Một hướng phát triển làng nghề hiệu quả

GD&TĐ - Quảng Ninh là một địa phương đi đầu trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện việc nâng cao thu nhập, giải quyết nghề nghiệp, việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống...

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã bước đầu khẳng định được hiệu quả hướng phát triển kinh tế gắn liền với thế mạnh của địa phương.

Mỗi xã, phường một sản phẩm

Năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm”, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn góp phần tái cơ cấu kinh tế nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân, hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.

Qua 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo động lực để phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình OCOP. Các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2013 - 2016 đều hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tính đến 30/9/2016 đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm được phát triển từ thấp đến cao và từng bước được hoàn thiện, đảm bảo tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận...

Cụ thể, năm 2014 có 48 sản phẩm gồm cả thô, và hoàn thiện một phần; năm 2015, có 120 sản phẩm, tương đối hoàn thiện về bao bì, nhãn mác, quy trình sản xuất; năm 2016, có 198 sản phẩm, các sản phẩm đều có bao bì nhãn mác đẹp, kiểu dáng chuyên nghiệp, sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống và thảo dược đều đạt các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.

Xây dựng thương hiệu riêng

Chương trình OCOP đã khẳng định là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Đây là một nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của Quảng Ninh, được Nhà nước đánh giá, ghi nhận bằng việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vào tháng 12/2015.

Ông Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ ở 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện.

Qua đó, nâng cao nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Công tác chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, toàn diện và sáng tạo, tạo được phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới sâu rộng, quá trình tổ chức thực hiện đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Bên cạnh đó, hằng năm, Quảng Ninh quan tâm dành nguồn kinh phí không nhỏ vào khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Chương trình OCOP đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh trong việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Quá trình triển khai OCOP gồm 6 bước chính: Đăng ký ý tưởng, sản phẩm từ cộng đồng dân cư; Nộp kế hoạch sản xuất kinh doanh; Kế hoạch sản xuất kinh doanh được chọn và hoàn thiện; Triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh; Tổ chức thi sản phẩm; Xúc tiến thương mại, bán hàng. Việc triển khai sẽ không “rập khuôn” theo mô hình của nước ngoài mà chọn nội dung cho phù hợp với đặc thù của tỉnh. Trước mắt, triển khai thí điểm ở một số địa phương, trong đó tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính, gồm: Nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nhóm sản phẩm phục vụ ẩm thực và nhóm phát triển sản phẩm từ cây dược liệu.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/mot-huong-phat-trien-lang-nghe-hieu-qua-2537544-b.html