Một mai gió chở tôi về

Nhận tập thơ xinh xắn của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tặng 'Một mai gió chở tôi về' do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành từ năm 2019, giữa lúc đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Thông điệp 5K, con người ta sống chậm lại. Đây là lúc thời gian ngưng đọng, nên mỗi ngày tôi chỉ đọc một bài thôi để đủ thời gian suy ngẫm, chiêm nghiệm cho hết từng câu chữ. Tìm được cái tứ của một bài thơ ông không phải dễ, mà nhiều khi đọc xong không hiểu hết ý tứ của ông.

Thơ của Hoàng Vũ Thuật là dòng thơ hiện đại và hậu hiện đại, đa tầng, đa nghĩa, có khi ý của câu thơ không thể nói hết trong lời. Đó là những “cây xanh ngoài lời”, những vỉa quặng mà độc giả muốn khai thác thì phải đồng hành cùng tác giả, chắt chiu những hạt kim cương, những hạt vàng ròng quý, hiếm, tinh hoa, tinh túy, theo cách riêng của mỗi người. Có người đọc hiểu, có người đọc không hiểu, có người thích, có người không thích, có người hiểu theo cách này, có người hiểu theo cách khác.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Tập thơ "Một mai gió chở tôi về" gồm 68 bài, là món ăn lạ, độc đáo nhưng chưa hẳn đã hợp với khẩu vị của từng người. Thơ ông viết theo lối tượng trưng, dùng hình tượng, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng, đa chiều trong trường liên tưởng, bẻ cong không gian, bẻ cong cả thời gian. Ông viết về cái tôi, cái cá thể, đơn độc, từ cái cụ thể nhỏ bé đến cái mênh mông, vô cùng, vô tận của vũ trụ, trước và sau thế giới hiện tại ông đang viết, đang sống, một nghìn năm.

Không gian nghệ thuật thơ của Hoàng Vũ Thuật là liên kết từ thực đến ảo: “Người ta không nỡ nói hết những gì cuộc đời đã dành cho ông/ định mệnh con giun con dế/ tuổi thơ phải vác trên vai cây thánh giá/ trong danh sách đồng loài/ ông không có tên/…/ một buổi sáng cuối năm 3017 ông được hồi sinh/ khi tạo hóa muốn cho ông làm người/ mây trắng lững thững trên đầu/ cỏ quàng vai dưới đất/ ông khoác áo cây thông kiêu hãnh lưng chừng núi cao/ xem sách mong gặp Rô-mê-ô và Giu -li-ét/ đội cái mũ chàng Hăm- lét/ khi ý nghĩa sống trở về/ ông đứng lên bằng ánh sáng trái tim mặt trời ấm áp tinh khôi/ đi lại đôi chân cha mẹ cho mình/ niềm vui sướng trong vòng tay tạo hóa/ sau/ một/ nghìn/ năm” (Hồi sinh).

Thơ ông nảy sinh trên nền hiện thực, sau đó là tưởng tượng, hư cấu nên không gian ảo. Bởi vậy người đọc phải tưởng tượng cùng ông. Khi viết “Thuyết tương đối”, Albert Einstein đã miêu tả cấu trúc của không gian và thời gian trong một thực thể thống nhất. Bản chất của lực hấp dẫn là do sự uốn cong của thời gian, không gian bởi vật chất và năng lượng. Thơ Hoàng Vũ Thuật cũng thế. Ông uốn cong không gian và thời gian trên trường liên tưởng không thời gian.

Trong bài “Trí tưởng tượng”, ông viết: “Từ biển mọc lên mặt trời nước/ ánh sáng rơi từng sợi/ làm anh nhớ phố tuyết đã xa/ những con đường lạnh buốt ký ức/ em lung linh ngọn nến trong cung điện mùa đông/ khoác áo màu dạ thảo/ chiếc lông chim trên mũ kiêu hãnh/ như lá cờ vẫy gọi”. Nhà phê bình văn học, Tiến sĩ Mai Bá Ấn đã từng nhận xét: “Đâu chỉ có không gian dãy phố mà Hoàng Vũ Thuật còn mở các chiều kích của không gian và xen kết không gian thực với không gian ảo”.

