Một góc nhìn mới về Tự Lực văn đoàn

Tọa đàm 'Tự Lực văn đoàn: những cách tiếp cận mới' tổ chức tại Viện Văn học sáng 29/6 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả.

GS Martina Thucnhi Nguyen - một chuyên gia ngành Lịch sử Đông Nam Á hiện đại trong buổi tọa đàm đã chia sẻ những luận điểm chính trong công trình mới nhất của mình “On Our Own Strength: The Self-Reliant Literary Group and Cosmopolitan Nationalism in Late Colonial Vietnam” (tạm dịch: Dựa vào sức mạnh của chính chúng ta: Tự Lực văn đoàn và chủ nghĩa dân tộc mang tính thế giới ở Việt Nam hậu kì thuộc địa).

Bên cạnh đó, bà cũng cùng các nhà nghiên cứu đã chia sẻ về những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn.

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương.

Những năm 1930 của thế kỷ XX là giai đoạn hình thành nên nhiều giá trị về văn hóa, chứng kiến sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia dân tộc, sự ra đời của một thế hệ trẻ đóng vai trò quyết định sự phát triển của đất nước. Tự Lực văn đoàn được xem là nhóm trí thức quan trọng trong thập niên 1930 ở Bắc Kỳ, họ nổi tiếng với việc xuất bản tờ báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam, hiện đại hóa văn học Việt Nam.

GS Martina Thucnhi Nguyen chia sẻ bà đến với nghiên cứu Tự Lực văn đoàn như một cái duyên, bà đã tìm cách tiếp cận đề tài theo một hướng khác và phát hiện ra rằng “Tự Lực văn đoàn hơn cả một phong trào văn chương, nó là một phong trào tri thức và quan trọng hơn là một phong trào chính trị”.

Tờ báo trào phúng đầu tiên của Việt Nam

Trong công trình của mình, GS Martina Thucnhi Nguyen đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về tờ báo Phong Hóa - tờ báo có ảnh hưởng lớn trong đời sống đô thị ở Việt Nam, nó đã giúp phát triển tiếng Việt, cách tân thơ ca, tiểu thuyết để dẫn đến phong trào thơ mới, đổi mới thơ ca khác với thơ ca ảnh hưởng từ Trung Quốc.

GS Martina Thucnhi Nguyen chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương.

Theo bà, đối với tờ Phong Hóa tiếng cười không phải hành động đơn giản, không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải trí mà còn hướng đến mục đích cải tạo xã hội và những tiếng cười ấy buộc người đọc phải nhìn những hiện tượng khác trong đời sống với cái nhìn hoài nghi. Nó cũng cho thấy rằng, lần đầu tiên người Việt không còn có thái độ thụ động đối với những hiện tượng chính trị, xã hội đương thời nữa.

Nhân vật Lý Toét là nhân vật được bà tập trung nghiên cứu qua sự tập hợp hơn 400 bức tranh vẽ nhân vật này xuất hiện trên tờ Phong Hóa. “Lý Toét không chỉ hiện lên như 1 một công cụ để cải cách xã hội mà hơn thế, còn hướng dẫn cho người Việt Nam cách nhìn và cách sống”, GS Martina Thucnhi Nguyen khẳng định.

Bà nhận ra rằng những bức tranh trong tờ báo Phong Hóa cho thấy những giá trị khác nhau và đặc biệt là có nhiều bức tranh hoạt họa vẽ Lý Toét và Xã Xệ bởi chính độc giả của tờ báo. Sau khi so sánh, GS Martina Thucnhi Nguyen thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa những bức tranh do độc giả và thành viên của tờ báo Phong Hóa vẽ.

Đối với độc giả, họ muốn chế giễu nhân vật Lý Toét, họ thích nhân vật Xã Xệ và họ cười những nhân vật này vì sự ngốc nghếch, quê mùa, lạc hậu.

Còn các họa sĩ của Tự Lực văn đoàn thì lại có cái nhìn khác, họ thường vẽ theo hướng miêu tả những vấn đề tâm lý của các nhân vật, họ cũng đã có một cái nhìn thoáng qua về đời sống xã hội dân sự tại Việt Nam trong thời điểm này.

Thông qua những chi tiết này, bà kết luận rằng có sự tương tác, sự trao đổi, đôi khi là sự phản biện của độc giả với các thành viên của Tự Lực văn đoàn.

Nhân vật Lý Toét và Xã Xệ. Nguồn ảnh: Báo Công an Nhân dân.

GS Martina Thucnhi Nguyen cũng cho biết thêm, đi cùng sự xuất hiện của tờ Phong Hóa là sự ra đời của tiểu thuyết Bướm Trắng của nhà văn Nhất Linh, cùng một số hiện tượng mang tính chất văn hóa đại chúng như sự xuất hiện của áo dài, một số trò chơi ô chữ xuất hiện trong tờ báo này.

Cách tiếp cận vượt ra ranh giới của văn chương

TS Đoàn Ánh Dương, chuyên gia về Văn học Việt Nam thuộc địa và hậu thuộc địa, nhận định cách tiếp cận của GS Martina Thucnhi Nguyen là cách nhìn về Tự Lực văn đoàn vượt ra ngoài ranh giới của văn chương.

Một số thành viên nhóm Tự lực văn đoàn. Ảnh: Tư liệu.

Trong nghiên cứu của bà, người ta sẽ hiểu thêm về vai trò của Tự Lực văn đoàn, về trang phục và dân tộc... Người ta cho rằng Tự Lực văn đoàn như một tổ chức thân chính quyền Pháp nhưng qua những nghiên cứu của GS Martina Thucnhi Nguyen, có thể thấy họ là nhóm tự lực không có sự tài trợ nào, đem đến một hình dung rõ ràng nhưng khác biệt với những cái hình dung mơ hồ về một nhóm trí thức ở Việt Nam đầu thế kỷ XX như chúng ta vẫn biết.

TS Đoàn Ánh Dương cũng khẳng định: “Nghiên cứu cho thấy sự quan tâm của các trí thức đến đời sống của nông dân, qua việc nhìn nhận các biểu hiện của người nông dân để hình dung ra cái hạn chế của chính xã hội mà họ đang muốn vượt qua”.

Bìa cuốn sách On Our Own Strength: The Self-Reliant Literary Group and Cosmopolitan Nationalism in Late Colonial Vietnam của Martina Thucnhi Nguyen.

GS Trần Đình Sử cũng nhận định, nghiên cứu của Martina Thucnhi Nguyen đã vượt qua văn chương đi vào các khía cạnh của văn hóa, tiến lên bàn đến bình diện giá trị.

Những nghiên cứu của GS Martina Thucnhi Nguyen làm hiện lên chân dung của những người trí thức tiên phong đầu thế kỷ XX, bên cạnh lý tưởng muốn cống hiến cho văn học, muốn tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật làm báo để hấp dẫn bạn đọc họ còn khao khát thông qua những việc làm của mình để được đóng góp những giá trị mới cho xã hội.

Huyền Thương/Thời báo Văn học Nghệ thuật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-goc-nhin-moi-ve-tu-luc-van-doan-post1444539.html