Một năm đầy sóng gió

Chưa bao giờ kể từ khi thành lập cách đây 59 năm, Liên minh Châu Âu (EU) lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như những gì xảy ra trong suốt 1 năm qua. Khi "vết thương" của cuộc khủng hoảng nợ công còn chưa lành thì cuộc khủng hoảng người nhập cư bất ngờ ập đến. Và trong lúc còn đang bối rối tìm cách xử lý thì Lục địa già lại nhận thêm một cú sốc nữa đe dọa tới sự tồn vong của thể chế, đó là sự ra đi của nước Anh (còn gọi là Brexit).

Làn sóng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi vượt biên vào EU là thách thức lớn đối với Lục địa già.

Đến lúc này, chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm cũ, tuy nhiên trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động và quan hệ quốc tế có thể xáo trộn do thay đổi trong bộ máy lãnh đạo ở nhiều quốc gia, giới phân tích dự báo EU sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều vấn đề trong năm 2017. Tâm trạng này được thể hiện trong Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2016 của giới lãnh đạo EU (diễn ra hai ngày 15 và 16-12 tại thủ đô Brussels, Bỉ) khi nghị trình dày đặc những thách thức, được đánh giá ở mức độ chiến lược.

Thách thức đầu tiên liên quan tới những rắc rối có thể xảy ra trong quá trình đàm phán giữa khối này với Anh về vấn đề Brexit, sẽ bắt đầu từ tháng 3-2017. Sau 43 năm gắn bó với nhiều ràng buộc về lợi ích, đây có thể là vụ “ly dị” phức tạp, nhiều rắc rối, hai bên phải xây dựng một mối quan hệ mới; đồng thời khiến cả xứ sở Sương mù, EU và thậm chí là kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả lớn về kinh tế, chính trị và xã hội. Với vai trò là “mắt xích” quan trọng trong bộ máy của EU, sự ra đi của nước Anh sẽ để lại một khoảng trống lớn. Về thương mại, Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp và các nước ngoài EU như Mỹ sẽ bị thiệt hại, do đây là những bạn hàng chính của nước Anh. Cán cân thương mại của Đức với Anh có thể bị giảm 6,8 tỷ euro/năm, trong đó ngành công nghiệp xe ô tô của Đức thất thu đến gần 2 tỷ. Thiệt hại với các doanh nghiệp Pháp cũng không nhỏ, vào khoảng hơn 3 tỷ euro/năm. Những rào cản từ Brexit sẽ tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động, và điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài với các nền kinh tế.

Mối lo tiếp theo là những hệ lụy liên quan tới cuộc khủng hoảng người nhập cư bất hợp pháp. Dù đã nỗ lực song gần 2 năm qua, dường như Châu Âu vẫn chưa tìm được một phương pháp tổng thể hiệu quả. Các biện pháp được đưa ra mới chỉ mang tính tạm thời và đối phó. Trong khi dòng người tị nạn trên các nẻo đường từ Syria, Iraq, Afghanistan… vẫn không ngừng đổ về Châu Âu. Không ít thời điểm, các nhà lãnh đạo EU đã bộc lộ rõ sự lúng túng, chia rẽ vì cuộc khủng hoảng này. Hiệp ước Schengen - biểu tượng cho sự đoàn kết của khối cũng đứng trước nguy cơ tan vỡ. Dự báo tới đây, "bài toán" sẽ có thêm nhiều rắc rối khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - EU đang rơi vào tình cảnh "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Ankara nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ cam kết với EU liên quan tới thỏa thuận giải quyết khủng hoảng người di cư. Theo cam kết này, EU hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ về mặt tài chính để ngăn chặn dòng người di cư đi qua nước này để vượt biển sang EU.

Chưa hết, một hệ lụy gắn với cuộc khủng hoảng người nhập cư là mối lo khủng bố ngày càng lớn dần trong lòng EU. Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra liên tiếp trong năm qua tại nhiều thành phố lớn như Paris và Nice (Pháp), Brussels (Bỉ), Munich, Frankfurt (Đức)… đã để lộ ra những lỗ hổng an ninh của Châu Âu; đồng thời cho thấy Lục địa già là một mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố. Những “kẽ hở” đến từ việc tự do đi lại, không có kiểm soát biên giới theo Hiệp ước Schengen sẽ tiếp tục được những kẻ khủng bố lợi dụng triệt để bằng cách trà trộn vào dòng người di cư chạy trốn khỏi các vùng chiến sự Trung Đông và Châu Phi. Điều này đòi hỏi một cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin hiệu quả về hồ sơ tội phạm giữa các quốc gia thành viên EU.

Mức độ phức tạp của năm 2017 còn được dự báo sẽ gia tăng trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở hai cường quốc đầu tàu của liên minh là Đức và Pháp đang đến gần. Trong khi đó, chính quyền mới ở Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump chèo lái từ ngày 20-1 tới cũng có thể đưa đến những thay đổi bất ngờ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Có thể nói, EU đang ở vào một giai đoạn mang tính thử thách sống còn mà chỉ có sự đoàn kết cao độ của 27 quốc gia thành viên mới có thể giúp Cựu lục địa vượt qua sóng gió.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/858156/mot-nam-day-song-gio