Trong bài thơ “Sự nhầm lẫn của người đãng trí”, Hoàng Vũ Thuật có những câu thơ mang đầy tính triết lý: “tôi chỉ là bong bóng bước ra từ cuống họng/ bay vô định/ tan cũng vô định/ bởi giữa tôi và em hai thân thể hai bó đuốc chỉ cần một que diêm là đến bờ hố đen/…/ có một con chim trên tóc em vẫn hót/ mặt trời khôi phục ánh sáng ngày/ rút từ đêm xõa trắng/ mặt trời trong mắt em bừng thức/ bấy giờ mới nhận ra tôi cùng cái bí ẩn từ một búng tay/ em nói cuộc chạy trốn trên những chiếc gai nhọn/ đã kết thúc”. Thật vậy. Chỉ cần một que diêm là hai thân thể bùng cháy và tan biến để còn lại bóng đêm. Trong không gian là tóc em thì có một con chim thời gian vẫn hót lảnh lót để khôi phục ánh sáng ngày, để Đại vũ trụ là mặt trời thu lại trong Tiểu vũ trụ là mắt em.

Thơ Hoàng Vũ Thuật nói nhiều về tình yêu, giữa anh và em, giữa thơ truyền thống đến cách tân hiện đại, mang dấu ấn hậu hiện đại. Đó là không gian mở, tác giả đi ra từ ngôi nhà nhỏ, từ ô cửa nhỏ ra vũ trụ rộng lớn. Từ dòng sữa của ca dao - dân ca: “dòng phấn trắng như rãnh mòn/ di chuyển trên mặt đất/ long lanh tia nắng ban mai/ dòng phù sa nghìn năm đắp bồi cánh đồng/ dòng sữa ngọt vành môi sinh nở/ cánh cò vẽ khung trời bình yên/ từ tay chị bước ra”. (Dòng phấn trắng). Đến “đám bụi mù sau trận cuồng phong/ vết tích đất trời để lại/ tôi đã gặp chú gấu trong cổ tích/ chùm chìa khóa rơi vào chốn hoang đường/ mọi thứ đều xa lạ/ niềm tin / chỉ có một mà thôi/ khi đứng giữa cơn ghen vô cớ của mặt trời” (Cơn ghen của bầu trời).

Bìa tập thơ “Một mai gió thổi tôi về” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Trong “Một mai gió chở tôi về”, có khá nhiều bài thơ nói lên khát vọng hòa bình, khát vọng tự do, tình yêu cuộc sống. Đó là các bài thơ: “Thời gian”; “Dự cảm”; “Ga lẻ”; “Người hành khất”; “Thở”… Nhân xem một bức ảnh bác sĩ trẻ người Cu Ba lấy đầu bịt họng súng ông đã thay lời bác sĩ ấy viết: “tao biết mày có mặt trong cuộc đời này từ lâu/ cả những điều mày thích nhất/ máu và nước mắt/ khi mày khạc ra lửa/ hàng triệu người ra đi/ hàng triệu đôi chân trên nạng gỗ/ sự khổ đau cho mày lên ngôi/…/ Tao cũng gặp mày với cái cổ xoắn cong trên tượng đài nước Mỹ/ các làng quê thành phố Việt Nam/ bàn chân mày trải khắp/ như ngày xưa cha ông đi tìm đất hứa/ có một điều mày không bao giờ hiểu/ không bao giờ thấy/ không bao giờ biết/ vì tao đưa đầu lọt trong cổ họng mày/ tao chỉ muốn nòng súng kia/ biến thành chiếc bình xanh biếc/ để cắm vào nơi đó những bông hoa” (Nói với họng súng).

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật viết “Một mai gió chở tôi về” theo lối thơ tự do, có khi câu đơn chỉ một từ, có khi là thơ văn xuôi như một tản văn: “Mấy hôm nay mưa nhẹ, không gian tĩnh mịch dịu dàng. Tôi biết mùa thu thực sự đã về. Tôi có ý định và chắc chắn khó níu được chân mùa thu. Dù, với tôi mùa thu trong sáng đến nhường kia, sâu thẳm đến nhường kia, ngọt ngào đến nhường kia…” (Mùa thu ơi).

