Một 'mũi nhọn' trên Báo Quân đội nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Có thể nói rằng, suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ là những năm tháng vàng của thể loại bình luận quân sự trên Báo Quân đội nhân dân. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước, một tổ bình luận quân sự ra đời đầu năm 1965, vào thời điểm Mỹ đổ quân xâm lược miền Nam Việt Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam.

Cũng từ đây xuất hiện hai bút danh Chiến Binh Chiến Thắng, bằng các bài bình luận quân sự, đã chiến đấu quyết liệt, sắc bén trên Báo Quân đội nhân dân, được phát dày đặc trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và được trích đăng ngày càng nhiều trên báo Mỹ và phương Tây.

Tổ chức thể loại bình luận quân sự trên Báo Quân đội nhân dân hình thành 3 tầng:

Tầng 1 với bút danh Chiến Binh kịp thời bẻ gãy các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, đập lại các luận điệu nguy hiểm của Mỹ-ngụy, đồng thời cổ vũ ý chí quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ của quân và dân cả nước.

Nửa đầu năm 1965, bằng bài bình luận quân sự: “Ai chưa hiểu ai?” và một số bài tiếp theo, tác giả Chiến Binh đã chỉ rõ: Không phải “Sức mạnh không tưởng tượng nổi của quân lực Hoa Kỳ”, như Lầu Năm Góc lên giọng; cũng không phải “Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy” như có bạn bè lúc đó mách bảo! Mà chính dân tộc Việt Nam bằng truyền thống và nghệ thuật chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm suốt mấy nghìn năm, và qua 11 năm đấu tranh đối mặt với Mỹ-ngụy, đã từng bước hiểu rõ tim đen và sức mạnh có hạn của Mỹ trên chiến trường, để đề ra quyết sách đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Đại tá, Nhà báo Hồng Phương phát biểu tại Tọa đàm “Báo chí về đề tài chiến tranh: Kinh nghiệm sử dụng các thể loại báo chí trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam” do Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân phối hợp tổ chức ngày 25-4-2015 tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Sau thất bại của Mỹ trong cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty đầu năm 1967, tác giả Chiến Binh lại có bài “Mỹ không được chọn giữa thắng và thua, mà chỉ được chọn giữa thua và thua đau hơn”. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi vang dội của quân và dân ta, buộc Mỹ phải tới Hội nghị Pa-ri để bàn về giải pháp hòa bình ở Việt Nam, đã chứng minh các luận điểm của Chiến Binh là đúng và có tính dự báo cao.

Năm 1975, bằng các bài bình luận quân sự “Bước ngoặt của chiến tranh” sau Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên; “Sự sụp đổ hoàn toàn của quân ngụy là không tránh khỏi” sau chiến thắng giải phóng Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung đã báo hiệu chính xác ngày toàn thắng của quân và dân ta sắp đến.

Tầng 2 với bút danh Chiến Thắng đã phân tích đánh giá khách quan, khoa học, chững chạc cục diện chiến trường của đôi bên ở những lúc tình hình phức tạp, có nhiều biến động lớn, vạch rõ xu thế phát triển trên chiến trường cũng như trên mặt trận ngoại giao, để vừa đấu tranh với địch vừa khẳng định và tăng cường niềm tin quyết đánh và quyết thắng của quân và dân cả nước.

Với các bài “Rút quân Mỹ khỏi Việt Nam hay là tăng cường tham chiến ào ạt” (tháng 8-1972), “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cuộc tiến công” (tháng 9-1972), “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang phát huy sức mạnh mới”, sau Hiệp định Pa-ri được ký kết một thời gian, đã phân tích sâu sắc, toàn diện dã tâm của Mỹ trong quá trình thất bại và củng cố niềm tin vững chắc vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc đọ sức trên chiến trường và đấu tranh bền bỉ trên bàn hội nghị ở Pa-ri để đi đến ngày toàn thắng.

Tầng 3 với bút danh Người bình luận hoặc không đề tên, bằng bút pháp phản ứng nhanh, đã trực diện phê phán, xé toạc các bức màn ngụy trang, ngụy biện của Mỹ-ngụy để khẳng định những sự thật không thể chối cãi trên chiến trường.

Các bài bình luận ngắn vào tháng 7, tháng 8-1972, khi Mỹ-ngụy dốc toàn lực, chịu thất bại thảm hại để chiếm lại Thành cổ Quảng Trị, hay trong 12 ngày đêm Mỹ dùng B-52 ném bom rải thảm giết hại nhân dân ta ở phố Khâm Thiên, ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều khu dân cư ở Hà Nội, thực sự là những mũi nhọn xung kích của Báo Quân đội nhân dân bóc trần sự thật thua trận thảm hại của Mỹ trên chiến trường.

Tổ bình luận quân sự gồm các nhà báo có tay nghề cao, viết nhanh như Nghiêm Túc, Phan Hiền, Hồng Phương, Đỗ Chí và một vài đồng chí khác, dưới sự chỉ đạo sắc sảo của Tổng Biên tập đã làm việc tập thể, tìm đầu đề, ý tứ, lập luận có sức thuyết phục cao và phân công người chấp bút thích hợp, để thực hiện các bài viết nhanh nhất, đạt hiệu ứng dư luận cao. Nhiều cuộc thảo luận dân chủ, sôi động dưới sự “cầm chịch” của Tổng Biên tập và do Tổng Biên tập sửa bài, phê duyệt đã thực sự nâng tầm cao trí tuệ và hiệu quả của các bài bình luận quân sự trên Báo Quân đội nhân dân. Ở đây tên tuổi, sự vinh danh của mỗi cá nhân nhà báo chấp bút được ẩn sau các bút danh chung “Chiến Binh, Chiến Thắng”. Ở đây thật sự xuất hiện một phong cách lao động nghề nghiệp bình đẳng giữa các nhà báo trong nhóm và sự chỉ huy đúng lúc, đúng tầm, quyết đoán của Tổng Biên tập.

Có lẽ ít có một tòa soạn nào trên thế giới làm thể loại bình luận thời chiến như Báo Quân đội nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ đã làm. Chúng tôi cũng rất cảm ơn các bạn đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam bởi sự phối hợp chặt chẽ với chúng tôi, đã giúp cho nhiều bài bình luận sắc sảo của Báo Quân đội nhân dân nhanh chóng đến được với bạn đọc trong nước và quốc tế nhờ những giọng đọc rất đanh thép, cuốn hút người nghe.

Hiện nay, cuộc đấu tranh trên toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của mỗi nước theo đúng luật pháp quốc tế, đang diễn ra khá căng thẳng, phức tạp. Những kinh nghiệm trên đây mong góp thêm tiếng nói cho các tòa soạn, các nhà báo có thể vận dụng sáng tạo, hành nghề sắc bén, đạt hiệu quả cao hơn bằng các thể loại nghị luận trong thời gian tới./.

Nhà báo HỒNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mot-mui-nhon-tren-bao-quan-doi-nhan-dan-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-521062