Một món ăn luôn 'cháy hàng' vào ngày vía Thần Tài: Không cần ra quán, bạn có thể tự làm ở nhà!

Chỉ với một vài nguyên liệu, bạn đã có thể chế biến món ăn này vào ngày vía Thần Tài để lấy may.

Ngày vía Thần Tài ăn gì để lấy may?

Theo quan điểm của những người đi trước để lại, ngày vía Thần Tài (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) là ngày tốt nhất để mua vàng, với mong ước về một năm mới làm ăn phát đạt, thành công.

Vào ngày này hàng năm, sau khi cúng Thần Tài, người người, nhà nhà, nhất là những người có công việc kinh doanh buôn bán đều đổ xô đi mua vàng với mong ước một năm mua may bán đắt, phát tài, phát lộc.

Bên cạnh việc mua vàng, người dân còn làm mâm cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm để cầu làm ăn buôn bán, kinh doanh được thuận lợi, suôn sẻ.

Nếu có dịp ghé thăm các gia đình người Việt, đặc biệt là ở miền Nam trong ngày này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của một món ăn không thể thiếu - cá lóc nướng. Cá lóc, với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, đã trở thành biểu tượng của may mắn và thành công, là lời cầu nguyện cho một năm làm ăn thuận lợi, tiền vào như nước.

Tại nhiều địa phương, cá lóc nướng luôn là món ăn "cháy hàng" khi gần đến ngày vía Thần Tài.

Bên cạnh cá lóc nướng, mâm cúng Thần Tài còn có giò chả dát vàng, cua dát vàng, thịt heo quay, và các loại bánh mang biểu tượng hũ vàng, thỏi vàng. Mỗi món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng ý nghĩa cầu chúc sự phát đạt và sung túc.

Vì sao mâm cỗ cúng ngày vía Thần Tài của người miền Nam cứ phải có cá lóc?

Hiện chưa có lời giải đáp chính xác về nguồn gốc sâu xa của tục này, chỉ biết rằng mọi người thường bảo nhau, việc cúng cá lóc ngày vía thần Tài sẽ mang đến nhiều tài lộc, nhờ đó mà được sung túc cả năm.

Vì sao mâm cúng thần Tài của người miền Nam phải có cá lóc nướng? (Ảnh: Pinterest)

Cần lưu ý gì khi cúng cá lóc trong ngày vía thần Tài? Con cá phải được giữ nguyên vẹn từ đầu đến đuôi, thậm chí không đánh vảy. Trước khi nướng, phải dùng cây mía đã cạo vỏ xuyên sâu qua con cá qua phần miệng để giữ thân cá được thẳng, đẹp. Người ta kiêng dâng cúng thần Tài những con cá nướng cháy hoặc bị tróc, sứt mẻ, kém đẹp mắt.

Tục cúng ngày vía thần Tài mùng 10 tháng Giêng ban đầu chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ những người làm ăn buôn bán tại TP.HCM, nhưng khoảng mười mấy năm trở lại đây trở nên rất phổ biến, thậm chí cả người không kinh doanh cúng đi mua vàng, và biện lễ cúng thần Tài trong ngày này để có một năm dồi dào về tài chính.

Tục thờ thần Tài có xuất xứ Trung Quốc, du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Xoay quanh tín ngưỡng ngày này là những câu chuyện liên quan khá thú vị. Được biết đến nhiều nhất là câu chuyện về Triệu Công Minh, người đã giúp Khương Tử Nha đánh Trụ Vương.

Sau khi tử trận, Triệu Công Minh được phong làm Chính Nhất Long Hồ Huyền chân quân, thống lĩnh bốn vị thần trên trời là Chiêu Bảo - Nạp Trân - Chiêu Tài - Lợi Thị. Vì thế, ông có nhiệm vụ cai quản tiền bạc, của cải. Mọi người thường thờ cúng thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn sẽ đến với họ.

Theo một tích truyện khác, trong một lần đi chơi uống rượu, thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian. Khi tỉnh dậy, thần Tài bị mất trí nhớ, quên mất mình là ai. Sống lang thang và không biết làm việc gì, ông đi ăn xin để sống qua ngày.

Gặp một vị chủ quán tốt bụng, ông được mời vào và ăn một bữa thịnh soạn. Quán đang rất vắng khách nhưng khi ông lão ăn xin bước vào thì bỗng dưng khách ra vào tấp nập. Để ý thấy ông lão vào nhà nào xin ăn thì nhà đó buôn may bán đắt và trở nên giàu có, chủ quán liền giữ lại để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi... Vậy nên dân gian mới có câu "thần Tài gõ cửa".