Hầu hết thơ của Hoàng Vũ Thuật không có một chữ nào viết hoa, trừ những danh từ riêng, trừ những bài thơ văn xuôi. Thơ của ông là sự tiếp nối hài hòa, uyển chuyển của Thơ mới từ thời tiền chiến với Lưu Trọng Lư, "con nai vàng ngơ ngác" và những bế tắc trong nhạc hậu chiến của Trịnh Công Sơn rồi đến ngày nay, vươn ra cả thế giới. Nói như Tiến sĩ Mai Bá Ấn: “Thơ anh như con sóng lan tỏa sang cả những liên văn bản của văn học thế giới như Quách Mạt Nhược, Victor Hugo... v.v.”.

Theo nhà giáo Vi Huyền Vi thì “trong “Một mai gió chở tôi về” bàng bạc một giọng điệu trữ tình, một góc khuất thân phận, đời thường trong tình cảm con người. Góc khuất ở đây chính là cảm quan về tình yêu, niềm vui và nỗi buồn rất cá thể giản đơn và gần gũi, phản chiếu con người ông, từ đó nhìn thấy thế giới rộng lớn đang trải trong thơ. Giải mã được vấn đề này là tìm được chìa khóa vạn năng để mở ra cánh cửa thơ Hoàng Vũ Thuật”. Muốn giải mã được thơ Hoàng Vũ Thuật phải có chìa khóa. Trong văn chương Việt, việc mở được cánh cửa thơ để đi ra thế giới cũng gian nan lắm. Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ tiên phong đi đầu trong việc cách tân thơ ở Quảng Bình. Con đường thơ của ông đầy chông gai. Thơ giúp cho ông tìm ra chân trời mới. Là cánh cửa cài thơ đi ra thế giới. Thơ cũng giúp ông kết nối với bạn bè, trong nước và cả thế giới.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nói với tôi, sở dĩ ông chọn tên tập thơ là “Một mai gió chở tôi về” vì ông cứ nghĩ đây sẽ là tập thơ cuối cùng. Ông sẽ trở về với quê hương, đồng đội, bạn bè theo con đường của gió. Gió đã chở ông đi đến muôn phương để gặp gỡ, kết nối với bạn bè. Gió cũng sẽ chở ông về với cháu con, bè bạn nếu mai sau ông hóa thân thành cát bụi. Sau này, khi viết tập thơ “Người câu gió” ông cũng nhiều lần nhắc đến gió. Cô giáo Nguyên Tô đã viết về ông như sau: “Hoàng Vũ Thuật nhìn thật sâu vào những đau đớn ấy, để xác quyết: đau đớn không phải là một cản đường mà là một món quà. “Người câu gió” vì thế là một món quà từ đau đớn, dĩ nhiên cả hạnh phúc trần ai, nhàu nhò, bầm dập và trên tất cả, nó tỏa ra thứ ánh sáng triết học từ một vầng trán hiền nhân”.

Hoàng Vũ Thuật trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông nhận được nhiều Giải thưởng văn chương và các danh hiệu cao quý khác. Gần đây nhất là giải thưởng văn học Nguyễn Đình Thi lần thứ hai. Cả nước chỉ có hai người được nhận giải thưởng cao quý này. Và một tin vui, năm 2023, tác phẩm “Người câu gió” xuất ngoại, được nhà xuất bản nước ngoài in bằng hai thứ tiếng Anh - Việt, được bay đi khắp các châu lục. Dù đã sắp đến tuổi tám mươi ông vẫn luôn luôn sáng tạo.

Bên cạnh các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Bình Trọng, Mai Văn Hoan…vv. thì Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới thơ ở Quảng Bình. Ông là nhà thơ xung kích đi đầu cho dòng thơ cách tân, hiện đại và hậu hiện đại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mot-mai-gio-cho-toi-ve-i713342/