Một loại hộ chiếu (passport) mới được cấp nhưng lợi ích mang lại khiến ai cũng mong muốn sở hữu

Loại hộ chiếu này mới được đưa vào sử dụng, tuy nhiên lại được rất nhiều người ưa chuộng vì tính tiện lợi và bảo mật của nó.

Hộ chiếu (passport) gắn chip điện tử là gì?

Hộ chiếu (passport) gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.

Ngoài ra, chip còn lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh và thông tin cá nhân của công dân trên hộ chiếu. Điều này giúp cho thủ tục thực hiện tinh giảm hồ sơ giấy tờ, việc quản lý cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn với cả cơ quan có thẩm quyền và người dân có nhu cầu.

Hộ chiếu gắn chip điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp.

Đây là một bước cải tiến mới nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Bên cạnh các thông tin cơ bản như tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch,... chip điện tử còn có khả năng lưu trữ các thông tin sinh trắc cá nhân như vân tay, khuôn mặt, mống mắt,...

Đối tượng nào được cấp hộ chiếu gắn chip điện tử?

Theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, đối tượng được áp dụng thủ tục làm hộ chiếu gắn chip điện tử trên Cổng dịch vụ công là:

Công dân Việt Nam trong nước có Căn cước công dân gắn chip hoặc Căn cước công dân 12 số còn giá trị.

Có tài khoản hợp lệ trên Cổng dịch vụ công.

Có khả năng thanh toán lệ phí trực tuyến qua hệ thống thanh toán của Chính phủ.

Như vậy, chỉ có công dân từ 14 tuổi trở lên mang quốc tịch Việt Nam mới đủ điều kiện được cấp hộ chiếu gắn chip điện tử. Đối tượng này có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chip điện tử hoặc không.

Người chưa đủ 14 tuổi chỉ được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử.

Công dân từ 14 tuổi trở lên mang quốc tịch Việt Nam mới đủ điều kiện được cấp hộ chiếu gắn chip điện tử.

Hộ chiếu gắn chip điện tử có thời hạn bao lâu?

Theo điều 7 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:

Thời hạn của hộ chiếu gắn chip điện tử là 10 năm.

Hộ chiếu không gắn chip điện tử là 5 năm.

Hộ chiếu cấp theo thủ tục rút gọn là không quá 12 tháng và tất cả đều không được gia hạn.

Hộ chiếu gắn chip mang lại lợi ích gì?

Theo Bộ Công an, hộ chiếu gắn chip có những lợi ích sau:

Hộ chiếu gắn chip có thể lưu được nhiều thông tin của hành khách cả thông tin được viết trên giấy như họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch…lẫn thông tin trắc học của công dân như vân tay, mống mắt, nhóm máu…giúp việc nhận dạng một người nhanh chóng, chính xác, giúp việc làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các nước sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Hộ chiếu gắn chip điện tử được xem là điều kiện tiên quyết và là cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước, nhất là đối với các nước có ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu điện tử tại một số cửa khẩu quốc tế.

Người sở hữu hộ chiếu gắn chip sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh.

Hộ chiếu gắn chip điện tử có tính bảo mật thông tin cao hơn so với hộ chiếu giấy thông thường, vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin, bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân; tránh tình trạng hộ chiếu bị tội phạm làm giả để hoạt động phi pháp, như: buôn lậu, di cư bất hợp pháp, khủng bố…. Đặc biệt, với hộ chiếu gắn chip hoàn toàn không có việc định vị theo dõi.

Việc sử dụng hộ chiếu điện tử vừa tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh vừa phù hợp với Chính phủ điện tử; nâng cao vị thế của hộ chiếu Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt Nam.

Sử dụng passport phổ thông có gắn chíp điện tử sẽ mang đến nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho công dân.

Sự khác biệt giữa hộ chiếu thường và hộ chiếu gắn chip điện tử

Giống nhau:

Về cơ bản hộ chiếu phổ thông có gắn chip và không gắn chip vẫn có những điểm giống nhau như sau:

- Đều có giá trị pháp lý như nhau.

- Hộ chiếu phổ thông không gắn chip và hộ chiếu phổ thông có gắn chip giống nhau về kích thước, màu sắc và số trang. Cụ thể:

Bìa xanh tím than.

Các trang bên trong in cảnh đẹp đất nước và di sản văn hóa Việt Nam.

- Ngoài ra, cả 2 loại hộ chiếu này đều được in theo công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo mật, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO (Tiêu chuẩn ảnh thẻ tiêu chuẩn của các hãng hàng không và hầu hết các quốc gia trên thế giới).

Khác nhau:

Ngoài ra, 2 loại hộ chiếu này còn có sự khác biệt cơ bản như sau:

Về cơ bản passport gắn chip và không gắn chíp khá giống nhau.

Có bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu gắn chip điện tử không?

Cơ quan công an cho biết, hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử và hộ chiếu gắn chip điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp hộ chiếu không gắn chip điện tử hoặc cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử.

Công dân Việt Nam đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử sẽ được tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chip điện tử.

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/mot-loai-ho-chieu-passport-moi-duoc-cap-nhung-loi-ich-mang-lai-khien-ai-cung-mong-muon-so-huu-17224012211102903.htm