Một gia đình có 3 nghệ nhân được Nhà nước tôn vinh

Làng nghề Kiêu Kỵ thực sự may mắn khi có tới 3 nghệ nhân được Nhà nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú dù tuổi đời còn rất trẻ.

Tới thăm các di tích lịch sử, văn hóa như Văn Miếu Quốc Tử Giám, các lăng tẩm ở Cố đô Huế, đền Hùng và các đền, chùa nổi tiếng ta thấy choáng ngợp bởi ánh vàng son lấp lánh trên những pho tượng, ngai thờ, bức hoành phi, câu đối, kiệu rước… và nay trên những bức tranh sơn mài khổ lớn trang trí tại các cơ quan, các hội trường của Quốc gia… Chúng sẽ mãi còn rực rỡ bất chấp thời gian, bởi người ta đã dát lên đó những lá vàng, bạc quì được chế tác tại làng Kiêu Kị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Kiêu Kị là làng nghề truyền thống có từ lâu đời thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa và là làng duy nhất ở Việt Nam chuyên nghề dát vàng, bạc quì. Cho đến nay, cái làng nhỏ ven đô ấy vẫn âm vang khúc nhạc đập quì với tiết tấu khoan mau, vượt qua lũy tre làng hòa vào không gian trên các cánh đồng suốt tháng năm không dứt. Không riêng ở làng, người Kiêu Kị còn mang theo nghề để đi khắp nơi lập nghiệp. Hàng năm vào ngày 12/1 âm lịch, làng vào đám mở hội Khai Tràng (nơi tổ chức sản xuất vàng quì), dân làng từ khắp nơi nô nức về quê tế Tổ.

Trước Cách mạng tháng 8/1945, nghề vàng quì ở Kiêu Kị khá phát đạt, cung cấp vàng bạc quì cho hầu khắp các công trình tín ngưỡng, cung đình… góp phần làm rực rỡ kho tàng văn hóa vật thể của dân tộc. Và nay, sau hơn 30 năm chiến tranh và hàng chục năm khôi phục lại nền kinh tế kém phát triển và bị tàn phá nặng nề, nghề vàng quì ở Kiêu Kị tưởng như đã mai một sau 50 năm “gác” búa đập quì. Thì nay, sau thời kỳ mở cửa và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, phát triển nhanh và mạnh, việc khôi phục và xây dựng mới các công trình văn hóa - lịch sử, tín ngưỡng không thể sử dụng thuốc nhuộm, sơn tây, phẩm màu và giấy thiếc để dát vàng bôi lên đó.

Vậy là nghề truyền thống của Kiêu Kị đòi hỏi phải khôi phục kịp thời. Khó khăn lớn của các gia đình làm nghề xưa đó là không còn giữ được nếp cũ. Cha ông họ, những người thợ vàng quì năm nào giờ đã quá già, sức yếu, kinh tế khó khăn, nhiều thợ giỏi cũng đã mang theo nghề về với tổ tiên. May sao vẫn còn có một cụ, tuy đã qua tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn còn đau đáu nghiệp xưa. Cùng lúc con em họ đã từ chiến trường, ba lô chiến thắng trở về, trong đó có 2 anh em là con trai và con rể của một gia đình.

Người anh là Lê Bá Chung, còn em rể là Lê Văn Vòng. Việc đầu tiên là cả 2 anh em tìm đến các cụ thợ giỏi năm xưa để xin được truyền dạy nghề. Nhiều nguyên vật liệu nay không sao tìm mua được nên phải tìm cách thay thế. Khó khăn chồng chất, các anh lại phải cùng lúc học nhiều thầy, bởi mỗi thầy cũng chỉ biết một trong số 40 công đoạn sản xuất mà thôi.

Sau 4 năm miệt mài học hỏi, cả 2 anh đều trở thành thợ lành nghề, người đứng mũi chịu sào của làng nghề tương lai phát triển. Bắt đầu từ các gia đình rồi phát triển thành các tổ hợp sản xuất, hợp tác xã rồi công ty - và một việc rất quan trọng đó là phải gấp rút đào tạo lớp thợ mới trong số các em học sinh đã qua phổ thông trung học, các mẹ, các chị và nhiều bé gái đã trở thành “thợ” mới trong các gia đình truyền thống xưa.

Các lớp đào tạo nghề đều do Sở Công nghiệp Hà Nội đứng ra tổ chức kịp thời. Nay đã có 150 em đã qua đào tạo, nhiều thợ mới với tay nghề vững trở thành đội trưởng các đội đến các công trình xa, thực hành công việc ngay tại chỗ. Lê Bá Chung nay đã làm Giám đốc Công ty vàng quì Kiêu Kị, cùng với Lê Văn Vòng 2 anh em vừa được Nhà nước vinh danh Nghệ nhân ưu tú. Người con trai của Lê Bá Trung là Lê Bá Tươi cũng được vinh danh là Nghệ nhân Hà Nội khi mới tròn 20 tuổi và là nghệ nhân ít tuổi nhất hiện nay.

