Một góc nhìn khác về nghi thức tang lễ của người Việt xưa

Ngay từ khi mới phát hành, tập khảo cứu 'Tang lễ của người An Nam' đã nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo độc giả nhiều lứa tuổi, chứng tỏ sức hút của chủ đề về tín ngưỡng cổ truyền này.

Cuối tuần qua, Nhã Nam tổ chức sự kiện ra mắt bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Tang lễ của người An Nam.

Cuốn sách họa lại bức tranh toàn diện và sống động về nghi thức tổ chức lễ tang của người Việt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thông qua góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của Gustave Dumoutier, một học giả phương Tây am tường về Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Dân tộc học Bùi Xuân Đính.

Đối với người Việt Nam, nghi thức tang lễ có tầm quan trọng biểu hiện sự tôn trọng của người sống dành cho người chết và ý niệm của người sống về sự an nghỉ của người vừa qua đời.

PGS. TS Bùi Xuân Đính cho biết: “Tang lễ là một trong những nghi lễ đánh dấu bước cuối cùng của chu trình đời người. Tang lễ được tổ chức không chỉ giải quyết mối quan hệ giữa người sống và người đã khuất mà còn giữa người sống với nhau; tùy theo từng thể chế xã hội, các mối quan hệ trong cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó, Tang lễ của người An Nam không chỉ hướng đến mối quan hệ con người, mà còn hội tụ các yếu tố xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục".

Diễn giả Trần Trọng Dương.

Trên phương diện chính trị, PGS.TS. Trần Trọng Dương cho rằng trước Dumoutier, nhiều học giả khác nhận thấy muốn hiểu được người An Nam, phải bước qua điểm 'hóc hiểm' nhất là nắm bắt văn hóa, tập tục, tôn giáo. Ở đây, Dumoutier đã tập trung khảo tả về một trong những hoạt động người Việt coi trọng nhất, đó là hoạt động tang lễ. Bằng vốn cổ học sâu dày, Dumoutier đã huy động lượng kiến thức đồ sộ để diễn giải nghi thức tang lễ, điều đó cho thấy nỗ lực của người Pháp để hiểu dân An Nam.

Đặc biệt, công trình nghiên cứu được thực hiện dựa trên nhiều nguồn tham khảo khác nhau, đặc biệt là các sách Hán Nôm như Tam giáo chính độ thực lục, Hồi dương nhân quả lục, Văn bia Thân cấm khử tệ, Ngọc lịch chí bảo biên, Thích Ca hành táng, Hoàng Việt luật lệ, Soạn tập Bách Duyên kinh, Phổ Diệu kinh, Phật quốc ký…

Diễn giả Mai Anh Tuấn.

Tham gia trao đổi tại sự kiện, TS. Mai Anh Tuấn nhận định tang lễ của người Việt hội tụ nhiều yếu tố tín ngưỡng và tôn giáo, từ những quan niệm ấy đã nảy sinh ra một loạt nghi lễ, hành vi của người sống với người chết.

“Tác giả mô tả người Việt hình dung sau khi chết, linh hồn của người chết sẽ đi đâu. Việc tưởng tượng về thế giới bên kia quyết định và ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức tang lễ. Thậm chí trong xã hội ngày nay, chúng ta vẫn luôn có một nỗi ám ảnh về việc linh hồn ra sao phụ thuộc vào lối hành xử khi sống và một phần được quyết định bởi cử hành tang lễ, xây dựng mộ phần. Nỗi sợ hãi ấy thể hiện khao khát, nhu cầu được bảo trợ về đời sống thế tục và muốn nhận sự bảo trợ ấy phải tiến hành nghi thức tang lễ một cách trọn vẹn.

Dumoutier có lẽ đã “đọc vị” được người Việt trong một bối cảnh xã hội kinh tế không quá giàu có nhưng vẫn nỗ lực để thực hiện nghi thức tang lễ chu đáo và đầy đủ, điều đó cho thấy người Việt rất muốn có một đời sống thế tục an toàn”, diễn giả Mai Anh Tuấn nói.

Vì vậy, cuốn sách tái hiện chân thực cách thực hiện các nghi lễ trong một đám tang kể từ khi một người đang hấp hối tới lúc ngừng thở, từ khi nhập quan cho đến lúc chôn cất cùng hàng loạt lời kinh, bài khấn, câu chú, bùa phép để xua đuổi ma quỷ.

Từ các quan sát liên quan tới tang lễ, việc để tang và lòng kính trọng mồ mả của người Bắc Kỳ… Dumoutier đã viết cuốn sách này thật sát với quan điểm nghiên cứu dân tộc học tôn giáo, qua đó cung hiến cho các nhà nghiên cứu và độc giả ngày nay những tài liệu có giá trị tham khảo cần thiết.

Anh Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mot-goc-nhin-khac-ve-nghi-thuc-tang-le-cua-nguoi-viet-xua-2214001.html