Một hành trình ba điểm đến

Chiều ngày 21/10/2017, Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 03 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đã hợp tác phát triển du lịch với Tour trải nghiệm du lịch 'Một hành trình ba điểm đến'. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự buổi gặp gỡ bàn việc hợp tác phát triển du lịch của các địa phương này.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo 03 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch

Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu đã bàn về ý tưởng và ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch, trong đó TP. Hồ Chí Minh và 03 tỉnh Tiểu Đồng Tháp Mười sẽ tập trung khai thác tour du lịch trải nghiệm “Một hành trình ba điểm đến” bằng đường thủy và đường bộ.

Cụ thể, du khách tại TP. Hồ Chí Minh sẽ khởi hành và dừng chân tại tỉnh Long An. Ở đây, du khách sẽ tham quan khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười. Hình ảnh chủ đạo của tỉnh Long sẽ là cây tràm, ẩm thực gắn với cây hẹ nước.

Đến tỉnh Tiền Giang, du khách sẽ tham quan Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, với đặc sắc là hình ảnh vùng cây trái trên đất phèn, ẩm thực gắn liền với trái thơm.

Đến Đồng Tháp – quê hương đất Sen hồng là điểm kết thúc hành trình, du khách sẽ tham quan Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ quốc gia đặc biệt Gò Tháp và Vườn quốc gia Tràm Chim – khu Ramsa 2000 của thế giới, thứ 04 của Việt Nam và là danh lam thắng cảnh của Việt Nam với hình ảnh thiên nhiên hoang sơ với dấu ấn chủ đạo là hoa sen và ẩm thực chế biến từ sen.

Sen sẽ là hình ảnh chủ đạo của tỉnh Đồng Tháp trong tour du lịch

“Một hành trình ba điểm đến” (ảnh internet)

Để phát triển hiệu quả tour du lịch trải nghiệm trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc liện kết với 03 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay, vì khách du lịch thường tìm các Tour du lịch trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên với các dịch vụ dân dã đầy tính chất trải nghiệm.

Các đại biểu cho rằng, để Tour du lịch được triển khai có hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh và 03 tỉnh của Tiểu vùng Đồng Tháp Mười tăng cường quảng bá du lịch, xây dựng tour theo hướng “du lịch chậm”, gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian khách lưu trú ở các điểm đến để cảm thụ văn hóa sông nước.., đồng thời, các tỉnh chú ý tránh trùng lặp lại các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương thông tin về du lịch Đồng Tháp trong thời gian qua với lượng khách gia tăng hằng năm đáng kể, nhưng hiện tại cơ sở phục vụ lưu trú hiện nay của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu.

Do đó, để phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó ngoài việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt chuẩn 3 sao, 4 sao trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Dương kêu gọi các doanh nghiệp đến với Đồng Tháp để tìm hiểu cơ hội đầu tư, bỡi tỉnh đang chuẩn bị khoảng 40 dự án để kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến gạo, các sản phẩm sau gạo, trái cây…

Bí thư tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh cho rằng việc liên kết du lịch giữa TP.HCM và Tiểu vùng Đồng Tháp Mười trong lĩnh vực du lịch sẽ là một triển vọng rất lớn, sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch của các tỉnh trong vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, việc liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là không phải chia nhỏ một cái bánh mà các bên làm cho cái bánh đó lớn hơn để mỗi tỉnh đều hưởng lợi.

Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh 03 tỉnh Tiểu vùng không chỉ liên kết hợp tác phát triển du lịch “Một hành trình 3 điểm đến” mà còn hợp tác phát triển ở các lĩnh vực khác như tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản chung của vùng Đồng Tháp Mười bên cạnh những thương hiệu nông sản riêng của từng tỉnh; liên kết để quản lý tài nguyên nước; liên kết về cơ cấu hạ tầng.

Quan điểm của ông cho rằng “Muốn đi nhanh thì nên đi một mình nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau” để hướng đến đích đầy vinh vang.

Ông Trần Thanh Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho rằng để phát triển trong thời gian tới, các bên cùng nhau hợp tác để kết nối hoàn thiện giao thông thủy giữa 03 tỉnh của Tiểu vùng với TP. Hồ Chí Minh để vận chuyển và cam kết sản xuất sạch, đảm bảo an toàn để cung ứng thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang phát biểu việc tham gia liên kết với tiểu vùng Đồng Tháp Mười tập trung vào các lĩnh vực như cây giống, cơ khí phục vụ cơ giới hóa và phát triển nông nghiệp.

Ông Tất Thành Cang cũng đề nghị Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và 03 tỉnh Tiêu vùng Đồng Tháp mười cùng tham gia thiết kế, hoàn thiện các tour du lịch đã được ký kết, góp phần làm phong phú và đa dạng các sản phẩm du lịch để phục vụ khách du lịch tốt hơn trong thời gian triển khai Tour trải nghiệm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương nên đầu tư hoàn thiện hạ tầng đường bộ, đường sắt kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nam bộ để tạo thuận lợi hơn trong thực hiện các chương trình hợp tác phát triển của khu vực trong tương lai.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc gặp gỡ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, 03 tỉnh Tiểu Đồng Tháp Mười với lợi thế về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng với điều kiện tự nhiên miền sông nước và hệ sinh thái đặc thù là yếu tố thuận lợi để phát triển thành các Tour, tuyến du lịch trải nghiệm khép kín.

Phó Thủ tướng lưu ý, 03 tỉnh cần nâng cấp dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, đổi mới phương thức đầu tư, tăng cường công tác truyền thông, bảo vệ môi trường…để thu hút khách du lịch tìm đến thị trường du lịch 03 tỉnh nhiều hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh hợp tác phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình còn đề nghị TP. Hồ Chí Minh và 03 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần nghiên cứu, hợp tác phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, xây dựng thương hiệu, liên kết bảo vệ và khai thác tài nguyên nước, năng lượng tái tạo…

Trong khuôn khổ sự kiện trên, hưởng ứng lời kêu gọi “Nhịp cầu nghĩa tình” của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho các tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười số tiền 57 tỷ đồng để hoàn thiện đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương cho 03 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Riêng TP. Hồ Chí Minh phải giữ vai trò đầu tàu, đi đầu trong việc gắn kết, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/mot-hanh-trinh-ba-diem-den-3903590-c.html