Bạn có biết nguồn gốc ngày vía thần Tài?

Đến một ngày nọ, thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời. Đó là ngày mồng 10 tháng Giêng. Để tưởng nhớ thần Tài, mọi người chọn ngày này là ngày vía thần Tài, sắm sửa lễ vật dâng cúng và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm.

Cũng có sách viết rằng có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy thần, được thần cho một nữ gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn mỗi ngày một phát đạt.

Trong một ngày Tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện, khiến cô sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ. Mọi người nhận ra cô chính là thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện. Vì thế nên bàn thờ thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Trong 3 ngày Tết, mọi người kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất thần Tài đang núp trong đó.

Theo một tích khác, thần Tài nguyên là Bố Đại La Hán, còn gọi là Nhân Yết Đà tôn giả ở Ấn Độ (là một trong 18 vị La Hán). Ông là người chuyên bắt rắn, thường mang túi vải to trên lưng vào rừng bắt rắn độc, nhổ bỏ răng độc rồi thả rắn đi.

Người Trung Quốc cho là Bố Đại đầu thai tại nước Lương tên là Phó Đại Sĩ, tính tình vui vẻ, ăn mặc xộc xệch, vai mang cái túi vải to, ai cho gì cũng dồn vào túi rồi đem phân phát cho trẻ em. Do đó, tượng thần Tài thường đứng, có mang túi to, hai tay đưa thẳng lên trời cười thoải mái, tượng trưng cho sự may mắn, thành công.

Ngày vía Thần Tài làm cá lóc nướng

Món ăn đơn giản này bạn hoàn toàn có thể làm được ở nhà mà không cần phải ra quán.

Nguyên liệu làm món cá lóc nướng giấy bạc - món ăn lấy may ngày vía Thần Tài

Nguyên liệu làm món cá lóc nướng giấy bạc

Nguyên liệu: 1 kg cá lóc 2 muỗng canh tỏi băm 2 muỗng canh hành tím băm 2 muỗng canh sốt ướp thịt nướng
Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, đường, muối
Dụng cụ: Thau, chén, giấy bạc, vỉ nướng, kéo, dao, thớt

Cách làm món cá lóc nướng giấy bạc

Sơ chế cá lóc

Để làm sạch cá lóc, bạn mổ bụng lấy phần ruột và phần mang cá, dùng kéo cắt phần vây, đuôi cá bỏ đi và dùng dao cạo sạch lớp vảy bên ngoài.

Sau đó, bạn dùng muối chà xát vào phần thân và ruột của cá rồi rửa lại thật sạch với nước.

Kế tiếp, bạn dùng dao khứa thân cá những đường chéo hoặc ngang để khi ướp và nướng cá thấm gia vị và ngon hơn.

Ướp cá

Ướp cá

Bạn cho 2 muỗng canh tỏi băm, 2 muỗng canh hành tím băm, 2 muỗng canh sốt ướp thịt nướng, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh đường vào chén rồi dùng muỗng trộn đều hỗn hợp.

Kế tiếp, bạn cho cá vào 1 cái thau lớn, rồi bạn thoa hỗn hợp gia vị vừa trộn lên thân và từng khứa cá. Sau đó, bạn cho một ít phần gia vị còn lại vào bụng cá rồi ướp cá trong 1 tiếng các gia vị thấm vào cá.

Nướng cá

Bạn sử dụng miếng giấy bạc trải ra mặt phẳng rồi cho cá lóc đã ướp ở bước 2 vào. Sau đó, bạn gấp 2 đầu giấy bạc lại trước rồi gấp hai bên và vuốt nhẹ để giấy gói chặt cá lại.

Bạn cho than vào bếp rồi nhóm lửa cho đến khi than cháy hồng, tiếp tục bạn đặt vỉ nướng lên bếp rồi cho cá lóc đã gói giấy bạc đặt lên vỉ và nướng mỗi mặt trong 30 phút.

Sau khi nướng mỗi mặt xong, bạn mở giấy bạc phía bên trên ra và nướng thêm 15 phút nữa là hoàn thành.

Thành phẩm

Hoàn tất cá lóc nướng giấy bạc

Cá lóc nướng giấy bạc thỏa hương thơm đặc trưng và màu sắc bắt mắt, từng sớ thịt của cá chín mềm, thấm gia vị và giữ được độ ngọt của cá.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mot-mon-an-luon-chay-hang-vao-ngay-via-than-tai-khong-can-ra-quan-ban-co-the-tu-lam-o-nha-172240218081312063.htm