/10, BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức hội nghị tổng kết một năm hoạt động thí điểm hằng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã tới dự và chủ trì Hội nghị. Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là nhóm nghệ nhân đang hoạt động thí điểm hằng ngày tại Làng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã tới dự và chủ trì Hội nghị

Sau 1 năm thực hiện, hoạt động thí điểm hằng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tạo bước chuyển biến tích cực trong tổ chức, khai thác, vận hành và hoạt động du lịch tại Làng. Tại các không gian nhà ở của một số dân tộc đã có đồng bào hoạt động thường xuyên, góp phần tạo sức sống cho “Ngôi nhà chung”. Đặc biệt, cùng với các biện pháp khác, cách làm mới này đã góp phần tích cực thu hút đông đảo khách tham quan, lượng khách du lịch trong một năm qua đã tăng đáng kể. Nếu trong 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam khoảng 200.000 đến 250.000 lượt khách/năm thì năm 2016 ước đạt 450.000 lượt khách.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động thí điểm còn bộc lộ một số tồn tại khó khăn cần được nghiên cứu, xem xét, phân tích để từng bước khắc phục, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã ghi nhận và hoan nghênh đồng bào 8 dân tộc đến sinh sống tại không gian Làng văn hóa, đã đưa hồn dân tộc mình đến với thủ đô Hà Nội và khách quốc tế.

Thứ trưởng khẳng định: "Đảng và Nhà nước chủ trương xây làng văn hóa gần Thủ đô để tái hiện một góc nào đó của 53 dân tộc Việt Nam, thời gian vừa qua mới xây dựng được một phần, cố gắng đến năm 2020 sẽ xây dựng hoàn chỉnh về cơ bản Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là nguyện vọng của cả nước".

Thứ trưởng đánh giá cao việc giúp đỡ, hỗ trợ của UBND các tỉnh, các sở VHTTDL và Ban quản lý Làng để trong khoảng thời gian về với “Ngôi nhà chung”, đồng bào thể hiện được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Theo Thứ trưởng, đó là sự kết hợp hài hòa giữa quyền lợi nhà nước và quyền lợi của đồng bào dân tộc. "Không nên bắt đồng bào đến đây như nghĩa vụ mà là tự giác đưa cái hồn dân tộc mình đến với thủ đô Hà Nội, đến với khách quốc tế"

Cho biết kinh phí hiện nay rất khó khăn, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đặt ra yêu cầu với các đơn vị chức năng, đó là vẫn phải làm sao khai thác, biến Làng trở thành "địa chỉ đỏ", có ý nghĩa của các dân tộc ở tại Thủ đô.

Nghệ nhân Mông Văn Hoàng, dân tộc Tày, phát biểu tại hội nghị

Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, công ty lữ hành, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động nhằm phân tích, đánh giá mô hình hoạt động thí điểm; tổng kết đúc rút bài học kinh nghiệm, đề xuất biện pháp khắc phục khó khăn tồn tại để tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo.

Bộ VHTTDL đã chủ trương thí điểm đưa đồng bào 8 dân tộc đến sinh sống tại không gian văn hóa của Làng. Năm 2017, BQL Làng đề nghị tăng thêm 7 dân tộc. Thông qua hội nghị này, BQL Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đề xuất phương thức hoạt động, cơ chế, chính sách tài chính để huy động nhóm nghệ nhân dân tộc ở các địa phương tham gia hoạt động hằng ngày tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thời gian tới.

Ngoài ra, hội nghị còn tôn vinh các nghệ nhân có thành tích góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại Làng.

Tin, ảnh Thủy Bích

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/du-lich/mot-nam-hoat-dong-cua-dong-bao-dan-toc-tai-lang-van-hoadu-lich-cac-dan-toc-viet-nam-216840.html