Một gia đình cách mạng mẫu mực, tiêu biểu, hiếm có

Sinh thời, Đại tướng Đoàn Khuê, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ít khi kể về truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình mình. Chuyện gia đình ông có 2 vị tướng, 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 liệt sĩ hy sinh anh dũng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt thì càng ít được biết đến. Kế tục truyền thống yêu nước của cha ông, cả 9 anh chị em trong gia đình Đại tướng Đoàn Khuê sớm giác ngộ lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng để giải phóng dân tộc, trở thành những 'hạt giống đỏ' trong phong trào cách mạng của quê hương, đất nước. Cùng với 3 người thoát ly gia đình trưởng thành trong phong trào cách mạng là Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương, Đại tá Đoàn Thúy, thì 6 anh chị em trong gia đình ở lại địa phương đều anh dũng chiến đấu, cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, gồm các liệt sĩ: Đoàn Đình, Đoàn Văn Hà, Đoàn Giao, Đoàn Cư, Đoàn Ngọc Anh, Đoàn Thị Tùng.

Phòng trưng bày truyền thống cách mạng vẻ vang của gia đình tại Nhà lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) -Ảnh: T.H

Dẫn chúng tôi về thăm Khu lưu niệm gia đình Đại tướng Đoàn Khuê ở quê hương Gia Đẳng, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong Lê Xuân Lộc tự hào giới thiệu, gia đình Đại tướng Đoàn Khuê trước đây thuộc hàng giàu có, nên có điều kiện mời thầy về tận nhà dạy chữ cho con cái trong gia đình và tất cả đều sớm giác ngộ con đường cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một công chức lục lộ (quản lý đường sá thời Pháp thuộc) tên là Đoàn Gián sớm tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã về quê nhà thôn Gia Đẳng lập tổ đọc báo để truyền bá chủ nghĩa yêu nước mới. Lúc ông Đoàn Gián bị địch tình nghi, phải chuyển đi xa, thì ông Đoàn Cầu là thân phụ của Đại tướng Đoàn Khuê thay ông Đoàn Gián làm tổ trưởng tiếp tục duy trì tổ đọc báo và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Về sau, ông Đoàn Cầu tiếp nhận chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn để lập ra tổ chức Thanh niên dân chủ, rồi Thanh niên phản đế, đến ngày 6/1/1940 nhiều thành viên trong tổ chức Thanh niên phản đế được kết nạp thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở xã Triệu Lăng ra đời.

Ông Đoàn Cầu có 2 người vợ là Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Thị Lạnh cùng chung truyền thống yêu nước, dùng chính ngôi nhà của mình làm nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 10/1940, con trai cả của ông Đoàn Cầu là Đoàn Khuê làm Bí thư Phủ ủy Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong bị địch bắt, kết án 8 năm tù, đày đi nhà lao Buôn Ma Thuột. Kẻ thù dùng nhiều chiêu trò làm lung lay ý chí, lý tưởng đấu tranh cách mạng của gia đình ông nhưng bất thành. Tháng 10/1941, chính tại ngôi nhà của ông Đoàn Cầu ở thôn Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong đã diễn ra cuộc họp lập lại Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, ông Đoàn Cầu tổ chức cho dân làng lên tham gia giành chính quyền ở tỉnh lỵ Quảng Trị, được phân công đảm trách cương vị Chủ tịch xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng) nhiều năm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Con trai cả của ông Đoàn Cầu là Đoàn Khuê vượt ngục ra tù được tổ chức phân công về tham gia chỉ đạo giành chính quyền năm 1945 ở tỉnh Quảng Bình, sau đó vào quân đội. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chính gia đình ông Đoàn Cầu đề xuất chi bộ đảng vận động Nhân dân trồng dương liễu xung quanh nhà thờ họ Đoàn để che kín địa điểm làm việc, thu giấu tài liệu, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Năm 1953, ông Đoàn Cầu mất trong trận càn Ca Mác của địch, nhưng 2 người vợ và các con của ông tiếp nối dùng ngôi nhà của mình nuôi giấu cán bộ cách mạng, làm nơi cất giấu vũ khí cung cấp cho địa phương, là nơi làm việc và đóng quân của Ban Chỉ huy Trung đoàn 95.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài 3 người con lớn là Đoàn Khuê, Đoàn Chương, Đoàn Thúy thoát ly gia đình trưởng thành trong quân đội, 6 người con còn lại của gia đình ông Đoàn Cầu ở lại bám trụ với phong trào cách mạng địa phương đều noi gương cha anh đi trước, chiến đấu kiên cường, bất khuất, lần lượt hy sinh anh dũng. Năm 1964, Đoàn Đình là người con đầu tiên trong số 6 anh em bám trụ ở quê hương hy sinh khi theo đường biển chở thương binh ra miền Bắc và chở súng đạn quay về, bị địch bắn chìm thuyền tại Cửa Việt. Năm 1965, Đoàn Giao là cán bộ nằm vùng bị địch lần theo dấu chân in trên cát tìm đến tận hầm trú ẩn khi trời mưa và chiến đấu hy sinh. Năm 1967, Đoàn Ngọc Anh trên đường rút quân bị địch phục kích, pháo bắn đuổi, không vượt được qua sông Vân Tường, hy sinh anh dũng.

Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đoàn Văn Hà là chiến sĩ đặc công đánh đồn Cổ Lũy bị hỏa lực mạnh của địch bắn, hy sinh. Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ- ngụy tung quân về nông thôn bình định, tìm diệt, Đoàn Cư bám dân, quần nhau chiến đấu mấy ngày với địch, bị thương nặng và hy sinh.

Cũng trong năm 1968, người con cuối cùng trong 6 anh em bám trụ ở địa phương là Đoàn Thị Tùng làm Hội trưởng phụ nữ huyện Triệu Phong lọt vào ổ phục kích của địch và chiến đấu hy sinh. Chỉ gần 5 năm (1964-1968), tất cả 6 người em trong gia đình của Đại tướng Đoàn Khuê bám trụ chiến đấu ở quê hương đều hy sinh.

“Một gia đình có 9 người con thì có đến 6 liệt sĩ và 3 người là sĩ quan cao cấp trong quân đội; 2 người mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nếu tính cả con dâu, rể, cháu nội, thì gia đình Đại tướng Đoàn Khuê có 15 người tham gia cống hiến, phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Đây thực sự là gia đình cách mạng mẫu mực, tiêu biểu, hiếm có”, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng Lê Xuân Lộc tự hào khẳng định.

Về xã Triệu Lăng hôm nay, những thành quả phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới đã làm cho miền quê cát thực sự thay da, đổi thịt như sinh thời Đại tướng Đoàn Khuê hằng mong muốn.

Quỹ Khuyến học Đoàn Cầu (cụ thân sinh Đại tướng Đoàn Khuê) với mục đích hỗ trợ sự phát triển giáo dục trên địa bàn xã Triệu Lăng được UBND huyện Triệu Phong công nhận đủ điều kiện hoạt động từ tháng 4/2012 đến nay, không chỉ tiếp thêm động lực cho các cháu học sinh có điều kiện theo học mà còn góp phần giáo dục con em quê hương tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình Đại tướng Đoàn Khuê, nỗ lực phấn đấu vươn lên đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, mạnh giàu.

Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/mot-gia-dinh-cach-mang-mau-muc-tieu-bieu-hiem-co/180857.htm