Nguyên phụ liệu để sản xuất vàng quì nay không dễ tìm như giấy dó hoặc giấy Ngọc Khấu của Trung Quốc dùng chế biến lá quì, 2 nghệ nhân Chung và Vòng đã dành nhiều thời gian thử nghiệm tìm được các loại giấy khác để thay thế. Các anh cũng tự chế được máy kéo mỏng vàng diệp, máy dập mực thay giã mực thủ công như trước đây, tạo nguyên liệu sản xuất thay thế, giải phóng sức lao động nên năng xuất đạt cao ở những khâu khó khăn nhất trong quá trình sản xuất.

Trong một lần được chùa Hưng Phú (huyện Thanh Trì - Hà Nội) giao làm vàng quì để thiếp pho tượng phật cao 3,8m, cha con Lê Bá Chung đã thực hiện một cách “tuyệt hảo” về chất lượng (nói theo cách của Đại Đức Thích Thanh Phương, trụ trì của chùa) và được trụ trì của chùa rất yêu thương quý trọng nên đã dành thời gian đào tạo 2 cha con thêm nghề sơn, thiếp vàng bởi Đại Đức Thích Thanh Phương rất giỏi nghề này.

Cùng với nghề sơn thiếp, Kiêu Kị trở thành làng nghề hoàn thiện trong quy trình thi công các công trình tâm linh và trang trí các sản phẩm mỹ nghệ ứng dụng mang tính nghệ thuật cao. Các nghệ sỹ Ban Giám đốc trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam đã dùng vàng quì của gia đình Lê Bá Chung để vẽ các bức tranh sơn mài lớn dùng để trang trí Nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị Quốc gia…

Công ty vàng quì Kiêu Kị do Lê Bá Chung và Lê Văn Vòng quản lý đã cung cấp vàng quì cho các di tích lịch sử, văn hóa, các đền chùa lớn như Đền Thượng và Đền Mẫu Âu Cơ tại Khu di tích lịch sử thờ các vua Hùng (Phú Thọ), tượng phật cao 3,8m tại chùa Hưng Phú, các tượng Phật, án thờ, cửa võng các chùa Kim Liên Kim Giang, Tứ Liên, Chùa Đa Sĩ, Ước Lễ, chùa làng Sủi thờ Ỷ Lan Phu nhân (Hà Nội); chùa Quỳnh Lâm (trong quần thể di tích tâm linh Yên Tử, Quảng Ninh); Đền thờ Nguyễn Chế Nghĩa danh tướng thời Trần và chùa tại Hải Dương; Bảo tàng Bắc Ninh; Đình Đồng Kị, Kiệu và tượng tại đền thờ Lý Bát Đế tại Đình Bảng, Bắc Ninh; Thiền viện Bạch Mã và thếp ấn triều Nguyễn (Huế); Thiền viện Vạn Hạnh và chùa Nam Thiên Nhất Trụ (Thành phố Hồ Chí Minh); chùa Liên Trì (Đắc Lắc); Chùa Bảo Sơn (Đồng Nai); Đền Hoàng Nghị (Thái Bình)…

Đặc biệt là dát vàng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, cốt bằng gốm do Nghệ nhân nhân dân Trần Độ ở Bát Tràng thực hiện dành tặng cho Đại học Havarrd (Hoa Kỳ) và nhiều pho tượng quý đã được gửi đến các chùa ở đảo Trường Sa…

Cơ sở sản xuất vàng quì của công ty vàng quì Kiêu Kị thường xuyên cung cấp vàng quì cho các công ty sơn mài xuất khẩu và phục chế các công trình văn hóa- lịch sử của các làng nghề: Sơn Đồng, Vũ Lăng, Hạ Thái (Hà Nội); La Xuyên, Hải Minh, Cát Đằng (Nam Định); Bảo Hà (Hải Phòng); Ban Quản lý các di tích Huế… Nghệ nhân trẻ Lê Bá Tươi từ 3 năm trở lại đây là giảng viên dạy nghề làm vàng quì do Sở Công nghiệp tổ chức, anh có tay nghề cao vượt cả bố và người chú của mình.

Thật vinh dự cho một gia đình làm nghề truyền thống vàng quỳ ở Kiêu Kị; Gia đình ông Lê Bá Phúc có 2 con là Nghệ nhân ưu tú và người cháu đích tôn là nghệ nhân trẻ tuổi nhất Hà Nội. Cả 3 đều là thợ giỏi và đều là thành viên các Ban lãnh đạo Công ty, hợp tác xã sản xuất vàng quì ở Kiêu Kị.

Đinh Quang Thành/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/mot-gia-dinh-co-3-nghe-nhan-duoc-nha-nuoc-ton-vinh-p42927.html